Nhân rộng, phát triển sản phẩm dược liệu OCOP ở Quảng Ngãi

Nhờ trồng và phát triển quế, nhiều hộ đồng bào Cor ở Trà Bồng đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Nhờ trồng và phát triển quế, nhiều hộ đồng bào Cor ở Trà Bồng đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Các huyện miền núi Quảng Ngãi (Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long) là nơi có nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên vô cùng phong phú, quý hiếm. Cùng với việc bảo tồn nguồn gen quý, chính quyền các địa phương cũng đã nhân rộng, phát triển nguồn dược liệu phục vụ thị trường, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi.

Nhân rộng, phát triển sản phẩm dược liệu OCOP ở Quảng Ngãi ảnh 1Nhờ trồng và phát triển quế, nhiều hộ đồng bào Cor ở Trà Bồng đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Quế vốn là cây trồng bản địa của đồng bào Cor. Đến nay Trà Bồng là một trong bốn vùng quế trọng điểm của cả nước với diện tích trồng 5.200 ha, sản lượng 1.600-2000 tấn/năm. Quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Bảo hộ nhãn hiệu tập thể, được các doanh nghiệp chế biến thành nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị cao; trong đó có 14 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Nhân rộng, phát triển sản phẩm dược liệu OCOP ở Quảng Ngãi ảnh 2Vỏ quế tươi được phơi khô trước khi chế biến. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Nhờ trồng cây quế nhiều hộ đồng bào Cor ở Trà Bồng đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Ông Hồ Văn Thẩm, xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng có thu nhập ổn định từ 100-150 triệu đồng/năm từ 2 ha quế.

Theo ông Thẩm, quế Trà Bồng có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng và chứa hàm lượng tinh dầu cao và được xếp vào “Tứ đại danh dược”. Vỏ và tinh dầu quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, làm hương liệu… Cây quế được các nhà máy đặt ngay tại địa bàn huyện thu mua chế biến thành nhiều sản phẩm. Có đầu ra ổn định, do vậy, cây quế được gia đình cũng như các hộ đồng bào Cor chăm sóc, gìn giữ, nhân rộng theo từng năm.

Nhân rộng, phát triển sản phẩm dược liệu OCOP ở Quảng Ngãi ảnh 3Vỏ quế đang được thương lái thu mua ở mức 17.000-25.000/kg. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Ngoài quế, cây gừng sẻ đang mở ra hướng đi mới thoát nghèo cho đồng bào Cor ở Trà Bồng. Gừng sẻ được đồng bào Cor phát hiện tại các đỉnh núi cao, sử dụng làm ấm cơ thể, trị cảm cúm, ho, mất ngủ… được người dân địa phương đưa về trồng xen canh cùng cây lúa rẫy ở các sườn đồi.

Đến nay, huyện Trà Bồng đã xây dựng vùng trồng cây gừng sẻ hàng hóa với diện tích tập trung 20 ha tại các xã Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh, Trà Tây. Năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Trà – Trà Bồng, xã Sơn Trà đã liên kết với người dân địa phương trồng gừng sẻ. Đồng bào Cor tham gia mô hình này được các cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc, thu hoạch, hộ nghèo được Hợp tác xã hỗ trợ cây giống theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nhân rộng, phát triển sản phẩm dược liệu OCOP ở Quảng Ngãi ảnh 4Lá cây quế có nhiều tác dụng trong ngành y dược. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Trà – Trà Bồng đã liên kết với người dân trồng được 6 ha gừng sẻ với sản lượng 6 tấn/ha, với giá thu mua 35.000/kg, gừng sẻ cho lợi nhuận nhiều hơn so với một số cây trồng khác trên cùng diện tích.

Anh Hồ Văn Nghĩa, xã Sơn Trà trồng liên kết 0,6 ha gừng sẻ với Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Trà – Trà Bồng. Anh Nghĩa cho biết, trước đây diện tích này gia đình anh trồng cây keo, tuy nhiên do địa hình đồi núi cao, việc vận chuyển keo gặp nhiều khó khăn nên anh đã chọn trồng gừng sẻ.

Nhân rộng, phát triển sản phẩm dược liệu OCOP ở Quảng Ngãi ảnh 5Sản xuất nhang quế tại Công ty TNHH hương quế Trà Bồng. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

“Cây gừng sẻ được tôi trồng trong 9 tháng (từ tháng 4-12 âm lịch), ở độ cao trên 1.000 m xen canh với cây lúa rẫy để giữ độ ẩm, cây gừng sẽ sinh trưởng tự nhiên không có chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do vậy củ và lá gừng luôn giữ được hương thơm đặc trưng. Với 0,6ha gừng sẻ, sản lượng hơn 3 tấn gia đình tôi đang có thu nhập 100 triệu đồng/năm”, anh Nghĩa nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng, hiện nay, cây gừng sẻ Trà Bồng đã được công nhận là sản phẩm OCOP, một số doanh nghiệp chế biến thành kẹo gừng, trà gừng, mứt gừng, cốm gừng. Tháng 4/2022, Huyện ủy Trà Bồng cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua kế hoạch phát triển cây dược liệu năm 2021-2025 định hướng đến 2030. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ khoanh vùng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ 200 ha để phát triển các cây dược liệu quý, trong đó duy trì và phát triển 30 ha cây gừng sẻ.

Nhân rộng, phát triển sản phẩm dược liệu OCOP ở Quảng Ngãi ảnh 6Nhang nụ quế, một trong những sản phẩm được chế biến từ quế. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương cho biết, cây dược liệu đang có vai trò quan trọng trong phát triển sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số và có triển vọng phát triển nhân rộng trên địa bàn huyện. Thực hiện Quyết định 1353/QĐ-BYT ngày 26/5/2022 của Bộ Y tế về Kế hoạch “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý” giai đoạn 2021-2025 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 1 (2021-2025).

Viện dược liệu - Bộ Y tế đã phối hợp với huyện Trà Bồng khảo sát, chọn địa điểm trồng, phát triển 15 loại cây dược liệu quý như: bách bộ, đảng sâm Việt Nam, đương quy Nhật Bản, gừng sẻ (gừng gió), lá khôi, lan kim tuyến, quế, sa nhân tím, sâm cau, sâm Việt Nam, thảo quả, thiên niên kiện, thổ phục linh và trầm hương.

Nhân rộng, phát triển sản phẩm dược liệu OCOP ở Quảng Ngãi ảnh 7Huyện Trà Bồng Hiện có 5.200ha quế, sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 1.600-2000 tấn. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Theo kế hoạch, đến năm 2025, huyện Trà Bồng sẽ trồng hơn 2.300 ha được liệu tại các xã Sơn Trà, Trà Phong, Trà Bùi, Trà Tây, Trà Thanh, Hương Trà; trong đó, có 180 ha cây dược liệu dưới tán rừng, 30 ha trồng áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, hình thành 02 Khu vực bảo quản, sơ chế, chế biến và chiết suất đạt tiêu chuẩn GMP và GSP từ quế và các dược liệu khác ở Trà Bồng. Phát triển cây dược liệu ở Trà Bồng sẽ góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho tối thiểu 1.500 lao động trên địa bàn huyện, trong đó tối thiểu trên 50% lao động là người dân tộc thiểu số.

Phạm Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm