Ngày 25/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái tổ chức diễn đàn "Giải pháp phát triển thương hiệu nông sản và tiêu thụ sản phẩm OCOP”. Tại diễn đàn, đại diện các ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc thuê đất sản xuất, vay vốn, tìm kiếm thị trường; hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP...
Ông Lê Văn Luyện, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã mong muốn Nhà nước tổ chức và hỗ trợ các đơn vị OCOP đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội thảo, hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc gắn với văn hóa cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với các khu du lịch trọng điểm; tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.
Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản tại các khu cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu nhằm bảo đảm chất lượng, nâng cao giá trị nông sản, chủ động nguồn hàng; ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm; tập trung thu hút vốn, mở rộng nhiều hình thức huy động vốn qua liên kết cùng đầu tư, chia sẻ quyền lợi với các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài địa phương...
Sau 6 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, toàn tỉnh Yên Bái có 248 sản phẩm OCOP đã được cấp chứng nhận; trong đó, có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 223 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm thuộc 4 nhóm ngành hàng (ngành Thực phẩm184 sản phẩm; ngành Thủ công mỹ nghệ, trang trí 13 sản phẩm; ngành Thảo dược 20 sản phẩm và ngành Đồ uống 15 sản phẩm; ngành Dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng 16 sản phẩm).
Nhiều sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh Yên Bái khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Hiện nay, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã có sự khác biệt, mang đặc trưng riêng, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Chương trình OCOP đã góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Chương trình OCOP cũng góp phần triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Đề án OCOP giai đoạn 2022 - 2025 theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước đưa tỉnh Yên Bái thành một trong những tỉnh trọng điểm trong khu vực miền núi phía Bắc về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…
Tuy nhiên, hiện nay về phát triển thương hiệu nông sản và tiêu thụ sản phẩm OCOP tại tỉnh Yên Bái còn nhiều tồn tại hạn chế như, sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa được chủ động. Thiếu sự gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực của chủ thể về sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.
Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận…), bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp…
Ông Đỗ Khánh Linh, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thương hiệu nông sản và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện khâu xúc tiến thương mại và thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình.
Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các sản phẩm OCOP thông qua việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; các nền tảng số. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh sau khi được công nhận. Quan tâm hỗ trợ phát triển, quảng bá, xúc tiến các sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP. Đặc biệt sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái tham gia các sự kiện lễ hội, văn hóa, xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh và xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn...
Tuấn Anh