Để sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tăng dần về lượng và chất qua từng năm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh đã đề nghị các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, có những giải pháp hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân, hợp tác xã tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần giới thiệu, quảng bá cũng như tăng thêm tính cạnh tranh cho nông sản Bình Phước trong quá trình hội nhập.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước định hướng xây dựng chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân ứng dụng công nghệ 4.0, IoT, trong sản xuất, tham gia các sàn thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đặc biệt là số hóa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trong xây dựng hồ sơ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP. Số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP.Ngoài ra, ngành tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận kỹ năng bán hàng trên nền tảng công nghệ thông tin; kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội… Tổ chức lớp tập huấn về phần mềm Facefarm cho nông dân hợp tác xã, để nông dân biết cách xây dựng được tài khoản Facefarm; số hóa dữ liệu hợp tác xã trên Facefarm, công nhận sản phẩm OCOP, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ...; bản đồ hóa cơ sở canh tác, sản xuất, xây dựng nhật ký sản xuất; truy xuất được nguồn gốc bằng QRCode.

Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 250 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, phấn đấu 10% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định. Chủ thể được bồi dưỡng, tập huấn về chương trình OCOP là 100%; tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 5% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh…Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước phấn đấu trên 90% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; 80% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, thời gian qua ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử uy tín nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kinh doanh trên môi trường trực tuyến, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước có 157 sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao. Sản phẩm OCOP đa dạng về chủng loại như: nông sản tươi, nông sản chế biến, thảo dược, đồ uống, hàng thủ công mỹ nghệ… Để chuẩn hóa quy trình sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, các sở, ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chủ thể số hóa sản phẩm OCOP. Sản phẩm OCOP được các đơn vị đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền và gắn mã QR cho từng sản phẩm giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đồng thời giữ vững thương hiệu sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Đạt, chủ nhân của 6 sản phẩm từ hạt điều thương hiệu Vinahe được công nhận OCOP từ 3 đến 4 sao tại thị xã Phước Long chia sẻ: Thời gian qua, văn phòng OCOP của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã quan tâm hướng dẫn để các doanh nghiệp, cá nhân được lên sao cao hơn so với mỗi lần tái cấp. Các sản phẩm được nâng lên từ 2 sao lên 3 sao, từ 3 sao lên 4 sao, 4 sao lên 5 sao,... Ngành chức năng đã giúp chủ các sản phẩm OCOP tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các địa phương trong việc triển khai chương trình OCOP."Chính quyền địa phương đã xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP bằng cách hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, máy móc tiên tiến và tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm để đảm bảo uy tín của chương trình", ông Nguyễn Hoàng Đạt cho biết thêm.

Hợp tác xã cà phê nguyên chất Bù Đốp ở huyện biên giới Bù Đốp với sản phẩm OCOP là "Cà phê đặc sản Bù Đốp" được nhiều người biết đến vài năm gần đây. Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ, thương hiệu các sản phẩm cà phê đã được tiêu thụ tại nhiều địa phương. Anh Trần Xuân Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã cà phê nguyên chất Bù Đốp cho biết, hợp tác xã tập trung canh tác hữu cơ với và quy trình thu hoạch theo tiêu chuẩn. Hợp tác xã đầu tư máy móc hiện đại để rang, xay, hoàn thiện quy trình chế biến nhằm chứng minh về nguồn gốc cũng như xuất xứ của sản phẩm. Sản phẩm được công nhận OCOP mang đặc trưng riêng và có sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại...
K GỬIH