Cùng với việc phát triển về số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ngãi cũng quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; trong đó có việc số hóa các sản phẩm OCOP và đưa lên các sàn thương mại điện tử, nền tảng số.
Là đơn vị sản xuất nước mắm truyền thống và đã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất thương mại và dịch vụ Mười Quý (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) rất chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh cho sản phẩm hàng hóa của mình. Thông qua việc dán mã QR truy xuất nguồn gốc, khách hàng, đối tác của công ty không cần đến tận nơi vẫn có thể kiểm tra thông tin về sản phẩm một cách đầy đủ, thuận tiện nhất. Đồng thời, việc gắn tem truy xuất cũng giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Anh Đào Trọng Mười, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất thương mại và dịch vụ Mười Quý, cho biết, hiểu được nhu cầu của khách hàng hiện nay là muốn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc điểm, chủng loại, giá bán, đơn vị sản xuất…nên công ty đã tạo, đăng ký mã QR cho sản phẩm để khách hàng có thể quét mã và tìm hiểu các thông tin liên quan đến sản phẩm. Từ đó, khách hàng cảm thấy an tâm và tự tin hơn khi mua hàng.
Còn với Công ty Trách nhiệm hữu hạn WECAY (xã Trà Bình, huyện Trà Bồng), từ khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2023, nhang quế Trà Bồng đã xuất hiện tại nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Tham gia vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đặc biệt, chủ sở hữu đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán hàng online. Trung bình mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ hơn 1.500 sản phẩm các loại như nhang quế, tinh dầu quế, bột quế, nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay; trong đó, có hơn 70% đơn hàng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử và online.
“Chúng tôi không chỉ đầu tư về chất lượng, mà còn thay đổi bao bì, mẫu mã, giá thành cũng như các chương trình khuyến mãi kèm theo. Từ đó vừa kích cầu tiêu dùng, vừa tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Các kênh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử và kênh bán hàng online qua Zalo, Fecebook có lợi thế thông tin nhanh, đầy đủ, đơn hàng cũng đi nhanh hơn khi mọi thông tin của sản phẩm đã được tích hợp và cung cấp đầy đủ cho khách hàng”, chị Nguyễn Thị Ý, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn WECAY cho biết.
Live stream bán hàng trên Facebook, Shopee là công việc hàng ngày của chị Trần Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Trịnh Trần Gia (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức). Từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như bồ kết, chanh, gừng, sả... , doanh nghiệp này đã chế biến ra 9 dòng sản phẩm chính như dầu gội, dầu xả, nước rửa tay, nước rửa chén, tinh dầu,... ; trong đó, dầu gội thảo dược bồ kết đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Các sản phẩm không chỉ có mặt trên các sàn thương mại điện tử mà còn được bày bán, giới thiệu tại nhiều cửa hàng trên cả nước. Thông tin về các dòng sản phẩm được công ty công bố rõ ràng, cụ thể để khách hàng tìm hiểu, kiểm tra.
Chị Cẩm cho hay, live stream không chỉ bán được nhiều sản phẩm mà còn giúp chị Cẩm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến nhiều khách hàng hơn. Đồng thời, thông qua đó chị Cẩm cũng biết được nhu cầu của khách hàng, cũng như những tồn tại, hạn chế của sản phẩm để kịp thời thay đổi.
Xác định việc triển khai những hoạt động bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số đang là xu thế đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường phối hợp với ngành chức năng để kết nối các sàn thương mại điện tử nhằm đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương lên sàn. Nhờ đó, Quảng Ngãi đã có gần 700 sản phẩm đăng ký trên sàn thương mại điện tử của tỉnh và quốc gia. Trong số đó có 134 sản phẩm OCOP, 79 sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, còn lại là các sản phẩm liên kết ngoài tỉnh.
Bà Huỳnh Thị Thanh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ, mở các lớp tập huấn để hỗ trợ chủ thể cách đăng ký mã QR, mã vạch, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, rất nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến và tin dùng.
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan để hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cấp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của đơn vị mình; quảng cáo bán lẻ sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử nội địa và quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trong môi trường số cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập huấn cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động trên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững”, bà Nguyệt cho biết.
Đinh Hương