Trà Vinh khuyến khích phát triển 5.700 ha nuôi tôm sinh thái

Trà Vinh khuyến khích phát triển 5.700 ha nuôi tôm sinh thái

Năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân ở các huyện vùng ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, thị xã Duyên Hải, tiếp tục phát triển và giữ vững mô hình sản xuất rừng – tôm, với diện tích khoảng 5.700 ha. Đây là mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khi hậu, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Trà Vinh khuyến khích phát triển 5.700 ha nuôi tôm sinh thái ảnh 1Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải (Trà Vinh). Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN

Ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, những năm qua, hàng trăm hộ nông dân trong tỉnh không có đủ nguồn vốn và điều kiện đất đai bố trí mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã tự trồng rừng để nuôi tôm sú sinh thái, tạo sản phẩm sạch bán được giá cao.

Ngoài diện tích đất được nông dân tự trồng rừng để nuôi thủy sản, toàn tỉnh còn có hơn 5.120 ha rừng được tỉnh giao khoán cho người dân và các tổ chức bảo vệ, kết hợp nuôi tôm, cá, vọp, sò huyết, cua biển dưới chân rừng để có thêm thu nhập. Bình quân mô hình sản xuất rừng – thủy sản đem lại cho nông dân nguồn lãi ròng từ 120 – 130 triệu đồng/ha/năm.

Ông Huỳnh Văn Phong, xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải cho biết, gia đình có hơn 03 ha đất rừng được bố trí kết hợp nuôi thuỷ sản. Qua 3 năm sản xuất, nếu so sánh về hiệu quả giữa nuôi tôm thâm canh và mô hình rừng – tôm, tỷ lệ lợi nhuận rừng – tôm đạt 90-95%, còn nuôi tôm thâm canh mật độ cao đạt khoảng 30%.

Lợi thế mô hình rừng – tôm là nông dân giảm đến hơn 80% chi phí thức ăn, chủ động trong thu hoạch để chọn lựa tôm đạt kích cở loại I (10 con/kg trở lại) bán được giá cao, không bị động thu hoạch và thất thu khi gặp thị trường tôm giảm giá. Bình quân 1 kg tôm nuôi sinh thái được thương lái đặt hàng thu mua cao hơn tôm nuôi thâm canh từ 20–30%.

Theo ông Trần Văn Dũng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, ngoài sản xuất rừng – tôm, nhiều năm nay nông dân trong tỉnh còn phát triển mô hình lúa – tôm càng xanh tại các vùng nước lợ với diện tích hơn 5.600 ha. Bình quân, 1 ha sản xuất lúa – tôm càng xanh, nông dân có tổng lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, nhờ sản phẩm sạch, bán được giá cao.

Năm 2023, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt diện tích khoảng 28.000 ha, tăng hơn 180 ha so năm 2022. Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm 2023.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm