Cà Mau vài nét tổng quan

Cà Mau vài nét tổng quan
1. Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý

Cà Mau là tỉnh cực nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Cà Mau nằm ở 8o34’ đến 9o33’ vĩ độ Bắc và 104o43’ đến 105o25' kinh độ Đông, cách Thành phố Hồ Chí Minh 370 km, cách thành phố Cần Thơ 180 km về phía nam. Theo đường chim bay, từ bắc tới nam dài 100 km.

Phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông và đông nam giáp biển Đông và phía tây giáp Vịnh Thái Lan. Cà Mau nằm trên bán đảo, có vị trí địa lý khá đặc biệt, với ba mặt tiếp giáp biển. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều. Cà Mau nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên rất thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực.

Địa hình

Phần đất liền có diện tích 5.294,87 km2, xếp thứ 2 và bằng 12,97% diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bằng 1,58% diện tích cả nước. Trong đó, diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên 266.735 ha, đất trồng lúa 129.204 ha, đất lâm nghiệp 103.723 ha.

Vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam do tỉnh Cà Mau quản lý có diện tích 71.000 km2. Trong đó, có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc.

Cà Mau là vùng đồng bằng, có nhiều sông rạch, có địa hình thấp, bằng phẳng và thường xuyên bị ngập nước. Độ cao bình quân 0,5m đến 1,5m so với mặt nước biển. Hướng địa hình nghiêng dần từ bắc xuống nam, từ đông bắc xuống tây nam. Những vùng trũng cục bộ Thới Bình, Cà Mau nối với Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai (Bạc Liêu) thuộc vùng trũng trung tâm Bán đảo Cà Mau có quan hệ địa hình lòng sông cổ. Những ô trũng U Minh, Trần Văn Thời là những vùng “trũng treo” nội địa được giới hạn bởi đê tự nhiên của hệ thống các con sông Ông Đốc, Cái Tàu, sông Trẹm và gờ đất cao ven biển Tây. Vùng trũng treo này quanh năm đọng nước và trở thành đầm lầy. Phần lớn đất đai ở Cà Mau là vùng đất trẻ do phù sa bồi lắng, tích tụ qua nhiều năm tạo thành, rất màu mỡ và thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, trồng rừng ngập mặn, ngập lợ…

Bờ biển phía đông từ cửa sông Gành Hào (huyện Đầm Dơi) đến vùng cửa sông Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) bị xói lở, có nơi mỗi năm bị xói lở trên 20 mét. Ngược lại, vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau hàng năm được phù sa bồi đắp từ 50 đến 80 mét.

Cà Mau có nhiều kênh rạch lớn nhỏ, đan xen nhau như kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, Cà Mau - Bạc Liêu, Chợ Hội - Huyện Sử, kênh Chắc Băng, Bà Kẹo, Đội Cường, Biện Nhị...

Rạch có rất nhiều như: Rạch Sau, Lung Lắm, Bà Bường, Bà Thanh, Bà Kẹo, Bà Đặng, Ông Do, Ông Tình, Ông Định, Ông Đơn, Rạch Lùm, Rạch Cui, Rạch Ráng, Rạch Dinh, Rạch Tệt, Rạch Đền... Ở Cà Mau có nhiều đầm, trong đó nổi bật nhất là đầm Bà Tường (còn gọi là Đầm Thị Tường). Đây là đầm lớn nhất và là một thắng cảnh ở Cà Mau. Đầm chia làm 3 phần: Đầm Trên, Đầm Giữa, Đầm Dưới. Khoảng cách giữa 2 bờ nơi rộng nhất khoảng 2 km. Chiều dài 7 km. Đầm Thị Tường cạn, có nhiều tôm, cá và là nơi du lịch sinh thái hấp dẫn.

Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và đan xen nhau như mạng nhện, chiếm 3,02% diện tích tự nhiên, trong đó có nhiều sông lớn, mực nước sâu, dẫn phù sa bồi đắp vào sâu trong đất liền như các sông: Tam Giang, Gành Hào, Bảy Háp, Sông Đốc, Đầm Dơi, Cái Tàu, Trèm Trẹm…Tổng chiều dài sông ngòi khoảng 7.000 km, rất thuận tiện cho vận tải, giao thông đường thủy.

Chế độ thủy triều ở khu vực tỉnh Cà Mau chịu tác động trực tiếp của chế độ bán nhật triều không đều biển Đông và chế độ bán nhật triều không đều ở biển Tây. Biên độ triều biển Đông tương đối lớn, khoảng 300 - 350 cm vào các ngày triều cường và từ 180 - 220 cm vào các ngày triều kém.

Một số sông ngòi chính:

- Sông Cửa Lớn (còn gọi là Cái Lớn): dài 56 km, bắt nguồn từ sông Ông Trang chảy ra Bồ Đề. Có đặc điểm là khi nước lớn chảy ngang qua Năm Căn rồi đổ luôn ra biển. Hai bên bờ sông có nhiều cây đước, mắm, vẹt...

- Sông Gành Hào: dài 55km, bắt nguồn từ sông Giồng Kè (Cà Mau), chảy qua Ao Kho, Mương Điều rồi đổ ra biển. Tại cửa sông sâu gần 20 mét, rộng 300 mét.

- Sông Bảy Háp: dài 48 km, bắt nguồn từ kênh xáng Đội Cường, chảy ra cửa Bảy Háp. Trung bình sâu 5 – 6 mét. Tại cửa sông rộng khoảng 500 mét.

- Sông Ông Đốc: dài 44 km, bắt nguồn từ ngã ba sông Cái Tàu chảy ra Vịnh Thái Lan.

- Sông Trèm Trẹm (còn gọi là sông Trẹm): dài 42 km bắt nguồn từ Kiên Giang chảy tới ngã ba Cái Tàu. Độ sâu trung bình 3 – 4 mét, chiều rộng khoảng 80 mét.

Khí hậu

Cà Mau là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm trong khu vực nội chí tuyến bắc bán cầu, cận xích đạo, đồng thời nằm trong khu vực gió mùa châu Á nên khí hậu Cà Mau ôn hoà thuộc vùng cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt.

Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, trung bình từ 170 đến 200 ngày/ năm. Vùng biển phía tây và khu vực tây nam của tỉnh, mùa mưa mưa thường bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn các khu vực khác. Lượng mưa trung bình giữa các tháng vào mùa mưa chênh lệch nhau không nhiều và nằm trong khoảng từ 200mm đến 400mm/ tháng.

Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm dao động từ 26,6oC đến 27,7oC; nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm là vào tháng 4 và tháng 5, khoảng 28,6oC. Riêng từ năm 2001 đến 2005 nhiệt độ trung bình tháng 4 dao động từ 29,2oC đến 29,7oC. Nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1, khoảng 25,6oC. Như vậy, chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất khoảng 3oC.

Giờ nắng trung bình cả năm 2.269 giờ. Lượng bốc hơi trung bình hàng năm khoảng 1.000 mm; mùa khô (tháng 3 – tháng 4) có lượng bốc hơi gần 130 mm/tháng. Độ ẩm trung bình năm là 83%, mùa khô độ ẩm thấp, đặc biệt vào tháng 3, độ ẩm thường đạt khoảng 50%.

Chế độ gió vừa chịu ảnh hưởng của đặc trưng cho vùng nhiệt đới lại vừa chịu ảnh hưởng của các cơ chế gió mùa khu vực Đông Nam Á. Hằng năm, có 2 mùa gió chủ yếu: gió mùa đông (gió mùa đông bắc) từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và gió mùa hạ (gió mùa tây nam), bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô hướng gió thịnh hành theo hướng đông bắc và đông. Mùa mưa gió thịnh hành theo hướng tây nam hoặc tây. Tốc độ gió trung bình hàng năm ở Cà Mau nhỏ, trong đất liền chỉ từ 1,0 đến 2,0m/giây, ngoài khơi gió mạnh hơn cũng chỉ đạt 2,5 đến 3,5m/giây. Vào mùa mưa, thỉnh thoảng có dông hay lốc xoáy tới cấp 7, cấp 8. Bão tuy có nhưng không nhiều và không lớn. Thời tiết, khí hậu ở Cà Mau thuận lợi cho phát triển ngư - nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

Tài nguyên đất 

Cà Mau là vùng đất mới do phù sa bồi tụ, được hình thành bởi 2 dòng hải lưu ở biển Đông và Vịnh Thái Lan, nhận phù sa của sông Cửu Long bồi đắp. Nhìn chung đất đai của tỉnh là đất trẻ, mới được khai phá sử dụng, có độ phì nhiêu trung bình khá, hàm lượng chất hữu cơ cao nhưng do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn, ngập lợ.

Cà Mau có các nhóm đất chính:

Nhóm đất mặn có diện tích 150.278 ha, chiếm 28,84% diện tích tự nhiên, được phân bố chủ yếu ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Nhóm đất mặn được hình thành trên các vùng trầm tích biển và trầm tích sông biển. Đây là loại đất trẻ, chịu ngập triều thường xuyên hoặc định kỳ.

Nhóm đất phèn có diện tích 334.925 ha, chiếm 64,27% diện tích tự nhiên; phân bố chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.

Nhóm đất phèn nhiễm mặn phân bố ở những vùng ven biển. Đối với diện tích đất phèn không ngập mặn có thể trồng lúa trong mùa mưa, trồng các cây công nghiệp chịu phèn như: mía, khóm, chuối, tràm… Đối với diện tích phèn bị ngập mặn có thể trồng rừng ngập mặn, nuôi thuỷ sản. Ngoài ra, còn có nhóm đất than bùn dưới thảm rừng tràm, với diện tích khoảng 10.564 ha, phân bố ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời và nhóm đất bãi bồi với diện tích 9.507 ha, phân bố ở các huyện Ngọc Hiển và Phú Tân.

Tài nguyên nước 

Nguồn nước mặt (bao gồm nước mặt sông, kênh, rạch, kênh đào, đồng ruộng, nước ven biển) của tỉnh Cà Mau chủ yếu là nước mưa và nước từ biển vào theo các nhánh sông. Nguồn nước mặt là nước ngọt chủ yếu tập trung ở khu vực rừng tràm U Minh hạ, vùng sản xuất nông nghiệp phía bắc huyện Trần Văn Thời và huyện Thới Bình. Đây là nguồn nước mưa được giữ tại chỗ, do đó thích hợp cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt và nuôi cá đồng.

Nguồn nước mặt là nước lợ, nước mặn (đây là nguồn nước được đưa vào từ biển, hoặc pha trộn với nguồn nước mưa) chiếm phần lớn nguồn nước mặt của tỉnh và thích hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản.

Nguồn nước ngầm (nước dưới đất) của tỉnh Cà Mau có trữ lượng rất lớn, dễ khai thác. Theo kết quả đánh giá cho thấy, trữ lượng nước ngầm trong toàn tỉnh Cà Mau khoảng 5,8.106m3/ngày. Trong đó, nước có thể sử dụng được cho sinh hoạt đến tầng 2 khoảng 5,2 triệu m3/ngày. Đây là nguồn nước chính phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Nguồn nước khoáng: kết quả thăm dò cho thấy tỉnh Cà Mau có 3 nguồn nước khoáng. Bao gồm:

- Nguồn nước khoáng thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình: Thuộc lỗ khoan S147, nằm gần ngã ba sông, do Đoàn 804 thi công năm 1996. Nguồn nước khoáng được phát hiện trong lỗ khoan sâu 258m, lưu lượng 23 lít/giây. Kết quả phân tích cho thấy, nước khoáng Thới Bình có thành phần hóa học bicarbonat natri, khoáng hóa thấp, được xếp loại nước khoáng silic, ấm. Hiện nay, nguồn nước khoáng này được khai thác, cấp nước sinh hoạt.

- Nguồn nước khoáng Cà Mau: thuộc lỗ khoan 215, do Đoàn 802, thuộc Liên đoàn địa chất thủy văn thi công năm 1996, nằm trong khuôn viên trụ sở cũ của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Cà Mau (phường 2, thành phố Cà Mau). Nước xuất hiện ở lỗ khoan sâu 328m. Kết quả phân tích cho thấy, đây là nước khoáng bicarbonat natri, khoáng hóa thấp đoạn trên và vừa đoạn dưới, được xếp vào loại nước ấm đoạn trên và nước khoáng hóa  ấm đoạn dưới.

- Nguồn nước khoáng Năm Căn: Thuộc lỗ khoan S141, gần trụ sở UBND huyện Năm Căn (địa bàn thị trấn Năm Căn). Nguồn nước được phát hiện ở lỗ khoan sâu 257m, lưu lượng 11 lít/giây, độ hạ thấp mực nước 21,89m. Kết quả phân tích cho thấy, đây là nước khoáng bicarbonat – clorut – sulfat natri, khoáng hóa vừa, được xếp vào nước khoáng hóa ấm. Hiện nay, nguồn nước khoáng này được khai thác, cấp nước sinh hoạt.

Tài nguyên rừng 

Đến năm 2012, Cà Mau có tổng diện tích rừng khoảng 103.723 ha, chiếm 77% rừng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là rừng ngập nước. Trong đó, rừng tự nhiên 9.179ha, rừng trồng 94.544ha. Cà Mau có 3 loại rừng chính:

Rừng ngập mặn (rừng đước Cà Mau):

Rừng ngập mặn Cà Mau có hệ sinh thái độc đáo và đa dạng, đứng thứ 2 trên thế giới, sau rừng Amazôn ở Nam Mỹ. Rừng ngập mặn Cà Mau có diện tích gần 69.000ha. Trong đó, tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi và Phú Tân.

Rừng ngập mặn Cà Mau là một thảm thực vật với nhiều loài cây như: đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, dương xỉ, dây leo… Trong đó, đước là loài cây chiếm đại đa số và có giá trị kinh tế cao. Theo số liệu thống kê của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng rừng ngập Minh Hải (12/1998), rừng ngập mặn Cà Mau có 101 loài cây. Trong đó, có 32 loài cây chính thức thuộc 27 họ.

Rừng ngập mặn Cà Mau: có 28 loài thú, thuộc 12 họ. Trong đó, 5 loài có trong sách đỏ Việt Nam, 1 loài trong sách đỏ IUCN, như bộ linh trưởng (khỉ đuôi dài, voọc), bộ móng guốc ngón chẵn(heo rừng), bộ ăn thịt (chồn mướp, cáo mèo, cáo cộc, rái cá…), 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 14 loài tôm, 175 loài cá, 133 loài động thực vật phiêu sinh.

Rừng ngập lợ (rừng tràm U Minh)

Rừng tràm U Minh có tổng diện tích khoảng 35.000 ha. Tập trung ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình. Rừng tràm U Minh thuộc hệ sinh thái đất ngập nước nội địa, với rừng tràm trên đất phèn và đất than bùn. Cùng với U Minh Thượng (Kiên Giang) là một trong hai nơi duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái rừng này, đồng thời là vùng đất ngập nước quan trọng và có giá trị trong vùng hạ lưu sông Mê Kông và Đông Nam Á. Đặc trưng cơ bản của bồn trũng U Minh là quá trình nâng lên của thế đất hình dạng lòng chảo, mà trung tâm bồn trũng là hệ sinh thái rừng U Minh Hạ, với diễn thế tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn chuyển hẳn sang rừng tràm khi tiến sâu vào nội địa và ngọt hóa dần bồn trũng.

Rừng tràm U Minh có giá trị cao về đa dạng sinh học và đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định đất, thủy văn, trữ nước ngọt, cung cấp nước ngọt cho người và động vật hoang dã; ngăn cản việc chua hóa đất đai, điều hòa khí hậu, bảo tồn tính đa dạng sinh học vùng rừng ngập nội địa.

Rừng ngập lợ cây tràm chiếm ưu thế tuyệt đối, dưới tán rừng có nhiều loài dây leo và cây nhỏ khác. Có nhiều loài động vật như heo rừng, khỉ, chồn, trăn, rắn, rùa, trúc (tê tê)… và có 60 loài cá nước ngọt và cá nước lợ sinh sống trú ngụ. Đặc biệt, ong mật rừng tràm nhiều và hàng năm cho khai thác sản lượng lớn.

Rừng trên đảo Hòn Khoai, Hòn chuối, Hòn Đá Bạc

Ngoài ra, trên các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối có trên 710 ha rừng, với nhiều loại gỗ quý và động vật sinh sống dưới tán rừng.

Tài nguyên biển 

Cà Mau có chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng ĐBSCL, bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước và có nhiều cửa sông ăn thông ra biển như: Gành Hào, Bồ Ðề, Ông Ðốc, Ông Trang, Bảy Háp, Khánh Hội...Trên biển có đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu, trú bão, phát triển kinh tế biển. Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000 km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Trữ lượng cá nổi ước khoảng 320 ngàn tấn, cá đáy 530 ngàn tấn, với 661 loài, 319 giống, thuộc 138 họ. Nhiều loại tôm cá có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá hồng, cá sạo, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp… Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thủy sản như nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn…có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản khoảng 300 ngàn tấn/năm.

Nuôi trồng thuỷ sản ở Cà Mau phát triển mạnh, với tổng diện tích trên 266.735ha. Trong đó, chủ yếu nuôi quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến, công nghiệp, bán công nghiệp, với các mô hình chuyên tôm, tôm - rừng, tôm – lúa kết hợp. Nuôi tôm công nghiệp đạt năng suất từ 5 tấn/ha/vụ. Cà Mau sản xuất khoảng 8 tỷ con giống mỗi năm, đã giải quyết một phần về nhu cầu con giống cho nghề nuôi trồng thuỷ sản. Nhu cầu về con giống thực tế cần khoảng 12 tỷ con giống mỗi năm.

Biển Cà Mau tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, gần tuyến hàng hải quốc tế nên có nhiều thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế bằng đường biển, phát triển kinh tế biển, khai thác dầu khí và tài nguyên khác trong lòng biển.

Tài nguyên khoáng sản

Biển Cà Mau đã phát hiện có trữ lượng dầu khí khá lớn, nhiều triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí. Theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển khí Tây Nam và nghiên cứu khả thi đường ống dẫn khí Tây Nam của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, tại vùng bồn trũng Malay - Thổ Chu phía Tây Nam đã có các phát hiện về khí có giá trị tại khu vực PM – 3 - CAA. Chỉ riêng các khu vực đang thăm dò, khai thác và một số lô có tài liệu khảo sát đã cho trữ lượng tiềm năng khoảng 172 tỷ m3, trong đó đã phát hiện 30 tỷ m3. Khả năng phát triển và khai thác tối đa các mỏ khí dự báo có thể đạt sản lượng khai thác đỉnh là 8,25 tỷ m3/năm.

Rừng tràm U Minh có trữ lượng than bùn lớn nhất cả nước. Số liệu điều tra cơ bản năm 1987, Cà Mau còn khoảng 75 triệu tấn than bùn, với diện tích khoảng 14.000 ha, có nơi lớp than bùn dày hơn 1 mét. Những năm gần đây diện tích và trữ lượng than bùn ở rừng U Minh bị suy giảm do cháy rừng gây ra. Diện tích rừng có than bùn còn khoảng 5000 ha. Than bùn U Minh có thể sử dụng làm chất đốt, phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm khác.

Trên 2 hòn đảo: Hòn Khoai và Hòn Đá Bạc còn có đá macma có thể làm đá hộc, đá mi, đá chẻ, ốp lát. Nhưng trữ lượng không lớn, lại nằm xa bờ nên tỉnh không đưa vào khai thác, sử dụng.

Đất sét  được phát hiện 2 mỏ và 1 điểm sét gạch ngói.

- Điểm sét gạch ngói Tân Thành, thành phố Cà Mau được phát hiện vào tháng 6/1996. Thân khoáng sản lộ trên mặt dưới dạng cánh đồng lúa phẳng, có độ cao tuyệt đối khoảng 0,7 – 1,0m. Phạm vi phân bố được xác định chiều dài khoảng 1.250m, rộng 500m.

- Mỏ sét gạch ngói Giồng Kè, thuộc khóm 3, phường 1, thành phố Cà Mau. Mỏ này được khai thác sản xuất gạch từ năm 1990, có chiều dài khoảng 750m, rộng 250m.

- Mỏ sét gạch ngói ấp Chánh, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 10 km, phân bố ở độ cao 0,7 đến 1,0m. Thân khoáng sản lộ ngay trên mặt đất dưới dạng cánh đồng bằng phẳng, có chiều dài khoảng 1.500m, rộng khoảng 250m.

2. Dân cư

Tính đến đầu năm 2017, dân số tỉnh Cà Mau có 1.223.191 người, với 613.042 nam và 610.149 nữ; tổng số 290.846 hộ.

Trong đó: Ở thành thị, có 69.015 hộ, với 276.385 người. Ở nông thôn, có 221.831 hộ, với 946.806 người.

Tỷ lệ sinh 14,55%. Tỷ lệ chết 4,95%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,96%. Mức giảm tỷ lệ sinh 0,02%.

Hiện nay, số lao động làm việc trong tỉnh giảm do tình hình sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác phối hợp dạy nghề gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở dạy nghề với chính quyền địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế nên một số lao động sau học nghề chưa tìm được việc làm phù họp tại địa phương. Mặc dù kết quả giải quyết việc làm có tăng so cùng kỳ, nhưng lao động mất việc làm, đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 4.783 người, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu lao động theo ngành chủ yếu vẫn là nông nghiệp và thủy sản. Trình độ học vấn, ngành nghề, trình độ đào tạo, đạt mức trung bình của vùng. Tạp quán, kinh nghiệm canh tác và kỹ năng nghề nghiệp của lao động Cà Mau được tích lũy qua nhiều thế hệ thuộc loại khá so với các tỉnh khác, nhất là kỹ năng lao động nghề nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản, trồng lúa.

Dân cư sinh sống trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 14 thành phần dân tộc, trong đó có 3 dân tộc chính gồm Kinh, Khmer và Hoa.

Đến đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, người Kinh chiếm đại đa số, với khoảng 1.180.000 người, chiếm trên 96% dân số và sinh sống hầu hết ở các nơi trong tỉnh. Tiếp theo là người Khmer khoảng 33.439 người, chiếm 2,73% dân số, sống tập trung tại các ngôi chùa ở cả thành thị và nông thôn, tạo thành các xóm người Khmer, sinh sống bằng nghề trồng lúa, rau màu, chăn nuôi, khai thác thủy sản, mua bán nhỏ. Người Hoa có 9.418 người, chiếm 0,76% dân số, chủ yếu sống ở khu vực thành thị, sinh sống bằng nghề mua bán. Còn lại là các dân tộc khác như: Mường, Thái, Tày, Nùng, Giao, Gia rai, Ê đê, Chăm, Chu ru, Si la, người nước ngoài.

Tổng số hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 3.940 hộ, chiếm 32,93%; trong đó, hộ nghèo khoảng 3.073 hộ, chiếm 25,68%; hộ cận nghèo khoảng 867 hộ, chiếm 7,25%.

Đồng bào các dân tộc trong tỉnh Cà Mau đều có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán riêng nhưng luôn đoàn kết, hòa quyện với nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các ngôi chùa, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lò hỏa táng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh hoạt vào các dịp lễ, Tết.

Đến nay, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có bước phát triển đáng kể. Nhiều hộ được cấp đất ở, đất sản xuất, tặng nhà ở, cung cấp nước sạch, giải quyết việc làm, học sinh được cử tuyển; các nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, dạy chữ Khmer… được quan tâm giải quyết. Kết cấu hạ tầng nhất là về điện nông thôn, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống cung cấp nước sạch…được đầu tư xây dựng.. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân mỗi năm từ 3-4%/năm.

3. Lịch sử hình thành và phát triển

Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có chép: “Thời Gia Long, những giồng đất cao ráo ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bảy Háp và một vài phụ lưu mới có người khai khẩn, lập thành xóm, ấp. Tuy vậy, đến thời Tự Đức, Cà Mau vẫn là vùng rừng đước, vẹt, tràm, không mấy ai đến lập nghiệp vì thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn”.

Cuối thế kỷ XVII, Mạc Cửu là tướng của nhà Minh (Trung Quốc) chạy nạn bởi triều đình Mãn Thanh đã dẫn một số người Trung Hoa đến vùng Hà Tiên sinh sống. Sau khi Mạc Cửu dâng toàn bộ phần đất này thần phục nhà Nguyễn, Mạc Thiên Tứ con của Mạc Cửu đã vâng lệnh triều đình chúa Nguyễn lập ra đạo Long Xuyên (ở vùng đất Cà Mau ngày nay), tố chức mang tính chất quân sự.

Đến Gia Long thứ 7 (1808), đạo Long Xuyên được đổi ra huyện Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên (lúc đó đất Nam Bộ có 3 dinh: dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn, dinh Long Hồ và một trấn Hà Tiên). Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), nhà Nguyễn đã đặt ra một quan tri huyện để cai trị.

Cùng với sự phát triển của lịch sử, Nam Bộ được chia thành 6 tỉnh (lục tỉnh Nam Kỳ): Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Riêng tỉnh Hà Tiên có 3 phủ, 7 huyện, Cà Mau thuộc huyện Long Xuyên, phủ An Biên (Hà Tiên), tỉnh Hà Tiên.

Để ổn định về hành chính trong việc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Pháp chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh. Ngày 18/2/1882, một phần đất Bạc Liêu thuộc tỉnh Sóc Trăng, một phần đất Cà Mau thuộc Rạch Giá được hợp thành tỉnh Bạc Liêu. Ngày 9/3/1956, theo Sắc lệnh 32/VN, chính quyền Sài Gòn lấy quận Cà Mau, quận Quảng Xuyên và 4 xã của quận Giá Rai: Định Thành, Hoà Thành, Tân Thành, Phong Thạnh Tây lập thành tỉnh Cà Mau. Ngày 22/10/1956, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh 143/VN đổi tên tỉnh Cà Mau thành tỉnh An Xuyên.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 2/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Nghị định hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Hai tỉnh Cà Mau (An Xuyên) và Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải. Tỉnh Minh Hải có thị xã Minh Hải, thị xã Cà Mau và 7 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Châu Thành, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển.

Ngày 11/7/1977, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 181-CP giải thể huyện Châu Thành. Các xã của huyện này được nhập vào các huyện Giá Rai, Trần Văn Thời và Thới Bình.

Ngày 29/12/1978, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 326-CP lập thêm 6 huyện mới: Phước Long, Cà Mau, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn. Số huyện trong tỉnh tăng lên 12 huyện.

Ngày 30/8/1983, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 94-HĐBT giải thể huyện Cà Mau, các xã của huyện này được sáp nhập vào thị xã Cà Mau và các huyện Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước, tỉnh còn lại 2 thị xã và 11 huyện.

Ngày 17/5/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 75-HĐBT đổi tên thị xã Minh Hải thành thị xã Bạc Liêu. Hợp nhất huyện Hồng Dân và huyện Phước Long lấy tên là huyện Hồng Dân. Hợp nhất huyện Cái Nước và huyện Phú Tân thành huyện Cái Nước.

Ngày 17-18/12/1984, với hai quyết định của Hội đồng Bộ trưởng đổi tên huyện Năm Căn (cũ) thành huyện Ngọc Hiển (mới). Đổi tên huyện Ngọc Hiển (cũ) thành huyện Đầm Dơi (mới). Chuyển tỉnh lỵ Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau. Thời điểm này tỉnh Minh Hải có 2 thị xã (thị xã Cà Mau, thị xã Bạc Liêu) và 9 huyện: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển.

Ngày 6/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải ra làm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thực hiện từ ngày 1/1/1997. Tỉnh Cà Mau có diện tích 5.211 km2, dân số 1.133.747 người, gồm một thị xã (Cà Mau) và 6 huyện (Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển).

Ngày 14/4/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 21 thành lập thành phố Cà Mau trực thuộc tỉnh Cà Mau.

Ngày 17/11/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 138 thành lập huyện Năm Căn và Phú Tân trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ngọc Hiển và huyện Cái Nước.

Ngày 14/4/1999 thị xã Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố loại 3, trực thuộc tỉnh.

Ngày 02/9/2010, thành phố Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố loại 2, trực thuộc tỉnh.

4. Văn hóa - Du lịch
 
Do đặc điểm tự nhiên, Cà Mau là tỉnh cuối cùng nơi cực Nam Tổ quốc, Mũi Cà Mau có cột mốc tọa độ quốc gia nên du lịch địa lý rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Với 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập lợ đan xen giữa những rừng cây là những dòng sông uốn lượn, từng là điểm mở đường Hồ Chí Minh trên biển (bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển); nơi chứng kiến, tiễn đưa những đứa con miền Nam tập kết ra Bắc, mang theo cây vú sữa miền Nam gởi tặng Bác Hồ (cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời); những dòng sông với nhiều chiến công hiển hách (Tam Giang, Cái Lớn, Cái Tàu, sông Ông Đốc, Đầm Dơi).

Dưới tán rừng là những đầm tôm, ruộng lúa cùng các vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên, với nhiều loại chim quý hiếm… tạo nên các tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn. Các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Hòn Buông, bãi Khai Long… là những nơi còn giữ được vẻ đẹp nguyên thuỷ của tự nhiên.

Ngoài ra, Cà Mau còn có nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh; nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội nghinh Ông, vía Bà, đua ghe ngo… mang đậm bản sắc văn hoá của 3 dân tộc anh em Kinh – Hoa – Khmer.

Về Cà Mau du khách còn nghe kể chuyện Bác Ba Phi, đơn ca tài tử, đi thuyền trên sông nước, thưởng thức những món ăn đặc sản của rừng, của biển…
Theo camau.gov.vn

Có thể bạn quan tâm