Tuyên Quang kết nối cung - cầu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa

Sáng 22/11, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tỉnh Tuyên Quang năm 2024.

vna_potal_hoi_nghi_ket_noi_cung_-_cau_tieu_thu_san_pham_hang_hoa_tinh_tuyen_quang_nam_2024_7717512.jpg
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Hội nghị nhằm đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh Tuyên Quang trên kênh phân phối truyền thống, xuất khẩu cũng như thúc đẩy thương mại điện tử. Đồng thời, lắng nghe các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh chia sẻ những vướng mắc và nguyện vọng, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế. Các ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chuỗi giá trị bền vững, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

vna_potal_hoi_nghi_ket_noi_cung_-_cau_tieu_thu_san_pham_hang_hoa_tinh_tuyen_quang_nam_2024_7717515.jpg
Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Theo ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh (Tuyên Quang), tỉnh cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, có phương án hoặc đề án chiến lược đối với vùng nguyên liệu và sản phẩm ngành chè của tỉnh Tuyên Quang. Tạo môi trường thuận lợi trong việc phát triển bền vững các vùng trồng cây chè, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh sản phẩm chè tạo ra được những sản phầm mang thương hiệu Tuyên Quang, có tính cạnh tranh cao và phát triển ổn định.

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho rằng, tiêu thụ sản phẩm luôn là yếu tố quyết định cho sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hiện nay, tỉnh có đến 221 sản phẩm OCOP, tuy nhiên khâu tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, số lượng sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đồng thời, đề nghị phải có sự hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong nước…

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang khẳng định, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng về nông sản, sản phẩm đặc sản và hàng hóa chất lượng cao. Các sản phẩm nông sản của tỉnh không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn có đặc trưng riêng biệt, đặc biệt là những sản phẩm gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, do không có cửa khẩu, bến cảng hay các trung tâm kinh tế lớn của cả nước; điều kiện giao thông chưa thuận lợi với địa hình nhiều đồi núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... nên lợi thế về thị trường thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố ở khu vực trung du, đồng bằng. Từ đó mức thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tỉnh ngoài đạt thấp; chưa khơi dậy được nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp; các hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế; việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa tại khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn.

vna_potal_hoi_nghi_ket_noi_cung_-_cau_tieu_thu_san_pham_hang_hoa_tinh_tuyen_quang_nam_2024_7717505.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Ông Hoàng Anh Cương nhấn mạnh, tỉnh Tuyên Quang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, bước đầu hình thành các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương để hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”. Hiện nay, toàn tỉnh có 221 sản phẩm đạt OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên của 165 chủ thể; trong đó, có 189 sản phẩm 3 sao, 31 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 114/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP. Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP tiếp tục được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, CucCu, Shopee…

vna_potal_hoi_nghi_ket_noi_cung_-_cau_tieu_thu_san_pham_hang_hoa_tinh_tuyen_quang_nam_2024_7717514.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Dịp này, các nhà cung cấp và tiêu thụ sản phẩm đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, qua đó mở ra cơ hội lớn cho việc tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.

vna_potal_hoi_nghi_ket_noi_cung_-_cau_tieu_thu_san_pham_hang_hoa_tinh_tuyen_quang_nam_2024_7717513.jpg
Đại diện Hợp tác xã Mỹ Đình (Hà Nội) ký thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ với Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm và Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương (Tuyên Quang) . Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN

Hoàng Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm