Tết năm nay, đồng bào các dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang chào đón năm mới trong niềm vui, sự phấn khởi trước những đổi thay của quê hương. Cuộc sống người dân vùng khó khăn đang dần "thay da, đổi thịt", ấm no, đủ đầy hơn...
Đến với thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn cảm nhận không khí Tết đã rất rộn ràng. Chúng tôi nhận thấy niềm vui của người dân qua những nét mặt vui tươi, rạng rỡ. Có lẽ đây là cái Tết vui nhất từ trước đến nay của người dân nơi đây bởi sau 30 năm mong chờ người dân Vàng On đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Anh Giàng Seo Sính, Trưởng thôn Vàng On cho biết, đầu năm 2025, Công trình Đường dây và trạm biến áp cấp điện cho thôn Vàng On, xã Trung Minh được hoàn thành và đưa vào sử dụng mang lại niềm vui khôn xiết cho người dân. Có điện lưới sẽ tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, phát triển kinh tế mang lại cuộc sống ổn định hơn. Không chỉ được sử dụng điện lưới quốc gia, trong năm qua, người dân thôn Vàng On còn được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông, hỗ trợ dê sinh sản để phát triển kinh tế. Đời sống của người dân đã ổn định hơn rất nhiều.
Trung Minh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiến trên 90%. Trong những năm qua được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đến nay cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân trong xã đã có nhiều đổi thay. Xã đã được đầu tư mới trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, trạm y tế, trường mầm non trung tâm, trường tiểu học và THCS và các phân hiệu điểm trường. Hiện nay, 8/8 thôn của xã đều có nhà văn hóa, 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Bà Lý Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Trung Minh, huyện Yên Sơn phấn khởi cho biết, nhờ có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất đã giúp cho người dân có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Trong năm 2024, xã đã giảm được 59 hộ nghèo; năm 2025 phấn đấu giảm 65 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 37,2% và hoàn thành xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Hiệu quả việc thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã giúp hàng nghìn hộ nghèo (đa số là đồng bào dân tộc thiểu số) có chỗ ở ổn định, yên tâm phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo. Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã có trên 7.000 hộ gia đình được xây mới và sửa chữa, với tổng kinh phí trên 900 tỷ đồng.
Trong ngôi nhà mới được hoàn thành đúng thời điểm đón Tết Nguyên đán, chị Vàng Thị Xy, dân tộc Mông, thôn Thuốc Thượng 2, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, phấn khởi cho biết, được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng và được ngân hàng cho vay ưu đãi 40 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ ngày công của họ hàng, sau 3 tháng thi công, căn nhà cấp 4 rộng gần 80 mét của gia đình chị đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng đúng dịp Tết Nguyên đán khiến Tết này càng thêm ý nghĩa. Đây là động lực để gia đình chị thêm quyết tâm lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 480.000 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 54,02% dân số toàn tỉnh. Theo Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, nhiều cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi và một số công trình khác được xây dựng, nhiều hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề…
Cuối năm 2021, số hộ nghèo chung toàn tỉnh Tuyên Quang là hơn 50 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 23,45%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số hơn 40.700 hộ, chiếm tỷ lệ 37,32%. Đến cuối năm 2023 số hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn hơn 30.000 hộ, chiếm tỷ lệ 14,03%, giảm bình quân 4,71%/năm; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 24.738 hộ, chiếm tỷ lệ 22,03%, giảm bình quân 7,65%/năm.
Bà Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy. Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, quy mô trường, lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng mở rộng. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế.
Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đẩy mạnh việc phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó nhân rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng trên 02 lần so với năm 2020…/.
Quang Cường