Phát triển sản phẩm OCOP tạo đột phá tiềm năng nông thôn tỉnh Bình Phước

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương trong tỉnh Bình Phước đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ các sản phẩm nông sản đặc trưng nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đột phá tiềm năng nông thôn, từng bước nâng vị thế, giá trị của sản phẩm được công nhận.

Nâng giá trị "thủ phủ" điều

Chàng trai 8X Nguyễn Hoàng Đạt ở phường Phước Bình (thị xã Phước Long) đã thành công trong chế biến sâu 6 sản phẩm từ hạt điều trồng tại địa phương. Năm 2021, có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao. Anh Nguyễn Hoàng Đạt cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên đã gắn bó với cây điều nên mong muốn mang đến cho người tiêu dùng một cái nhìn hoàn toàn mới về hạt điều Bình Phước. Những sản phẩm chất lượng luôn phải đi đôi với sức khỏe khách hàng. Sản phẩm của anh đảm bảo sản xuất theo quy trình tự nhiên từ vùng trồng đến nhà sản xuất và trao tận tay người tiêu dùng.

vna_potal_binh_phuoc_phat_trien_san_pham_ocop_tao_dot_pha_tiem_nang_nong_thon_7652581.jpg
Công nhân đóng gói sản phẩm điều rang muối được chứng nhận OCOP của cơ sở sản xuất kinh doanh Như Hoàng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Ảnh: TTXVN phát

“Bình Phước được xem là thủ phủ điều cả nước, là vùng đất với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây điều dễ dàng sinh trưởng, phát triển cho hạt chắc mẩy, nhiều dưỡng chất, thơm giòn đặc trưng. Đây là lợi thế tạo thương hiệu hạt điều cao cấp ra đời từ vùng đất Bình Phước. Sản phẩm hạt điều làm ra được thu mua từ các hộ nông dân tại thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng”, anh Nguyễn Hoàng Đạt cho biết thêm.

Còn tại huyện Bù Đăng có thế mạnh về diện tích cây điều lớn nhất tỉnh. Nhân dân trong huyện từ chỗ sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa rẫy và cây hoa màu thì đến nay đã chuyển sang trồng cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, tổng số sản phẩm được đạt chứng nhận OCOP có 5 sản phẩm đạt hạng 3 sao đến hạng 4 sao; trong đó, có 3 sản phẩm hạng 4 sao và 2 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Ông Trương Văn Thanh (xã Thọ Sơn) là chủ thể sản xuất điều rang muối được chứng nhận OCOP 4 sao nay đã được công nhận 3 năm. Theo ông Trương Văn Thanh, sản phẩm điều rang muối có nguồn gốc trồng tại địa phương. Hạt điều được thu mua từ các thành viên trong Hợp tác xã Thương mại dịch vụ nông nghiệp Như Hoàng. Ông Trương Văn Thanh cho biết, trên địa bàn huyện Bù Đăng cây điều chiếm diện tích rất lớn. Đây là nguồn cung cấp sản phẩm dồi dào để khai thác hiệu quả tiềm năng, tạo giá trị thương hiệu nông sản cho bà con địa phương. Việc hạt điều của chúng tôi được công nhận sản phẩm OCOP đang mang lại thương hiệu, chất lượng sản phẩm chất lượng.

Còn anh Nguyễn Bình Dương ở xã Bom Bo hiện đã hoàn thành hồ sơ chờ xét duyệt công nhận sản phẩm điều rang muối đạt chuẩn OCOP. Theo anh Dương, việc phát triển sản phẩm OCOP bằng điều là rất phù hợp với phát triển hiện nay tại địa phương. Nhiều hộ dân vẫn chủ yếu gắn bó với cây điều là nguồn thu nhập chính. Việc khai thác tiềm năng, nâng cao thương hiệu sẽ giúp sự phát triển nông nghiệp ở địa phương bền vững hơn.

vna_potal_binh_phuoc_phat_trien_san_pham_ocop_tao_dot_pha_tiem_nang_nong_thon_7652586.jpg
Sản phẩm điều rang muối được chứng nhận OCOP của cơ sở sản xuất kinh doanh Như Hoàng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Huy Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng cho biết, thời gian qua, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các đơn vị liên quan tạo điều kiện giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm đến trung tâm, điểm bán hàng OCOP, hội chợ triển lãm OCOP cấp tỉnh, khu vực. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đã tích cực động tham gia tiêu thụ các sản phẩm OCOP ở các đại lý trong và ngoài tỉnh.

Phát huy lợi thế này, huyện Bù Đăng đã tập trung rà soát, lựa chọn và hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm OCOP ở các xã. Địa phương định hướng xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Ngành chức năng của tỉnh và huyện hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến, quan tâm xây dựng câu chuyện sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Số hóa sản phẩm

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân, tỉnh khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đặc biệt là số hóa các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trong xây dựng hồ sơ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP. Số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP. Tập huấn để hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận kỹ năng bán hàng trên nền tảng công nghệ thông tin; kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội….

vna_potal_binh_phuoc_phat_trien_san_pham_ocop_tao_dot_pha_tiem_nang_nong_thon_7652573.jpg
Sản phẩm điều rang muối được chứng nhận OCOP của cơ sở sản xuất kinh doanh Như Hoàng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Ảnh: TTXVN phát

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết, giải pháp để công nhận các sản phẩm OCOP của địa phương là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến cấp xã, thôn; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Các địa phương tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP.

Huyện Bù Đăng tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với sự hình thành và phát triển các nhà máy chế biến điều nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng cao, kết hợp với phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản dưới tán điều. Đẩy mạnh phát triển thương hiệu “Hạt điều Bình Phước”, theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản phẩm; giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.

Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 136 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP đạt hạng 3 sao đến hạng 5 sao; trong đó, có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 55 sản phẩm hạng 4 sao, 78 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Sản phẩm OCOP bao gồm: hạt điều, hạt tiêu, mật ong, bột nghệ, mít sấy...

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm