Phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế

Phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế

Thời gian qua, Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tham gia xây dựng vùng nuôi tôm trên địa bàn xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đạt chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC (lúa - tôm). Mô hình này được địa phương đánh giá cao, mang lại hiệu quả tốt trong sản xuất.

Năm 2022, xã Trí Lực, huyện Thới Bình có gần 600 ha tôm - lúa đã được chứng nhận ASC Group cung ứng sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường (lúa, tôm) của vùng. Tính đến đầu tháng 12 năm nay, diện tích tôm - lúa được chứng nhận đạt trên 1.000 ha, có 610 hộ tham gia mô hình này. Từ mô hình canh tác hữu cơ đã nâng tầm hạt gạo ST24 của xã Trí Lực, sản phẩm gạo hữu cơ mang thương hiệu Hoàng Yến được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Qua rà soát cho thấy, loại hình nuôi tôm chứng nhận ASC trên đất trồng lúa nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất đạt khoảng 300 - 500 kg/ha/năm (chỉ tính 1 vụ 6 tháng thả tôm 2 lần). Còn diện tích chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì năng suất chỉ đạt dưới 200 kg/ha/năm.

Anh Huỳnh Minh Triều - Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Phát, xã Trí Lực, huyện Thới Bình chia sẻ, trước đây nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, không có liên kết trong sản xuất. Nông dân tự làm và tự mua bán sản phẩm với thương lái nên nhiều khi giá cả không được ổn định. Còn từ khi tham gia mô hình sản xuất tôm – lúa đạt chứng nhận quốc tế, nông dân đã có được ý thức sản xuất theo quy trình, liên kết sản theo chuỗi gia trị và giá cả đầu ra ổn định, bán sản phẩm được giá như nhau. Đặc biệt giá trị sản phẩm được nâng cao hơn nhiều so với trước, được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu thu mua hết sản phẩm của nông dân. Vì vậy, nông dân trong xã phấn khởi và đồng tình hưởng ứng mô hình hiệu quả này.

Do là mô hình sản xuất ‘‘kép’’ nên có tính đặc thù, tôm sú được thả nuôi trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa. Muốn canh tác đạt hiệu quả đòi hỏi nông dân phải thông thạo quy trình kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nhất là tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, quy định sản xuất đạt chứng nhận quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết thêm, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất tôm – lúa đạt chứng nhận quốc tế. Cùng đó, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật, quy trình sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh cho tôm, lúa cho người nông dân.

Từ đó hình thành trong tư duy người nông dân ý thức sản xuất thân thiện với môi trường, có ý thức cộng đồng cao. Mô hình sản xuất tôm – lúa chứng nhận quốc tế mang lại hiệu quả cao, có tính bền vững, đưa ra thị trường ra sản phẩm sạch, giá trị tăng cao, đầu ra sản phẩm ổn định do được doanh nghiệp ký kết bao tiêu thu mua cao hơn giá trị trường khoảng 3.000 đồng/kg - ông Nguyễn Văn Trung dẫn chứng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện tại đã có 1 Hợp tác xã đạt chuẩn này và một số Hợp tác xã đang áp dụng quy trình nuôi ASC. Đầu ra ổn định, giá bán tốt là ưu điểm lớn của quy trình nuôi này.

Anh Lâm Thái Xuyên, đại diện Công ty Minh Phú cho biết, đến nay, xã Trí Lực có trên 1.000 ha trong số khoảng 2.670 ha diện tích sản xuất tôm - lúa của xã đã đạt chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC (lúa - tôm). Định hướng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, doanh nghiệp tập trung mở rộng diện tích vùng nuôi ở những khu vực còn lại của xã Trí Lực và mở rộng ra thêm nhiều xã khác ở vùng ngọt hóa huyện Thới Bình.

Đây là nỗ lực của doanh nghiệp nhằm xây dựng vùng nuôi tôm chứng nhận ASC để đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng cao phục vụ cho chế biến xuất khẩu, nâng tầm giá trị con tôm Cà Mau. Từ việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ thay đổi tư duy sản xuất của nông dân theo hướng áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu vào sản xuất, tạo đầu ra ổn định, góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Châu Công Bằng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, tỉnh có tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nuôi tôm - lúa và được xem là một trong những mô hình mang tính bền vững, hiệu quả trong sản xuất. Toàn tỉnh có 45.000 ha sản xuất tôm – lúa. Đây là mô hình có tính đặc thù là tôm sú được thả nuôi trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa. Thực tế đã khẳng định sản xuất luân canh một vụ lúa, một vụ tôm là mô hình sản xuất bền vững, tạo sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, người nuôi tôm có ý thức cộng đồng.

Mô hình sản xuất chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC (lúa - tôm) đã áp dụng thành công xã Trí Lực, huyện Thới Bình, đây cũng là chứng nhận quốc tế đầu tiên trên mô hình lúa – tôm ở Cà Mau và trong cả nước. Mô hình sản xuất này đã góp phần nâng tầm giá trị tôm sinh thái và lúa hữu cơ ở vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau, đáp ứng yêu cầu chát lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu ở các thị trường khó tính trên thế giới.

Thời gian tới, Cà Mau chú trọng xây dựng và nhân rộng loại hình nuôi chứng nhận nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ASC gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; kịp thời thông tin và cảnh báo về môi trường, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường tiêu thụ để người dân chủ động sản xuất đạt hiệu quả cao.

Kim Há


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm