1. Vị trí địa lý
Kiên Giang nằm ở phía Tây-Bắc vùng ĐBSCL và về phía Tây Nam của Tổ quốc, có tọa độ địa lý: từ 103o30' (tính từ đảo Thổ Chu) đến 105o32' kinh độ Đông và từ 9o23' đến 10o32' vĩ độ Bắc. Ranh giới hành chính được xác định như sau:
+ Phía Đông Bắc giáp các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang;
+ Phía Nam giáp các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu;
+ Phía Tây Nam là biển với hơn 137 hòn đảo lớn nhỏ và bờ biển dài hơn 200 km; giáp với vùng biển của các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
+ Phía Bắc giáp Campuchia, với đường biên giới trên đất liền dài 56,8 km.
2. Điều kiện tự nhiên
- Địa hình
Kiên Giang có tổng diện tích tự nhiên là 6.348 km2, bờ biển hơn 200 km với hơn 137 hòn, đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là Phú Quốc diện tích 567 km2 và cũng là đảo lớn nhất Việt Nam.
Kiên Giang có địa hình rất đa dạng, vừa có đồng bằng vừa có đồi núi và biển đảo, địa hình phần đất liền tương đối bằng phẳng có hướng thấp dần từ hướng phía Đông Bắc (có độ cao trung bình từ 0,8-1,2 m) xuống Tây Nam (độ cao trung bình từ 0,2-0,4m) so với mặt biển.
Vùng biển, hải đảo chủ yếu là đồi núi nhưng vẫn có đồng bằng nhỏ hẹp xen kẽ tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên có giá trị du lịch.
Hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch của tỉnh rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, lưu thông hàng hóa và tiêu thoát nước lũ. Ngoài các sông chính (sông Cái Lớn, sông Cái Bé, sông Giang Thành), Kiên Giang còn có mạng lưới kênh rạch dày đặc, tổng chiều dài khoảng 2.054km. Đặc điểm địa hình này cùng với chế độ thuỷ triều biển Tây chi phối rất lớn khả năng tiêu úng về mùa mưa và bị ảnh hưởng lớn của mặn vào các tháng mùa khô.
Kiên Giang có tuyến đê biển dài 212 km, dọc theo tuyến đê này là dải rừng phòng hộ ven biển với diện tích hiện có là 5.578 ha. Tuyến đê bị chia cắt bởi 60 cửa sông, kênh nối ra biển Tây.Cao trình đê từ 02 đến 2,5m, chiều rộng mặt đê từ 4 đến 6m, đến nay đã đầu tư xong 25 cống, còn lại 35 cửa sông/kênh thông ra biển cần tiếp tục đầu tư xây dựng cống để tiêu thoát lũ, ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh.
Tỉnh Kiên Giang được chia làm 4 vùng là: Vùng Tứ giác Long Xuyên là vùng tập trung thoát lũ chính của tỉnh; Vùng Tây Sông Hậu là vùng chịu ảnh hưởng của lũ hàng năm; Vùng U Minh Thượng với địa hình thấp thường ngập lụt vào mùa mưa và vùng biển hải đảo.
- Tài nguyên
Năm 2006, Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển của UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Đây là Khu dự trữ sinh quyền (DTSQ) được công nhận thứ 5 ở Việt Nam, có diện tích lớn nhất nước và lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1,1 triệu ha. Khu DTSQ thế giới Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái, từ rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá, núi đá vôi đến hệ sinh thái biển mà tiêu biểu trong đó là thảm cỏ biển và các loài động vật biển quý hiếm.
Khu DTSQ thế giới Kiên Giang bao trùm trên địa bàn các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải. Có 3 vùng lõi thuộc các Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương - Kiên Hải. Khu DTSQ thế giới Kiên Giang có sáu hệ sinh thái đặc thù, hệ động thực vật có khoảng 2.340 loài, trong đó 1.480 loài thực vật với 116 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ và 57 loài đặc hữu; khoảng 860 loài động vật với 78 loài quý hiếm, 36 loài đặc hữu. Đây cũng là khu vực của tỉnh chứa đựng 38 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh. Khu DTSQ thế giới Kiên Giang là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, đồng thời giúp Kiên Giang và các tỉnh ven biển của Việt Nam tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của Kiên Giang là 634.852,67 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: 458.159,01 ha, chiếm 72,17% diện tích tự nhiên; Đất lâm nghiệp: 89.574,22 ha, chiếm 14,11% diện tích tự nhiên; Đất nuôi trồng thủy sản: 28.378,93 ha, chiếm 4,47% diện tích tự nhiên; Đất nông nghiệp khác: 57,73 ha, chiếm 0,01% diện tích tự nhiên.
Tài nguyên nước: Tỉnh Kiên Giang có nguồn tài nguyên nước bao gồm tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và nguồn nước mưa.
* Nguồn nước mặt: Hệ thống sông, kênh rạch tỉnh Kiên Giang với tổng chiều dài hơn 2000 km, các sông tự nhiên gồm sông Giang Thành, sông Cái Lớn, sông Cái Bé,… là các sông lớn có cửa đổ ra biển Tây, có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước dư thừa, thoát lũ từ nội đồng ra biển Tây, ngoài ra còn có hệ thống kênh đào chằng chịt như ở vùng Tứ giác Long Xuyên có kênh Vĩnh Tế, Tám Ngàn, Tri Tôn, Mỹ Thái, Ba Thê, Kiên Hải, Rạch Giá-Long Xuyên, Cái Sắn,… các đoạn kênh này đều có hướng chảy Đông Bắc-Tây Nam, bắt nguồn từ sông Hậu. Kênh đào vùng Tây sông Hậu gồm các tuyến kênh KH1, kênh xáng Trâm Bầu, kênh Thốt Nốt, kênh KH6, KH7, kênh Ô Môn. Vùng phía Tây Nam của tỉnh có hệ thống kênh Cán Gáo, Trèm Trẹm, kênh Chắc Băng, kênh làng Thứ Bảy, bắt nguồn từ sông Hậu, kết thúc tại sông Cái Lớn-Cái Bé. Các kênh đào có vai trò hết sức quan trọng trong việc cấp nước tưới tiêu, giao thông cho khu vực.
* Nguồn nước dưới đất: Trên địa bàn tỉnh qua đánh giá đã phát hiện 7 tầng và đới chứa nước khác nhau là: Đới chứa nước khe nứt các đá Permi – Trias hạ (p-t1), tầng chứa nước lỗ hổng Miocen trên (n13), tầng chứa nước lỗ hổng Pliocen dưới (n21), tầng chứa nước lỗ hổng Pliocen giữa (n22), tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen dưới (qp1), tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen giữa - trên (qp2-3), tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen trên (qp3). Trong đó đã đánh giá triển vọng khai thác cho 04 tầng chứa nước là: (qp3), (qp2-3), (qp1) và (n22). Đây là các tầng chứa nước có thể khai thác cho các mục đích sinh hoạt, cung cấp nước hiện nay.
Trong các tầng chứa nước kể trên, tầng Pleistocen trên (qp3) có diện tích nước nhạt hẹp (khoảng 88km2), phần diện tích nước khoáng hoá cao, lợ và mặn chiếm chủ yếu (khoảng 5.603km2) diện tích của tỉnh. Các tầng chứa nước khác: Pleistocen giữa - trên (qp2-3); Pleistocen dưới (qp1); Pliocen giữa có triển vọng khai thác tốt. Trong đó tầng chứa nước Pleistocen giữa - trên (qp2-3); Pleistocen dưới (qp1) là tầng có triển vọng nhất hiện nay. Tầng chứa nước Pleistocen giữa - trên (qp2-3) là tầng đang được khai thác chủ yếu ở tỉnh Kiên Giang chủ yếu phục vụ sinh hoạt nông thôn.
Tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất trong phạm vi tỉnh là 1.322.417 m3/ngày. Trong đó, trữ lượng tĩnh trọng lực là 1.317.474m3/ngày, trữ lượng tĩnh đàn hồi là 4.944m3/ngày.
* Nguồn nước mưa: Mưa ở Kiên Giang tương đối lớn so với lượng mưa trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long và phân bổ không đồng đều theo thời gian, tổng lượng mưa trung bình năm từ 1800mm-2200mm, hình thành 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Mưa có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và trong sinh hoạt của người dân nông thôn tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là các vùng ven biển xa vùng nước ngọt. Việc trữ nước mưa trong mùa mưa để làm giàu nước sinh hoạt, ăn uống trong các tháng mùa khô gần như là một tập quán sinh hoạt rất phổ biến của người dân vùng sông nước miền Tây.
Tài nguyên biển: Kiên Giang là tỉnh có vùng biển rộng khoảng 63.290km2, với 5 quần đảo, trong đó có 09 huyện, thị, thành phố ven biển, đảo (gồm 2 huyện đảo: Phú Quốc, Kiên Hải và 07 đơn vị hành chính cấp huyện ven biển) có 51/145 xã, phường, thị trấn có đảo hoặc có bờ biển; với hơn 200 km bờ biển, khoảng 137 hòn/đảo nổi lớn, nhỏ, có ranh giới quốc gia trên biển, giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia, là tỉnh ven biển có hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ phong phú và đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản và du lịch... đặc biệt là có nguồn tài nguyên phong phú với tiềm năng đất đai, đồi núi, khoáng sản, rừng nguyên sinh, biển đảo và nhiều loài động vật quý hiếm trên rừng dưới biển; tỉnh ta còn có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là cầu nối các tỉnh miền Tây Nam bộ, giao lưu thương mại và an ninh quốc phòng trong khu vực và quốc tế.
Tài nguyên khoáng sản: Có thể nói Kiên Giang là tỉnh có nguồn khoáng sản dồi dào bậc nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua điều tra, khảo sát xác định được 237 mỏ khoáng sản (trong đó có 167 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn). Trong đó quy hoạch thăm dò, khai thác 86 mỏ (đá xây dựng: 21 mỏ, cát xây dựng: 01 mỏ, sét gạch ngói: 19 mỏ, vật liệu san lấp: 32 mỏ và than bùn: 13 mỏ); 45 mỏ nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Trữ lượng mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn đáp ứng cho nhu cầu của tỉnh đến năm 2025. Đá xây dựng: 2.550.000 m3, cát xây dựng: 1.050.000 m3, sét gạch ngói: 500.000 m3, vật liệu san lấp: 13.500.000 m3, than bùn: 400.000 m3.
3. Dân cư
Kiên Giang là tỉnh có quy mô dân số lớn thứ 2 trong vùng ĐBSCL với 1,76 triệu người vào năm 2015, sau An Giang (2,2 triệu người). Cộng đồng dân cư chính gồm các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Quá trình đô thị hóa đã thu hút dân cư tập trung về các đô thị nên mật độ dân số ở Rạch Giá cao gấp 8,3 lần mật độ bình quân toàn tỉnh, gấp 32,9 lần mật độ dân số ở huyện Giang Thành. Tỷ lệ dân số đô thị cũng tăng từ 21,9% năm 2000 lên 27,1% năm 2010 và 27,4% năm 2015.
4. Lịch sử hình thành và phát triển
Từ những năm 1757, Kiên Giang là một đạo ở vùng Rạch Giá thuộc Trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tích lập.
Đến năm 1808 (Gia Long năm thứ 7), đạo Kiên Giang được đổi thành huyện Kiên Giang. Triều Minh Mạng, Kiên Giang thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Từ ngày 15/6/1867, đổi thành hạt Thanh tra Kiên Giang. Ngày 16/8/1967 đổi tên thành hạt Kiên Giang, thuộc tỉnh Rạch Giá.
Năm 1956, theo Sắc lệnh số 143-NV, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và 4 quận (gồm Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, Phú Quốc) được sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Đến tháng 5/1965, tỉnh Hà Tiên được tái lập lại.
Năm 1957, theo Nghị định số 281-BNV/HC/NĐ ấn định các đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang gồm 6 quận (Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Hà Tiên, Phú Quốc); có 7 tổng; 58 xã.
Theo Nghị định số 368-BNV/HC/NĐ ngày 27/12/1957 bổ túc Nghị định số 281-BNV/HC/NĐ ấn định các đơn vị hành chánh tỉnh Kiên Giang. Điều 1 của Nghị định này nêu rõ, quận Kiên An gồm thêm xã Vĩnh Tuy.
Ngày 13/6/1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định 314-BNV/HC/NĐ về việc sửa đổi đơn vị hành chính tỉnh Kiên Giang. Tại điều 1 của Nghị định này quy định tách quận Kiên Bình thành 2 quận: Kiên Bình và Kiên Hưng.
Như vậy vào thời điểm năm 1958, tỉnh Kiên Giang có 7 quận và 7 tổng, theo niên giám Hành chính 1971 của Việt Nam Cộng hòa thì tỉnh Kiên Giang gồm 7 quận: Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc; 42 xã; 247 ấp.
Năm 1973, tỉnh Kiên Giang có 8 quận (Kiên Thành, Kiên Tân, Kiên Bình, Kiên An, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, Hiếu Lễ).
Ngày nay, tỉnh Kiên Giang có 15 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Hải, Kiên Lương, Phú Quốc, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng) và 145 xã, phường, thị trấn.
5.Tiềm năng văn hóa - du lịch
Kiên Giang có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi Mo So, bãi biển Mũi Nai, Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, Hòn Đất, rừng U Minh, đảo Phú Quốc… Để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, Kiên Giang đã xây dựng 4 vùng du lịch trọng điểm như:
* Phú Quốc: Có địa hình độc đáo gồm dãy núi nối liền chạy từ Bắc xuống Nam đảo, có rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, có nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Trường (dài 20 km), Bãi Cửa Lấp – Bà Kèo, Bãi Sao, Bãi Đại, Bãi Hòn Thơm... và xung quanh còn có 26 đảo lớn nhỏ khác nhau. Theo chủ trương của Chính phủ đảo Phú Quốc được xây dựng thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế chất lượng cao. Phú Quốc và hai quần đảo An Thới, Thổ Châu là vùng lý tưởng cho việc phát triển du lịch biển đảo như: tham quan, cấm trại, tắm biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, các lọai hình thể thao nước. Phú Quốc có truyền thống văn hóa lâu đời và nhiều đặc sản nổi tiếng, như: nước mắm phú Quốc, hồ tiêu, ngọc trai, rượu sim, cá trích, nấm tràm... Chính từ sự phong phú, đa dạng của Phú Quốc, hàng năm khách du lịch đến Phú Quốc tăng nhanh.
* Vùng Hà Tiên – Kiên Lương: Nhiều thắng cảnh biển, núi non của Hà Tiên – Kiên Lương như: Mũi Nai, Thạch Động, núi Tô Châu, núi Đá Dựng, đầm Đông Hồ, di tích lịch sử văn hoá núi Bình San, chùa Hang, hòn Phụ Tử, bãi Dương, núi MoSo, hòn Trẹm, quần đảo Hải Tặc và đảo Bà Lụa rất thích hợp cho phát triển du lịch tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng. Những thắng cảnh như núi Tô Châu, đầm Đông Hồ, sông Giang Thành, khu du lịch Núi Đèn đang được đưa vào khai thác du lịch chính thức. Hà Tiên có truyền thống lịch sử văn hóa, văn học - nghệ thuật, với những lễ hội cổ truyền như Tết Nguyên tiêu, kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đình Thành Hoàng… Hiện nay, Kiên Giang đã có tour du lịch đến nước bạn Campuchia qua đường Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Đây là cánh cửa mở ra để vùng Kiên Lương - Hà Tiên nối liền với các nước Đông Nam Á; đồng thời mở tuyến du lịch xuyên ba nước, từ Phú Quốc đến Shianouk Ville (Campuchia) và tỉnh Chanthaburi (Thái Lan) bằng đường biển và đường bộ.
* Thành phố Rạch Giá và vùng phụ cận: Thành phố Rạch Giá là trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, có bờ biển dài 7 km, giao thông thủy, bộ và hàng không rất thuận tiện. Rạch Giá có cơ sở hạ tầng tốt, nhiều di tích lịch sử văn hóa, là điểm dừng chân để đi tiếp đến Hà Tiên, Phú Quốc và các vùng khác trong tỉnh. Do đó, có lợi thế trong phát triển các dịch vụ như: lưu trú, ăn uống, các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm; có 04 hệ thống siêu thị quy mô lớn đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và du khách. Thành phố Rạch Giá là nơi đầu tiên ở Việt Nam tiến hành việc lấn biển để xây dựng đô thị mới. Khu lấn biển mở rộng thành phố thành một trong những khu đô thị mới lớn nhất vùng Tây Nam bộ. Một số khu vực phụ cận của Rạch Giá như huyện đảo Kiên Hải, Hòn Đất, U Minh Thượng cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Kiên Hải đang khai thác các tour khám phá biển đảo đi - về trong ngày. Đây là vùng thắng cảnh biển - đảo với đặc thù nghề truyền thống đi biển, làm nước mắm, chế biến hải sản, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt. Khu du lịch Hòn Đất đang hoàn chỉnh và hoàn thiện những công trình văn hóa tại khu mộ Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (chị Sứ), xây dựng khu trưng bày một số hiện vật chứng tích chiến tranh tại khu phát sóng truyền hình của tỉnh trên đỉnh Hòn Me…
* Vùng U Minh Thượng: Với đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn, Vườn Quốc gia U Minh Thượng – khu căn cứ địa cách mạng, khu dự trữ sinh quyển thế giới, đã mở cửa phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái. Khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Thượng phục vụ khách tham quan du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu văn hóa nhân văn sông nước vùng bán đảo Cà Mau và du lịch nghiên cứu di chỉ khảo cổ Ốc Eo – Phù Nam (Cạnh Đền, Nền Vua, Kè Một). Quần thể di tích căn cứ địa cách mạng U Minh Thượng với di tích Ngã Ba Cây Bàng, Ngã Ba Tàu, Thứ Mười Một, Rừng tràm Ban Biện Phú, khu tập kết 200 ngày kinh xáng Chắc Băng, là điểm thu hút du khách tìm hiểu lịch sử cách mạng… đồng thời, tỉnh vừa khởi công xây dựng một số công trình theo Đề án phục dựng Khu căn cứ Tỉnh uỷ trong kháng chiến tại huyện Vĩnh Thuận.
Ngoài 4 vùng du lịch trọng điểm, Kiên Giang hiện có khu Dự trữ sinh quyển với diện tích hơn 1,1 triệu ha. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu, cũng như du lịch. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang trùm lên địa phận các huyện Phú Quốc, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải, gồm 3 vùng lõi thuộc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc và rừng phòng hộ ven biển Kiên Lương, Kiên Hải.
Theo kiengiang.gov.vn