Yên Bái vài nét tổng quan

Yên Bái vài nét tổng quan
1. Điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc bộ Việt Nam, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.886,28 km2, xếp thứ 8 so với 12 tỉnh thuộc vùng núi và trung du phía Bắc về quy mô đất đai. Với vị trí địa lý là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội…không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao lưu kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.Địa hình Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc – Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn – Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.Khí hậu Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình là 22 - 23 độ C; (cao nhất từ 37 - 39 độ C, thấp nhất từ 2 - 4 độ C); tổng nhiệt độ trong năm từ 7.500 -  8.000 độ C lượng mưa trung bình 1.500 - 2.200 mm/năm; độ ẩm trung bình 83 - 87%, thuận lợi cho việc phát triển nông - lâm nghiệp. Dựa trên yếu tố địa hình khí hậu, có thể chia Yên Bái thành 5 tiểu vùng khí hậu. Tiểu vùng Mù Cang Chải với độ cao trung bình 900 m, nhiệt độ trung bình 18 - 20 độ C, có khi xuống dưới 0 độ C về mùa đông, thích hợp phát triển các loại động, thực vật vùng ôn đới. Tiểu vùng Văn Chấn – nam Văn Chấn, độ cao trung bình 800 m, nhiệt độ trung bình 18 - 20 độ C, phía Bắc là tiểu vùng mưa nhiều, phía Nam là vùng mưa ít nhất tỉnh, thích hợp phát triển các loại động, thực vật á nhiệt đới, ôn đới. Tiểu vùng Văn Chấn - Tú Lệ, độ cao trung bình 200 – 400 m, nhiệt độ trung bình 21 - 32 độ C, thích hợp phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm, chè vùng thấp, vùng cao, cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Tiểu vùng nam Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái, Ba Khe, độ cao trung bình 70 m, nhiệt độ trung bình 23 - 24 độ C, là vùng mưa phùn nhiều nhất tỉnh, có điều kiện phát triển cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả. Tiểu vùng Lục Yên - Yên Bình độ cao trung bình dưới 300 m, nhiệt độ trung bình 20 - 23 độ C, là vùng có mặt nước nhiều nhất tỉnh, có hồ Thác Bà rộng 19.050 ha, có điều kiện phát triển cây lương thực, thực phẩm, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, có tiềm năng du lịch.Tài nguyên đất Yên Bái có tổng diện tích đất tự nhiên là 6.886,28 km2. Trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là 5.850,9 km2, chiếm 84,96% diện tích đất tự nhiên, diện tích nhóm đất phi nông nghiệp 537,11 km2 chiếm 7,80%, diện tích đất chưa sử dụng là 498,28 km2 chiếm 7,24%. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt khoảng trên 62%, đứng thứ 2 trong cả nước. Tỉnh Yên Bái có nhiều loại đất thích hợp cho trồng lúa nước, cây mầu, cây công nghiệp hàng năm và cây công nghiệp lâu năm, trồng rừng phòng hộ và trồng rừng kinh tế... tập trung vào các loại đất điển hình sau: Đất phù sa, chiếm 1,33% diện tích tự nhiên của tỉnh;  đất xám, chiếm 82,57%; đất đỏ, chiếm 1,76%; đất mùn alít, chiếm 8,1%. Yên Bái là tỉnh có thế mạnh để phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ lâm nghiệp với diện tích rừng tự nhiên có 231.563,7 ha, diện tích rừng trồng 174.667,1 ha, sản lượng có thể khai thác đạt gần 200.000 m3 gỗ các loại như keo, bồ đề, bạch đàn… và trên 120.000 tấn tre, vầu, nứa. Tổng diện tích cây chè của toàn tỉnh là 11.450 ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 90.812 tấn với vùng chè tập trung ở các huyện Văn Chấn 4.170 ha, Trấn Yên 1.954 ha, Yên Bình 1.925 ha. Yên Bái có diện tích quế lớn nhất nước và chất lượng quế thuộc vào loại tốt nhất, với diện tích 30.000 ha, trồng tập trung ở các huyện Văn Yên (16.000 ha), huyện Trấn Yên (6.600 ha), huyện Văn Chấn (5.000 ha). Sản lượng hàng năm thu hoạch từ 2.000 - 3.000 tấn vỏ quế khô/năm. Diện tích sắn tại tỉnh hiện có khoảng trên 15.000 ha, sản lượng đạt gần 300.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Văn Yên (trên 6.400 ha), Yên Bình (trên 3.300 ha). Với trên 2.000 ha đồng cỏ và có thể tận dụng cỏ dưới tán rừng, vườn rừng là lợi thế lớn trong phát triển chăn nuôi các loại trâu, bò, dê... và các loại gia cầm.Tài nguyên nước Yên Bái có 3 hệ thống sông suối lớn: sông Hồng, sông Chảy và suối Nậm Kim với tổng chiều dài 320 km có diện tích lưu vực trên 3.400 km2. Hệ thống chi lưu phân bố tương đối đồng đều trên toàn tỉnh. Do đặc điểm sông, suối đều bắt nguồn từ núi cao, có độ dốc lớn nên dồi dào về tiềm năng thuỷ điện và cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Sông Hồng chảy qua địa phận Yên Bái dài 100 km, với 48 ngòi suối phụ lưu (trong đó có 4 ngòi lớn: Ngòi Thia, Ngòi Hút, Ngòi Lâu và Ngòi Lao), diện tích lưu vực 2.700 km2. Sông Chảy chảy qua địa phận Yên Bái dài 95 km, với 32 chi lưu, diện tích lưu vực 2.200 km2. Do có độ dốc lớn nên phần hạ lưu đã xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà là nhà máy thuỷ điện đầu tiên của Việt Nam. Suối Nậm Kim có tổng diện tích lưu vực 600 km2 là chi nhánh hệ thống sông Đà, có độ dốc lớn nên có khả năng phát triển thuỷ điện. Hệ thống ao hồ với diện tích 20.913 ha, trong đó hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha là tiềm năng để phát triển các ngành du lịch và nuôi trồng thuỷ sản.Tài nguyên rừng  Rừng và đất rừng là tài nguyên và tiềm năng của tỉnh. Với hệ thống thực vật rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại, nhiều họ khác nnhau, có đủ các lâm sản quý hiếm; các cây dược liệu quý, các cây lâm sản khác như tre, nứa, vầu. Theo số liệu thống kê đất đai đến năm 2015, diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh có 466.858,69 ha, chiếm 68,78% diện tích tự nhiên, trong đó: Đất rừng sản xuất có 291.732,03 ha, chiếm 42,36% diện tích tự nhiên;tập trung ở vùng sản xuất nguyên liệu giấy (gồm các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, vùng thấp Văn Yên, vùng ngoài Văn Chấn) và vùng trồng cây đặc sản quế (gồm các huyện Văn Yên, Trấn Yên và phân bố rải rác ở các huyện khác: Văn Chấn, thị xã Yên Bái, Yên Bình, Lục Yên). Đất rừng phòng hộ có 138.949,34 ha, chiếm 20,17% diện tích tự nhiên; phân bố chủ yếu ở 3 khu vực: khu vực rừng phòng hộ sông Đà (gồm các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và một phần Văn Chấn), khu vực rừng phòng hộ sông Hồng (gồm các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái) và khu vực rừng phòng hộ sông Chảy (gồm các huyện Yên Bình, Lục Yên). Đất rừng đặc dụng có 36.147,32 ha, chiếm 5,25% diện tích tự nhiên phân bố tại huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Yên.Tài nguyên khoáng sản Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Yên Bái tương đối đa dạng, phong phú về chủng loại với 257 mỏ và điểm mỏ thuộc các nhóm năng lượng, vật liệu xây dựng, khoáng chất công nghiệp, kim loại và nước khoáng … Tỉnh Yên Bái có trữ lượng đá vôi trắng trên 2,4 tỷ m3; kim loại có quặng sắt trữ lượng khoảng 200 triệu tấn, quặng grafit, quặng chì kẽm, quặng vàng gốc, thạch anh … Khoáng sản vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng với trữ lượng vật liệu xây dựng thông thường trên 450 triệu tấn; trữ lượng Kaolin, Felspat trên 15 triệu tấn.
Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Yên Bái
Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Yên Bái
2. Dân cư

- Dân tộc Kinh: Ở tỉnh Yên Bái dân tộc kinh chiếm số lượng đông nhất trong các dân tộc với 342.880 người (theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở Yên Bái năm 2009, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở được thực hiện theo giai đoạn 10 năm một lần, như vậy đến năm 2019 mới có số liệu về dân tộc kinh tiếp theo), sinh sống ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Địa bàn sinh sống chủ yếu của dân tộc kinh ở lưu vực sông Hồng, sông Chảy, dọc theo các tuyến đường quốc lộ gần trung tâm kinh tế - văn hóa, những vùng có điều kiện để phát triển kinh tế, giao thông thuận lợi.
- Dân tộc Tày: Dân tộc Tày ở Yên Bái có 135.314 người, trong đó giới tính nam tổng số 67.876 người, giới tính nữ tổng số 67.438 người. Đồng bào Tày sống tập trung ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố cụ thể: tại thành thị 7.574 người, nông thôn 127.740 người, trong đó đông nhất là các huyện: Lục Yên (54.032 người); Văn Chấn (24.759 người); Văn Yên (17.972 người); Yên Bình (17.906 người); Trấn Yên (15.523 người). Đây là số liệu theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Yên Bái năm 2009, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở được thực hiện theo giai đoạn 10 năm một lần, như vậy đến năm 2019 mới có số liệu về dân tộc Tày tiếp theo.
- Dân tộc Dao: Theo số liệu thống kê năm 2009, dân tộc Dao ở Yên Bái có 83.888 người, sinh sống tại 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung đông nhất ở huyện văn Yên (29.214 người), Lục Yên (18.228 người), Yên Bình (16.696 người), Văn Chấn (13.227 người) và Trấn Yên (6.139 người).
- Dân tộc Giáy: Dân tộc Giáy ở Yên Bái có 2.329 người (theo số liệu thống kê năm 2009), sinh sống tập trung ở 7/9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tập trung đông nhất ở huyện Văn Chấn (1993 người). Còn một số ít sinh sống ở huyện Yên Bình, Văn yên, Lục Yên, thành phố Yên Bái, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ.
- Dân tộc Sán Chay: Theo số liệu thống kê năm 2009, người Sán Chay ở Yên Bái có 8.461 người sinh sống tập trung chủ yếu tại huyện Yên Bình. Ngoài ra, người Sán Chay còn sinh sống tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái, Lục Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ.
- Dân tộc NùngTheo số liệu thống kê năm 2009, dân tộc Nùng ở Yên Bái có 14.821 người sinh sống tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Lục Yên và huyện Yên Bình.
- Dân tộc Mường: Theo số liệu thống kê năm 2009, dân tộc Mường ở Yên Bái có 14.6149 người sinh sống tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Văn Chấn và huyện Trấn Yên.
- Dân tộc Thái: Theo số liệu thống kê năm 2009, dân tộc Thái ở Yên Bái có 53.104, người sinh sống hầu hết tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong dó, tập trung chủ yếu tại huyện Văn Chấn (33.222 người); thị xã Nghĩa Lộ (13.198 người); huyện Trạm Tấu (3.644 người); và huyện Mù Cang Chải (2.458 người).
- Dân tộc Phù Lá: Dân tộc Phù Lá ở Yên Bái có 942 người (theo thống kê năm 2009) sống tập trung tại huyện Văn Yên, số ít sống tại các huyện Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.
- Dân tộc Khơ Mú: Theo số liệu thống kê năm 2009, người Khơ Mú ở tỉnh Yên Bái có 1.303 người sinh sống tập trung tại huyện Văn Chấn, và một bộ phận nhỏ cư trú tại huyện Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, Yên Bình, Lục Yên và Trấn Yên.
- Dân tộc Hoa: Theo số liệu thống kê năm 2009, toàn tỉnh Yên Bái có 597 người Hoa sinh sống tại 8 huyện, thị xã, thành phố nhưng tập trung đông hơn ở huyện Văn Chấn, Văn Yên , Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái .
- Dân tộc Mông: Theo số liệu thống kê năm 2009, dân tộc Mông ở Yên Bái có 81.921 người, sinh sống tại 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Mù Cang Chải (44.085 người); huyện Trạm Tấu (20.563 người); Văn Chấn (9.963 người); huyện Văn Yên (4.964 người); huyện Trấn Yên (1.765 người).
3. Lịch sử hình thành và phát triển Từ rất xa xưa Yên Bái đã là một bộ phận của Tổ quốc. Thời các vua Hùng thuộc Tân Hưng, thời Lý thuộc Châu Đăng, thời Trần trong lộ Quy Hóa, thời Lê đến thời Nguyễn nằm trong phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Yên Bái cũng là vùng có nhiều dân tộc sinh sống lâu đời, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1258 nhân dân  các vùng Văn Chấn, Trấn Yên đã tham gia đội quân của tù trưởng Hà Bổng, trại chủ Quy Hóa chiến đấu chống giặc Mông- Nguyên khi chúng sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Năm 1285 nhân dân châu Thu Vật (Yên Bình) và các vùng xung quanh  đã ủng hộ, giúp đỡ đạo quân của tướng Trần Nhật Duật chặn đánh quân Mông - Nguyên quyết liệt, làm chậm bước tiến của chúng về kinh  thành Thăng Long. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX nhân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần không nhỏ bảo vệ triều Lê, chống họ Mạc cát cứ và sự cướp bóc của “giặc giã. Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành “bình định” nước ta, chúng đặt Yên Bái thuộc các Đạo quan binh (1891-1900). Ngày 11- 4 -1900, thực dân Pháp thành lập tỉnh Yên Bái gồm có phủ Trấn Yên, 2 châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái. Từ năm 1910-1920, Pháp chuyển châu Lục Yên (tỉnh Tuyên Quang) và châu Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vào tỉnh Yên Bái. Từ đó cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, địa dư và các đơn vị hành chính tỉnh Yên Bái không thay đổi. Tháng 5- 1955, các châu Văn Chấn, Than Uyên chuyển thuộc Khu tự trị Thái- Mèo; một phần huyện Than Uyên và các xã Nậm Có, Khau Phạ (Văn Chấn) được tách ra thành lập châu Mù Cang Chải. Tháng 6- 1956, huyện Yên Bình (tỉnh Tuyên Quang) sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Tháng 10-1962, Quốc hội quyết định đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành khu tự trị Tây Bắc và thành lập các tỉnh trực thuộc. Ngày 24-12-1962, tỉnh Nghĩa Lộ (thuộc Khu tự trị Tây Bắc) chính thức được thành lập gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên, Phù Yên. Năm 1964, một phần huyện Văn Chấn được tách ra thành lập huyện Trạm Tấu. Đầu năm 1965 khu vực thượng huyện Lục Yên được tách ra thành lập huyện Bảo Yên; vùng hạ huyện Văn Bàn và thượng huyện Trấn Yên được tách ra thành lập huyện Văn Yên. Tháng 10-1971, Chính phủ thành lập thị xã Nghĩa Lộ. Ngày 3-1-1976, hợp nhất 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ (trừ 2 huyện Bắc Yên và Phù Yên chuyển thuộc tỉnh Sơn La.) và Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 1-10-1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chia thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Các huyện Than Uyên, Văn Bàn và Bảo Yên trước đây thuộc tỉnh Yên Bái  chuyển thuộc tỉnh Lào Cai.4. Tiềm năng văn hóa - du lịch Dải đất này trầm tích bao bí mật của quá khứ, từ thủa xa xưa. Những kết quả khảo cổ học cho thấy đây là vùng đất có lịch kỳ từ thời đá mới trải dài tới đồ đồng, đồ sắt. Tiêu biểu nhất tương ứng với thời kỳ đá Sơn Vi tìm thấy ở Mậu A, được các nhà khảo cổ đánh giá là di chỉ có những đặc trưng nổi trội nhất. Các phát hiện di cốt người hiện đại có niên đại 8-14 vạn năm ở hang Hùm (Lục Yên), thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Phù Nham (Văn Chấn), Mông Sơn (Yên Binh), Khai Xuân (Lục Yên) và nhiều công cụ bằng đá, bằng đồng  khẳng định mảnh đất Yên Bái là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hóa phát triển liên tục và khá rực rỡ. Yên Bái là một tỉnh miền núi, có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng là tiềm năng cho việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà có diện tích trên 19.000 ha, với trên 1.300 hòn đảo lớn, nhỏ được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ và nhiều hang động kỳ thú như: động Thuỷ Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, núi Cao Biền, núi Chàng Rể và được gọi là “Vịnh Hạ Long trên núi”.  Nơi đây có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái với quy mô lớn. Khu vực miền tây (huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) có cánh đồng Mường Lò - vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc. Các danh lam thắng cảnh và điểm du lịch độc đáo như Suối Giàng nằm trên độ cao gần 1.400m - nơi có chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, suối nước nóng Bản Bon - nguồn nước nóng thiên nhiên với độ nóng 35oC - 45oC; Vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải với 2.300 ha đã được xếp trong danh mục khu di tích - danh thắng cấp Quốc gia và được báo chí Mỹ ca ngợi là có vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất trên thế giới; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu huyện Văn Yên; hồ Đầm Vân Hội thuộc huyện Trấn Yên; khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải... rất thích hợp với việc phát triển các khu nghỉ sinh thái, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh...                 Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ cho du lịch văn hóa - tâm linh, như Đền Đông Cuông, Đền Nhược Sơn, Khu chùa - Đền Hắc Y - Đại Cại, Đền Thác Bà, Động Hương Thảo, Chùa Ngọc Am... cùng với văn hóa ẩm thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên... là yếu tố thu hút khách du lịch trong nước ngoài nước.
Theo yenbai.gov.vn

Có thể bạn quan tâm