Năm 2025, tỉnh Trà Vinh tập trung đổi mới toàn diện vể tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đảm bảo các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2023. Tỉnh đặt mục tiêu thành lập mới 10 hợp tác xã; thành viên hợp tác xã tăng từ 15% trở lên; xây dựng từ 1- 2 mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
![Ông Huỳnh Ni, thành viên Tổ hợp tác trồng ngô giống ấp Huyền Đức, xã Long Sơn (Cầu Ngang, Trà Vinh) thu hoạch ngô giống. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN potal-nong-dan-tra-vinh-trung-mua-duoc-gia-vu-ngo-giong-7329856.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/a487b5a142bd583dcdccaa82adb958c2dbf215bea23628ac3173bf5cfe2a26a1c7127acf61b0b5a2f5f897725d99c909ffa783fea10991c919d03a552157d02e0ed9cbbfe7d9842c0987848b4a931690b8a70c6cdacd02ed6c424ba5efff1d6fe2f70135d22d21a88dc4a7c7b5fcf1dd/potal-nong-dan-tra-vinh-trung-mua-duoc-gia-vu-ngo-giong-7329856.jpg)
Theo đó, tỉnh tập trung hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp đa ngành nghề gắn với các vùng nguyên liệu; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với nhu cầu, lợi ích của các thành viên; tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, địa phương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo hợp tác xã; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững cho hợp tác xã.
Đồng thời, tỉnh tăng cường tuyên truyền các văn bản của Trung ương, địa phương về kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; lợi ích của việc tham gia hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm củng cố niềm tin của thành viên, cộng đồng xã hội về mô hình hợp tác xã kiểu mới; giới thiệu và nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến hoạt động hiệu quả, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh phối hợp với ngành liên quan, các địa phương tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã trung bình và yếu; trong đó, chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ và cung ứng dịch vụ công, xây dựng phương án kinh doanh, xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc...
Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, các ngành liên quan, các địa phương xây dựng, triển khai tốt chương trình trợ giúp hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số trong xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, hợp tác xã trong tỉnh còn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ Hợp tác xã để đầu tư thiết bị máy móc tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 170 hợp tác xã và 1 Liên hiệp hợp tác xã lúa gạo đang hoạt động với tổng vốn điều lệ gần 184 tỷ đồng; trong đó, có 127 hợp tác xã nông nghiệp, 27 hợp tác xã phi nông nghiệp, 16 quỹ tín dụng nhân dân.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh Thái Phước Lộc cho biết, những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh có nhiều “điểm sáng”. Một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả tăng cao lợi nhuận cho thành viên. Tuy vậy, đa phần hợp tác xã trong tỉnh quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, vốn ít, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, việc xây dựng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn của thành viên rất hạn chế, khó vay vốn từ Ngân hàng do không có tài sản thế chấp.
Nhiều hợp tác xã hoạt động còn khá lúng túng, chưa thể hiện được vai trò là chủ thể kinh tế, đảm nhiệm các công việc hướng dẫn, tổ chức sản xuất, nhất là chưa tranh thủ được nhiều nguồn lực từ bên ngoài, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ cho các thành viên.
Trong số 146 hợp tác xã đủ điều kiện phân loại, chỉ có 20% hợp tác xã được đánh giá hoạt động tốt, 38,5% hợp tác xã hoạt động khá, gần 35% hoạt động trung bình và 6,2% hoạt động yếu.
Năm 2024, tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 40 lượt hợp tác xã tham gia 4 kỳ hội chợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lọp (huyện Tiểu Cần) tham gia hội chợ thương mại Việt - Lào. Trong năm, Liên minh Hợp tác xã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng 2 mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng 2 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương; đồng thời, cửa hàng OCOP của Liên minh Hợp tác xã đã quảng bá, giới thiệu và bán trên 350 sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Thanh Hòa