Chiều 12/11, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các hợp tác xã trên địa bàn năm 2024, thu hút sự tham gia của 120 hợp tác xã (HTX) trong tỉnh. Hội nghị đã ghi nhận 13 ý kiến của các hợp tác xã liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, điều kiện tiếp cận vốn, liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất, quyền sử dụng đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Đại diện Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thổ Bình và Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Lâm Bình, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết, thông qua tập huấn về chuyển đổi số về bao tiêu sản phẩm OCOP trên địa bàn do Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức vào tháng 4/2024, hai hợp tác xã đã ký kết cung cấp hàng hóa gồm gạo, lạc, dầu lạc, bún ngũ sắc… cho Công ty cổ phần KingOcops (Hà Nội) với tổng số tiền trên 770 triệu đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ, đến nay Công ty vẫn chưa thanh toán. Hai hợp tác xã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh giúp đỡ các thủ tục liên quan đến pháp lý để thu hồi số tiền trên thanh toán cho thành viên hợp tác xã.
Đề cập vấn đề này, đại diện Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho hay, ngày 27/7/2024, Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh đã ban bành công văn số 19-CV/TTHTND về việc đề nghị Công ty cổ phần KingOcops thanh toán công nợ như đã cam kết cho các hợp tác xã. Trung tâm cũng thường xuyên liên hệ với các hợp tác xã để nắm bắt tình hình và đôn đốc đơn vị thu mua thanh toán công nợ...
Về vướng mắc của Hợp tác xã Mua bán phường Hưng Thành (thành phố Tuyên Quang) đề nghị các cơ quan chức năng sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị theo quy định, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của Hợp tác xã Mua bán phường Hưng Thành trong việc sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, Sở đề nghị đơn vị thực hiện kê khai kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất, kèm theo bản phô tô các loại giấy tờ có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất, chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất đang quản lý, sử dụng báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, hướng dẫn đơn vị hoàn thiện thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang ghi nhận những nỗ lực của khối kinh tế tập thể, nhất là các hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư theo chuỗi, ứng dụng kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, vốn đầu tư, kinh doanh thiếu, chưa đủ sức để liên kết; công tác tổ chức, quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị hợp tác xã còn hạn chế; việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã còn chậm; nhiều khó khăn, kiến nghị của các hợp tác xã chưa được giải quyết dứt điểm…
Đồng thời lãnh đạo tỉnh đề nghị, thời gian tới Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hợp tác xã. Ngoài ra, chú trọng triển khai phát động các phong trào thi đua yêu nước trong các đơn vị thành viên, tổ chức; phát hiện, nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình.
Đặc biệt, các hợp tác xã cần tích cực thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuỗi liên kết. Nghiêm túc tuân thủ hoạt động theo đúng quy định; chủ động, tranh thủ sự tư vấn, hỗ trợ của các cấp, ngành về nguồn vốn, xúc tiến thương mại; tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị của cán bộ quản lý.
Tuyên Quang hiện có 608 hợp tác xã với trên 13.000 thành viên và tổng vốn điều lệ gần 2,4 nghìn tỷ đồng. Doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/hợp tác xã/năm; tổng số lao động thường xuyên trong các hợp tác xã là trên 4.300 người với thu nhập bình quân 54 triệu đồng/người/năm.
Những năm gần đây, hoạt động của các hợp tác xã có nhiều chuyến biến tích cực, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, năm 2024, tỉnh Tuyên Quang đã có hợp tác xã nông nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm và là chủ thể tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP.
Hiện nay, có 123 hợp tác xã tham gia phát triển 165 sản phẩm OCOP; 57 hợp tác xã sản xuất theo hướng hữu cơ, VIETGAP, GlobalGAP… Số lượng hợp tác xã tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng tăng, qua đó góp phần phát huy hiệu quả của kinh tế tập thể.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã tặng Bằng khen 4 tập thể và 5 cá nhân có thành tích trong xây dựng và phát triển hợp tác xã, hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn năm 2024. Liên minh Hợp tác xã tỉnh tặng Giấy khen cho 12 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển hợp tác xã, hợp tác xã kiểu mới năm 2024.
Hoàng Hải