Ngày hội Yến sào và trưng bày, quảng bá nông sản, dịch vụ hỗ trợ nông dân

Từ ngày 15-21/4, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước phối hợp Hiệp hội Yến sào Việt Nam tổ chức Ngày hội Yến sào và trưng bày, quảng bá nông sản, thương mại, dịch vụ hỗ trợ nông dân tại Quảng trường thành phố Đồng Xoài (Bình Phước). Trong ngày hội, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước thành lập và ra mắt Câu Lạc bộ “Yến sào Bình Phước”.

vna_potal_ngay_hoi_yen_sao_va_trung_bay_quang_ba_nong_san_thuong_mai_dich_vu_ho_tro_nong_dan_binh_phuoc_7325594.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng yến sào. Ảnh: K GỬIH-TTXVN

Ngày hội thu hút đông đảo tổ chức, doanh nghiệp, hộ nông dân... nuôi, khai thác, chế biến và kinh doanh tổ yến trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các địa phương trong cả nước. Hơn 200 gian hàng với các sản phẩm yến sào và nông sản chất lượng cao với món ăn, thức uống chế biến từ tổ yến, trái cây đặc sản nhiều vùng miền.Ngày hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các mô hình nông dân nuôi chim Yến và ngành công nghiệp Yến sào tại tỉnh Bình Phước, hướng đến phát triển đa dạng các sản phẩm từ tổ Yến, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường xuất khẩu tổ Yến chính ngạch.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước Trần Văn Vinh cho biết, tại tỉnh Bình Phước từ những năm 2004 đến nay, các mô hình nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ đã hình thành và phát triển rộng khắp địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.400 nhà dẫn dụ nuôi chim Yến, với tổng đàn hơn 400.000 con. Diện tích sàn nuôi chim yến phổ biến từ 100 - 350 m2. Sản lượng khai thác trung bình của mỗi nhà yến khoảng 4 kg/tháng. Những điều kiện trên đã góp phần đưa Bình Phước trở thành tỉnh có số lượng nhà nuôi chim yến thuộc Top đầu các địa phương khu vực phía Nam.

Ngày hội được tổ chức với kỳ vọng mở ra cơ hội giới thiệu những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của ngành Yến Bình Phước, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương; đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ nông dân. Các Hội thảo được tổ chức xuyên suốt tại ngày hội sẽ tạo được cầu nối gắn kết, mở ra diễn đàn gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa Hội Nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân với người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia để hợp tác, trao đổi thông tin, chuyển giao khoa học công nghệ mới, công nghệ cao, bảo vệ môi trường; tạo tiền đề định hướng, xây dựng chiến lược phát triển bền vững nghề nuôi chim Yến trong tương lai.

Tham gia tại ngày hội, chị Trương Thị Ngọc, gian hàng Yến sào Bình Phước cho biết, đây là cơ hội để các nhà nuôi yến quảng bá sản phẩm yến sào đến người dân trong và ngoài tỉnh những sản phẩm tốt nhất. Chị Trương Thị Ngọc mong muốn phát triển ngành yến gắn với du lịch cộng đồng để tạo kế sinh bền vững cho người dân và môi trường thân thiện. Người dân vừa làm du lịch khép kín từ nuôi và bảo tồn đàn chim, vừa hướng dẫn khách tham quan tất cả các khâu trong quá trình chế biến đến tay khách hàng tiêu thụ. Các cơ quan liên quan cần có cơ chế và bảo vệ các sản phẩm từ tổ yến, có các chủ trương và định hướng ưu tiên cho ngành yến thành một ngành nông nghiệp chất lượng cao, trở thành đặc sản địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, ngày hội Yến sào và trưng bày, quảng bá nông sản, thương mại, dịch vụ hỗ trợ nông dân là sự kiện lần đầu tiên tổ chức tại Bình Phước có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ tổ Yến, tạo không gian kết nối chặt chẽ, bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ Yến sào.Theo bà Trần Tuyết Minh, thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình nuôi, khai thác, chế biến tổ Yến hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp Yến sào, tỉnh Bình Phước khuyến khích các ngành, hội, đoàn thể, các địa phương, các tổ chức chuyên ngành Yến quan tâm, đầu tư nghiên cứu nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách, giải pháp nuôi hợp lý gắn với cơ sở chế biến đáp ứng yêu cầu thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật dẫn dụ, khai thác tổ Yến hiệu quả, chuyển giao khoa học, công nghệ mới trong quá trình nuôi, khai thác, chế biến tổ Yến để nâng cao giá trị sản phẩm Yến sào. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến sâu theo chuỗi giá trị các sản phẩm từ tổ Yến để gia tăng giá trị hàng hoá; xây dựng và phát triển thương hiệu cho Yến sào Bình Phước không chỉ ở quy mô doanh nghiệp mà phấn đấu trở thành thương hiệu quốc gia được bảo hộ, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến tăng cường xuất khẩu tổ Yến chính ngạch sang các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, tôn chỉ của Hiệp hội Yến sào Việt Nam là tạo sân chơi và quy tụ những người nuôi chim yến vào tổ chức để có điều kiện giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Và đồng thời cũng là cơ hộ để chúng ta liên kết với nhau tạo thành một chuỗi vừa sản xuất, vừa chế biến, kinh doanh, xuất khẩu. Khi có câu lạc bộ sẽ giúp hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có cơ hội tập hợp, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm và nghề nghiệp của mình. Từ đó sẽ giúp cho từng hộ nông dân phát triển một cách bền vững, có chiều sâu và mang lại giá trị kinh tế cao.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm