Trà Vinh phát triển nghề nuôi tôm nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa

Trà Vinh phát triển nghề nuôi tôm nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa

UBND tỉnh vừa phê duyệt và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện phương án phát triển bền vững, đạt giá trị cao với ngành chế biến và nuôi tôm nước mặn, lợ từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu phấn đấu đạt được là phát triển nghề nuôi tôm nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bền vững; góp phần quan trọng thực hiện thành công tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh. Tỉnh thực thi đồng bộ giải pháp để thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào ngành nghề chế biến, nuôi trồng ứng dụng khoa học, công nghệ cao; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, người lao động; tạo động lực, mạnh mẽ để phát triển vùng kinh tế ven biển.

Trà Vinh phát triển nghề nuôi tôm nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa ảnh 1Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải. Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước mặn, lợ đến năm 2025 đạt diện tích ổn định khoảng 34.250 ha, với tổng sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 172.000 tấn/năm. Tỉnh tiếp kêu gọi nhà đầu tư xây dựng dự án và vận hành 3 mô hình nuôi tôm điển hình, gồm: khu nuôi tôm công nghệ cao quy mô 360 ha; khu nuôi tôm lúa đạt chứng nhận hữu cơ quy mô 750 ha; khu nuôi tôm - rừng đạt chứng nhận sinh thái quy mô 678 ha; kêu gọi nhà đầu tư xây dựng ít nhất 1 nhà máy chế biến tôm công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm để cải thiện năng lực chế biến tôm tại chỗ.

Đến năm 2030, tỉnh vẫn duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ ở mức 34.250 ha, nhưng tập trung phát triển các tiểu vùng nuôi thâm canh mật độ cao đạt diện tích khoảng 3.600 ha; nuôi thâm canh diện tích 18.800 ha; nuôi tôm - lúa diện tích 4.700 ha; nuôi tôm - rừng diện tích khoảng 7.100 ha, với tổng sản lượng tôm nuôi đạt trên 286.000 nghìn tấn/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, song song với giai đoạn phát triển nghề nuôi tôm, tỉnh tiếp tục kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào cụm tổ hợp chế biến, gồm: 3 nhà máy có tổng công suất chế biến tôm 54.000 tấn sản phẩm/năm; 1 nhà máy chế biến gạo tiêu chuẩn hữu cơ công suất 200.000 tấn/năm; 1 khu đô thị, nhà ở công nhân với đầy đủ tiện ích xã hội. Trà Vinh kêu gọi đầu tư khu phức hợp thủy sản cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho cụm ngành tôm, thu hút khoảng 35.000 người làm việc trong ngành công nghiệp tôm nước lợ của tỉnh.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương ven biển tổ chức thực hiện các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn; phát triển nguồn lực; tổ chức và quản lý sản xuất; đổi mới và bổ sung cơ chế, chính sách và liên kết phát triển; phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi tôm; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế; chủ động sản xuất nguồn con giống chất lượng, thức ăn phục vụ nuôi tôm…

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích 37.500 ha đất nuôi trồng thủy sản vùng ven biển. Hiện tại, diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ của tỉnh hằng năm trên 25.000 ha, với sản lượng tôm thu hoạch bình quân mỗi năm đạt khoảng 65.000 tấn.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm