Tỉnh Trà Vinh có diện tích nuôi tôm trên 25.000 ha trong tổng diện tích 37.500 ha ha đất nuôi trồng thủy sản vùng ven biển của tỉnh. Tỉnh có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh đến năm 2025 đạt khoảng 15.000 ha; trong đó, có 1.100 ha nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, đưa sản lượng nuôi trồng vùng ven biển đạt khoảng 200.000 tấn/năm. Giá trị tăng thêm ngành thuỷ sản của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 5%/năm.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục Trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Trà Vinh cho biết, năm nay nhờ thời tiết, môi trường nước khá thuận lợi nên nông dân vùng ven biển tập trung thả tôm giống. Hầu hết hộ nuôi tôm đều bố trí quy trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng nên hạn chế mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường nước, tránh được rủi ro về dịch bệnh trên tôm nuôi.
Mùa vụ nuôi tôm vùng nước mặn, lợ năm nay, diện tích nuôi tôm sú theo hình thức thâm canh mật độ cao, nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được nhiều hộ nông dân mở rộng diện tích nuôi lên đến 665 ha mặt nước, năng suất thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân từ 50 – 55 tấn/ha. Hiện tại, nông dân nuôi tôm có mức lãi khá nhờ giá tôm sú, thẻ chân trắng ổn định ở mức từ 120.000 – 140.000 đồng/kg (loại 45 – 50 con/kg).
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, từ tháng 5/2022 đến nay, nông dân ở các vùng biển thuộc các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và thị xã Duyên Hải đã thu hoạch tôm sú, tôm thẻ chân trắng nuôi được hơn 26.000 tấn; trong đó, lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch gần 22.000 tấn.
Phúc Sơn