Tín hiệu vui từ Đề án sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng Tháp

Sau hơn 3 tháng gieo sạ, gần 50 ha lúa thí điểm thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp) tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) vừa được thu hoạch. Đề án đạt những kết quả bước đầu mang lại nhiều niềm vui, niềm tin, sự phấn khởi trong nông dân.

vna_potal_thu_hoach_lua_thi_diem_cua_de_an_san_xuat_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_o_dong_thap_7607386.jpg
Thu hoạch diện tích lúa thí điểm thực hiện Đề án sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tín hiệu vui từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, Đồng Tháp là một trong 5 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đồng Tháp thực hiện mô hình mẫu của Quốc gia với diện tích gần 50 ha tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười), đảm bảo nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án về hạ tầng, quy trình canh tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ, giảm phát thải.

Diện tích thực hiện thí điểm đề án bắt đầu từ vụ Thu Đông năm 2024 và kéo dài trong 3 vụ liên tiếp. Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép nhật ký sản xuất, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuân thủ quy trình hướng dẫn và đặc biệt là không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa; hằng tuần, có cán bộ kỹ thuật cùng nông dân thăm đồng, kịp thời đưa ra những biện pháp xử lý sâu bệnh hại; hỗ trợ 50% chi phí vật tư như lúa giống, phân bón, chế phẩm phân hủy rơm rạ… Nông dân còn được hỗ trợ chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính.

Sau hơn 3 tháng gieo sạ, diện lúa thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi vừa được thu hoạch. Anh Võ Thanh Hải ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười là một trong số hơn 20 nông dân tham gia thực hiện thí điểm đề án cho biết, anh được tập huấn những kỹ thuật canh tác tiến bộ; áp dụng sạ thưa, bón phân vùi, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật… nên làm giảm chi phí nhân công, lượng lúa giống. Anh Hải đánh giá năng suất và chất lượng vụ lúa Thu Đông này vẫn đảm bảo, lợi nhuận tăng hơn so với lối canh tác truyền thống.

vna_potal_thu_hoach_lua_thi_diem_cua_de_an_san_xuat_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_o_dong_thap_7607387.jpg
Thu hoạch diện tích lúa thí điểm thực hiện Đề án sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Vừa thu hoạch 2 ha lúa trong khu vực thực hiện Đề án, anh Trần Tấn Đặng ngụ xã Láng Biển, huyện Tháp Mười phấn khởi cho hay, đạt hơn 7 tấn/ha, vụ Thu Đông mà năng suất như vậy là khá cao, lúc trước là 6 - 6,5 tấn/ha. Tuy nhiên, vấn đề anh Đặng tâm đắc nhất mà Đề án mang lại là giảm được lượng lúa giống từ 30 - 40%, vật tư nông nghiệp, công lao động cũng giảm. Nhìn chung là nhẹ chi phí sản xuất hơn, từ đó giúp tăng lợi nhuận.

Theo ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, nông dân tham gia thí điểm Đề án đã áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; sử dụng cơ giới hóa trong các khâu như làm đất, gieo sạ, thu hoạch… Lượng lúa giống giảm xuống chỉ còn 70 kg/ha; giảm sử dụng vật tư nông nghiệp; rơm rạ được thu gom, xử lý; có liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp... Kết quả bước đầu, diện tích tham gia Đề án giảm chi phí sản xuất hơn 1,6 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn gần 4,3 triệu đồng/ha so với diện tích lúa đối chứng. Về phát thải khí nhà kính, đã giảm được 4,92 tấn CO2/ha.

vna_potal_thu_hoach_lua_thi_diem_cua_de_an_san_xuat_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_o_dong_thap_7607389.jpg
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch trên cánh đồng tham gia Đề án sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ông Đinh Quang Hiếu, đại diện Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nông dân thực hiện rất tốt những yếu tố có tác động đến việc giảm phát thải khí nhà kính. Viện đã giám sát, tính toán phát thải khí nhà kính đối với gần 50 ha lúa tham gia thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại huyện Tháp Mười. Kết quả vụ lúa Thu Đông này cho thấy, giảm phát thải khí nhà kính trung bình 4,92 tấn CO2/ha, tương đương giảm 43,4% so với lối canh tác truyền thống. Tỉ lệ giảm phát thải như thế là vượt so với mức đề xuất ban đầu (trên 10%).

Ông Đinh Quang Hiếu cho biết thêm, việc quản lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch là “bài toán” khó. Đối với diện tích lớn đất canh tác lúa thì tạo ra khối lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp (chủ yếu là rơm rạ) sau mỗi vụ, đòi hỏi phải có phương án xử lý, tái sử dụng một cách hợp lý. Nếu rơm rạ không được thu gom mang ra khỏi đồng ruộng hay xử lý không tốt thì sẽ có khả năng tăng phát thải khí nhà kính. Đề án cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ xử lý tiên tiến để tăng hiệu quả giải quyết phụ phẩm trong canh tác lúa, giảm phát thải.

vna_potal_thu_hoach_lua_thi_diem_cua_de_an_san_xuat_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_o_dong_thap_7607374.jpg
Thu hoạch diện tích thí điểm thực hiện Đề án sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Mở rộng quy mô

Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trong quá trình thực hiện thí điểm Đề án cũng còn một số khó khăn như: việc bón vùi phân không đều; rút nước trên ruộng lúa giai đoạn 12 - 21 ngày sau sạ là chưa khả thi; việc thu gom rơm rạ trong mùa mưa gặp khó khăn; thu gom và trữ rơm cùng lúc với khối lượng lớn cần thực hiện bằng nhiều giải pháp… Bên cạnh đó, phải tính toán hợp lý việc đảm bảo số lượng máy móc để ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác trên diện tích lớn, thực hiện đồng loạt khi nhân rộng Đề án.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Văn Vũ Minh cho hay, sau khi thu hoạch vụ lúa Thu Đông, trong vụ lúa Đông Xuân tiếp theo, tỉnh tiếp tục chính sách khuyến khích, hỗ trợ tương tự vụ đầu tiên để nông dân khắc phục những điểm còn hạn chế, hoàn thiện quy trình canh tác, đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chí của Đề án như: kiểm soát nước, rút nước đầu vụ, phòng trừ dịch hại… Hoàn thiện các giải pháp giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính như thu gom rơm, xử lý gốc rạ…

Đối với diện tích sản xuất lúa của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi đang tham gia thực hiện thí điểm Đề án, cùng với gần 50 ha hiện tại, sẽ vận đông thêm một số hộ nông dân có đất sản xuất liền kề (hơn 10 ha) tham gia Đề án để thuận lợi, hiệu quả hơn trong việc làm thủy lợi nội đồng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nông dân, nâng diện tích tham gia Đề án vào vụ lúa Đông Xuân ở huyện Tháp Mười lên khoảng 150 ha.

vna_potal_thu_hoach_lua_thi_diem_cua_de_an_san_xuat_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_o_dong_thap_7607383.jpg
Sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ được thu gom, mang ra khỏi đồng ruộng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, sau khi thu hoạch vụ lúa đầu tiên đối với diện tích thí điểm thực hiện Đề án, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ lấy kết quả thực tiễn để giới thiệu đến nông dân cách làm cụ thể nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng, giảm chi phí canh tác, tăng lợi nhuận, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Với kết quả bước đầu, nhiều nông dân canh tác lúa ở lân cận đánh giá cao, mong muốn tham gia Đề án.

Với hiệu quả phấn khởi mang lại, trong vụ lúa Đông Xuân sắp tới, Đồng Tháp sẽ triển khai nhân rộng Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại nhiều địa phương trong tỉnh. Mỗi huyện chọn 1 hợp tác xã thực hiện quy mô từ 100 ha trở lên để áp dụng quy trình canh tác bền vững và những tiêu chí của Đề án. Cùng với Tháp Mười, dự kiến sẽ nhân rộng tại 8 huyện còn lại của tỉnh Đồng Tháp, với 11 mô hình, tổng diện tích hơn 1.300 ha, thực hiện liên tục trong 3 vụ. Tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu đến 2025, sẽ có khoảng 50.000 ha lúa tham gia Đề án và đến năm 2030 nâng lên khoảng 161.000 ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, mục tiêu trước tiên của mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh là hướng đến giảm giá thành sản xuất cho nông dân, vì vậy, nông dân cần tuân thủ áp dụng quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chí của mô hình. Ông Nguyễn Phước Thiện đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp huyện Tháp Mười thực hiện tốt mô hình thí điểm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi; xây dựng kế hoạch cụ thể việc nhân rộng Đề án tại các địa phương, có phương án chuẩn bị thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất.

vna_potal_thu_hoach_lua_thi_diem_cua_de_an_san_xuat_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_o_dong_thap_7607379.jpg
Thu hoạch diện tích lúa thí điểm thực hiện Đề án sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Ông Nguyễn Phước Thiện mong muốn các doanh nghiệp, nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện Đề án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu xây dựng Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ nông dân. Các địa phương tham gia Đề án cần tổng hợp nhu cầu về thiết bị, máy móc, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kết nối với các công ty, đơn vị hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất. Cùng với đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân về Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để bà con ủng hộ và tham gia.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm