Những năm trước, nông dân vùng sản xuất tôm - lúa của tỉnh Bạc Liêu thường phải chịu cảnh "trúng mùa, rớt giá”, hoặc “được giá, mất mùa". Nhưng năm nay, niềm vui như nhân đôi khi người nông dân vừa trúng mùa vừa được giá. Tại hầu hết các vùng sản xuất tôm – lúa, năng suất thu hoạch trung bình đạt hơn 800kg/1.000m², nhiều diện tích thu hoạch đến 1.000kg/1.000m².
Với giá lúa bao tiêu 8.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, mỗi công nông dân thu lãi từ 5-6 triệu đồng. Có thể nói, trong điều kiện bị tác động không nhỏ của dich bệnh COVD-19, thì thắng lợi của vụ lúa trên đất tôm cũng xem như bù đắp, để nông dân đón cái tết Nhâm Dần đủ đầy, tươm tất.
Trên cánh đồng tôm - lúa xã Phong Thạnh Đông, thị xã Giá Rai những ngày này rộn rã niềm vui. Tiếng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, tiếng gọi nhau í ới của nông dân làm cho bức tranh quê thêm bừng sáng, sinh động hơn. Cầm trên tay những bông lúa trĩu hạt, ông Hà Văn Tánh, ấp 15, xã Phong Thạnh Đông vô cùng phấn khởi cho biết, đầu vụ sản xuất gia đình cũng khá lo lắng khi giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao, nhưng nhờ giá lúa tăng cao nên gia đình vẫn có lợi nhuận.
Niềm vui trúng mùa được giá của người nông dân nơi đây hoàn toàn không phụ thuộc vào yếu tố may mắn. Đó rõ ràng là nhờ chính sách và định hướng đúng đắn của chính quyền các cấp trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng miền, thổ nhưỡng, phát huy được giá trị của đất. Giống như tại thị xã Giá Rai, để có được hiệu quả như thế, ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, vụ lúa trên đất tôm năm nay, thị xã Giá Rai gieo sạ trên 3.000ha. Hiện tại, nông dân thu hoạch được hơn 70% diện tích.
Để khuyến khích người dân sản xuất lúa trên đất tôm, thị xã Giá Rai đã hỗ trợ 50% chi phí lúa giống cho khoảng 2.000 ha. Trên 80% diện tích sản xuất lúa trên đất tôm ở đây, nông dân sử dụng giống lúa ST24 và ST25, do đó bán được giá khá cao, nông dân thu được lợi nhuận tốt. Với hiệu quả đạt được ở vụ lúa trên đất tôm năm nay, thị xã Giá Rai đặt mục tiêu mở rộng thêm diện tích ở vụ mùa năm sau. Hiện, thị xã đã chuẩn bị nguồn kinh phí 3 tỷ đồng để hỗ trợ lúa giống cho nông dân.
Ở địa phương khác, nông dân cũng đang thu hoạch lúa trong niềm vui kép là huyện Phước Long. Năm nay, nông dân ở đây xuống giống hơn 13.000ha; trong đó, nhiều nhất là giống lúa ST 24, ST 25. Ông Lê Việt Thắng ở ấp Long Hậu, thị trấn Phước Long cho biết, năm nay là năm thứ hai gia đình chọn giống lúa thơm ST24 để canh tác. Theo ông Thắng, nếu như những năm trước, giống lúa ST 24, ST 25 là cái tên mới mẻ, thì nay bà con nông dân đều nhận thấy giống lúa này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên lựa chọn canh tác.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu, hiện, giá lúa tươi được thu mua tại ruộng dao động từ 6.500 – 8.200 đồng/kg. Cụ thể, giống lúa Một Bụi đỏ có giá từ 6.400- 6.700 đồng/kg, giống lúa thơm chất lượng cao ST24, ST25 có giá từ 8.000- 8.200 đồng/kg.
Riêng lúa trên diện tích làm theo tiêu chuẩn VietGAP, lúa hữu cơ được các doanh nghiệp bao tiêu thu mua với giá cao hơn. Do lúa trên nền đất tôm không tốn nhiều chi phí đầu tư như sản xuất lúa thâm canh nên sau khi trừ chi phí, bà con nông dân có lãi từ 4,5 -5 triệu đồng/1.000m².
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, năng suất lúa năm nay đạt cao một phần là do thời tiết thuận lợi, mưa nhiều tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Mặt khác, nông dân đã thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp từ lựa chọn thời điểm xuống giống theo lịch thời vụ đến tuân thủ quy trình bón phân phun thuốc vi sinh, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện chú trọng đến việc đầu tư hệ thống thủy lợi, hướng dẫn, tập huấn cho người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lúa, đáp ứng nhu cầu thị trường hướng đến tạo thương hiệu "lúa thơm, tôm sạch".
Cùng với thu hoạch lúa, nông dân vùng sản xuất tôm-lúa của tỉnh Bạc Liêu cũng đang thu hoạch tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa. Ở thời điểm hiện nay, tôm càng xanh loại 30 con/kg có giá từ 95.000-100.000 đồng/kg. Mặc dù, giá tôm càng xanh thương phẩm có thấp hơn mọi năm do ảnh hưởng dịch COVID -19, nhưng đầu ra vẫn đảm bảo.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 40.000 ha sản xuất theo mô hình tôm - lúa. Qua thống kê cho thấy, hiệu quả đem lại từ việc kết hợp giữa "cây lúa - con tôm" không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác mà còn tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi phát triển tốt. Bạc Liêu hiện đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất này. Theo đó, định hướng của tỉnh đến năm 2025, mở rộng phát triển trên 43.000 ha.
Tỉnh sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương và các nguồn hợp pháp khác đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cho vùng lúa - tôm theo hướng khép kín các ô đê bao trong cánh đồng lớn ở từng khu vực để chủ động trong việc cấp, thoát và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt. Đồng thời, phát động lại phong trào làm thủy lợi - thủy nông nội đồng trong dân, để từng bước xã hội hóa công tác thủy lợi phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, để nâng giá trị lúa gạo trong mô hình tôm-lúa hơn nữa, Bạc Liêu đã, đang xây dựng, phát triển mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A.
Theo đó, định hướng sản xuất tôm - lúa theo hướng sạch, an toàn, đạt chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, ASC và có lộ trình xây dựng thương hiệu tôm sạch, gạo an toàn theo hướng hữu cơ trong vùng sản xuất tôm - lúa, tiến tới xác lập chuẩn cho vùng canh tác nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.
Tuấn Kiệt