Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Quảng Ngãi

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thời gian gần đây đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đây là hướng phát triển thiết thực, mang lại giá trị về kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

vna_potal_quang_ngai_phat_trien_mo_hinh_kinh_te_tuan_hoan_trong_nong_nghiep_7626805.jpg
Các hội viên Hội Nông dân xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) chia sẻ quy trình muối, lọc mắm. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn nằm về phía hạ lưu của sông Trà Bồng, phía Đông giáp với biển. Từ bao đời nay người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào nghề đánh bắt hải sản và làm nước mắm truyền thống.

Tuy nhiên, để giải quyết bài toán sản xuất nhỏ lẻ, không đồng đều chất lượng và đầu ra cho sản phẩm thì đầu năm 2024, Hội Nông dân xã Bình Thạnh đã ra mắt mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Sản xuất và chế biến nước mắm gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, những người tham gia mô hình không chỉ được chia sẻ cách chọn cá, muối, kỹ thuật muối mắm; chia sẻ nguồn nguyên liệu cũng như giúp nhau bán sản phẩm mà xác mắm sau chế biến được được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Mười Quý (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) thu gom, vận chuyển để cung cấp cho các công ty, đơn vị, doanh nghiệp tái sản xuất phân bón, làm thức ăn gia súc.

vna_potal_quang_ngai_phat_trien_mo_hinh_kinh_te_tuan_hoan_trong_nong_nghiep_7626800.jpg
Xác mắm sau chế biến có đơn vị đến thu gom để xử lý thành phân bón hoặc thức ăn gia súc. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Bà Đặng Thị Tin (68 tuổi), xã Bình Thạnh cho biết, trước đây người làm mắm truyền thống như bà thường gặp tình trạng muối nhiều thì tiêu thụ không hết, muối ít thì không đủ mắm để bán; mắm muối có mùi; xác mắm đổ ra sông, biển bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, từ ngày tham gia vào mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn thì bà không còn lo những vấn đề trên vì đã có các thành viên trong xã cùng giúp nhau. Đặc biệt, điều làm bà con làm mắm vui mừng nhất là không còn lo lắng tìm nơi đổ xác mắm nữa mà đã có người đến tận nhà thu gom, vừa giúp đảm bảo vệ sinh vừa có thêm thu nhập cho người làm mắm.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Thạnh Lê Tấn Khánh, cho hay, xã Bình Thạnh có khoảng 30 hộ dân chuyên làm mắm truyền thống. Để tăng tính cạnh tranh cho nước mắm truyền thống, thời gian qua, địa phương đang tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống vay vốn, cải tiến công cụ, đa dạng hóa mẫu mã cho sản phẩm. Đặc biệt là việc ra mắt mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Sản xuất và chế biến nước mắm gắn với bảo vệ môi trường. Mô hình đã tạo được vòng tuần hoàn khép kín từ việc thu mua, chế biến, tiêu thụ, xử lý chất thải.

vna_potal_quang_ngai_phat_trien_mo_hinh_kinh_te_tuan_hoan_trong_nong_nghiep_7626799.jpg
Các thành viên tham gia mô hình không chỉ được chia sẻ cách chọn cá, muối, kỹ thuật muối mắm; chia sẻ nguồn nguyên liệu cũng như giúp nhau bán sản phẩm mà còn được hỗ trợ xử lý xác mắm. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

“Bình Thạnh là một xã ven biển, đất chật, người đông, nên vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ ngày xác mắm có đơn vị thu mua thì bình quân mỗi tháng đã giảm đi gần 5 tấn rác thải đổ ra biển”, ông Khánh cho biết.

Còn xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, lại được biết đến là vùng sản xuất rau sạch, không sử dụng hóa chất độc hại. Những thửa rau xanh mướt, đa dạng như: mướp, bí, cà chua, cải xanh, rau muống... Đây cũng là điều kiện để chăn nuôi gia cầm, mang lại việc làm, thu nhập cao cho người dân.

vna_potal_quang_ngai_phat_trien_mo_hinh_kinh_te_tuan_hoan_trong_nong_nghiep_7626796 (1).jpg
Người dân thôn An Mô, xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức trồng rau sạch, không sử dụng hóa chất độc hại. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Được sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, gần 30 hộ dân của thôn An Mô đã tham gia Mô hình liên kết “trồng rau- nuôi gà tuần hoàn”, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thải ra môi trường, vừa tiết giảm chi phí vừa chủ động nguồn nguyên liệu phân chuồng tại chỗ. Theo đó, tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật, vật tư... Từ đó, các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi sinh học sử dụng vỏ trấu và chế phẩm sinh học làm đệm lót chuồng. Theo định kỳ, toàn bộ chất thải chăn nuôi được thu gom để xử lý thành phân bón trồng rau màu. Đồng thời, sử dụng các loại ra làm thức ăn cho gà.

vna_potal_quang_ngai_phat_trien_mo_hinh_kinh_te_tuan_hoan_trong_nong_nghiep_7626804.jpg
Nuôi gà sử dụng vỏ trấu và chế phẩm sinh học. Ảnh: TTXVN phát

Sau một thời gian thực hiện, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chi phí sản xuất giảm, rau màu cứng cây, thắm sắc, sức chống chịu sâu bệnh tốt. Gà được ăn rau xanh cho thịt thơm ngon, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường. “Sản xuất rau, chăn nuôi gà theo quy trình hữu cơ này thì thời gian sinh trưởng, phát triển của rau, gà dài hơn, nhưng bù lại an toàn, đảm bảo chất lượng nên giá thành các sản phẩm cao hơn, từ đó lợi nhuận cũng tăng hơn 1,5 lần so với cách trồng truyền thống”, anh Huỳnh Tiến Dũng, thôn An Mô, xã Đức Lợi, chia sẻ.

Ông Ngô Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, cho biết, thực tế ở Quảng Ngãi hiện nay đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được triển khai và mang lại hiệu quả như: mô hình vườn - ao - chuồng; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Sản xuất và chế biến nước mắm gắn với bảo vệ môi trường; Mô hình liên kết trồng rau- nuôi gà tuần hoàn...

Tuy nhiên, dù mang lại những lợi ích không nhỏ, nhưng việc triển khai các mô hình vẫn đang còn ở mức khiêm tốn; các mô hình tái chế và tận thu phế phụ phẩm trong nông nghiệp chưa phát triển. Do đó, thời gian tới, thông qua chương trình khuyến nông, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng một số mô hình điểm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia thực hiện. Ngoài ra, cũng sẽ tham vấn các ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp để nghiên cứu, thiết kế và đề xuất ban hành các chính sách khuyến khích thúc đẩy mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm