Năm 2022, cả nước sẽ phát triển 200 nghìn ha tôm-lúa

Năm 2022, cả nước sẽ phát triển 200 nghìn ha tôm-lúa

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022 ngành tiếp tục phát triển sản xuất nuôi tôm-lúa với khoảng 200 nghìn ha; sản lượng đạt 120 nghìn tấn.

Năm 2022, cả nước sẽ phát triển 200 nghìn ha tôm-lúa ảnh 1Mô hình tôm - lúa mang lại hiệu quả cao và bền vững. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi tôm lúa mặn lợ có thể nuôi 2 vụ (một vụ tôm và một vụ lúa). Diện tích nuôi tôm-lúa khá lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình đạt 60-70 triệu đồng/1ha/năm. Tuy nhiên, phát triển mô hình tôm-lúa đang gặp phải một số khó khăn như: thiếu hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được thị trường tiêu thụ ổn định,…

Kỹ thuật canh tác tôm-lúa đa dạng và có sự khác nhau giữa các địa phương như: nuôi tôm - lúa quảng canh truyền thống; nuôi tôm – lúa quảng canh cải tiến; nuôi tôm sú luân canh trồng lúa. Cùng với đó là một số giống lúa chịu mặn thích hợp cho mô hình tôm-lúa như: ST, 1 bụi đỏ, Nàng keo, OM5451, OM2017, OM6377, OM6677, OM9915, OM9921, OM9916,… cho năng suất đạt khá cao, thích ứng với độ mặn dưới 5 phần nghìn.

Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian tới các địa phương cần xây dựng hạ tầng thủy lợi đáp ứng kịp thời nhu cầu nước phục vụ sản xuất cho vùng phát triển mô hình tôm-lúa. Hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu cấp nước mặn, giữ ngọt chủ động cần thiết, góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ.

Việc xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm cấp nước mặn sạch và tiêu thoát nước thải phục vụ cho nuôi trồng thủy sản là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay, đáp ứng yêu cầu thiết thực cho quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất của toàn vùng.

Để góp phần cải thiện năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của nuôi tôm-lúa, người nuôi cần chú trọng quan tâm đến kỹ thuật nuôi như: chọn giống chất lượng và kích cỡ giống; tỷ lệ diện tích nuôi phù hợp…

Bên cạnh đó là thực hiện các nghiên cứu tạo giống lúa chịu mặn cho vùng nuôi tôm-lúa, và nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật gốc sinh học phù hợp cho canh tác lúa trong mô hình tôm-lúa. Hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu, khuyến cáo mô hình tôm-lúa thành sổ tay, bộ tài liệu hướng dẫn; đào tạo, tập huấn kiến thức cho người lao động thực hiện mô hình tôm-lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; áp dụng mô hình tôm-lúa cải tiến như: có ao lắng, ao ương, ao nuôi…

Ngoài ra, nghiên cứu công nghệ nuôi tôm lúa theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Ưu tiên áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP cho mô hình tôm-lúa (một vụ tôm và một vụ lúa) cho đối tượng hộ nhỏ lẻ và nhóm hộ nông dân.

Năm 2021, diện tích nuôi tôm-lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 189 nghìn ha, chiếm 26,8% so với diện tích nuôi tôm của 8 tỉnh trong khu vực. Sản lượng đạt khoảng 85 nghìn tấn tôm sú và trên 20 nghìn tấn tôm càng xanh.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm