Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, các cấp ngành tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm và xác định việc phát triển kinh tế tập thể; trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ then chốt.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng cũng đã thể hiện tốt vai trò liên kết giữa các thành viên, hợp tác xã và giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, do đó, chất lượng hiệu quả của kinh tế tập thể tại Sóc Trăng đang được cải thiện nâng lên từng bước. Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 1.240 tổ hợp tác với khoảng 29.600 thành viên và 218 hợp tác xã với trên 30.250 thành viên (trong đó có 206 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động).
Từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp Sóc Trăng phối hợp với Liên minh hợp tác xã tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng chính phủ mục tiêu đến năm 2030 chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh đạt 72.000 ha.
Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: Nhờ làm tốt việc chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ nên hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đúng luật, hỗ trợ thiết thực cho thành viên tham gia như sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn, áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC….
Qua thực tiễn hoạt động cũng cho thấy thành viên hợp tác xã đã nhận thức và hiểu được quy định Luật Hợp tác xã, nghị định và thông tư hướng dẫn, tranh thủ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, giúp cho hoạt động hợp tác xã có hiệu quả, thành viên tham gia ngày càng nhiều nhất là thành viên ngày càng đặc niềm tin với hợp tác xã cao hơn.
Một số hợp tác xã nông nghiệp tại Sóc Trăng hoạt động có hiệu quả điển hình như: có 4 hợp tác xã nuôi tôm đạt chứng nhận tiêu chuẩn ASC (chứng nhận quốc tế trong lĩnh vực nuôi thủy sản có trách nhiệm, giảm tác động xấu đến môi trường…), 11 hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP và 10 tổ hợp tác áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Ngoài ra, còn có 5 hợp tác xã triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, 12 lượt hợp tác xã, 1 tổ hợp tác công bố hợp quy, tự công bố. Ngành nông nghiệp cũng đã hỗ trợ cho 20 hợp tác xã xây dựng được 94 mã số vùng trồng với tổng diện tích là 584,17 ha trên các loại cây vú sữa, nhãn, xoài, bưởi và sầu riêng. Đồng thời, từng bước thay đổi phương thức sản xuất của nông dân theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2025. Hiện nay, Sóc Trăng đã có 235 sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao; 21 sản phẩm 4 sao; và 213 sản phẩm 3 sao)/ 132 chủ thể. Trong đó số hợp tác xã nông nghiệp có sản phẩm tham gia OCOP là 22 hợp tác xã với 26 Sản phẩm, đạt 3 sao là 18 sản phẩm và 8 sản phẩm 4 sao.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian tới, từ thực tế trong quản lý hoạt động của các hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã và ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cần có sự phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, thể hiện rõ hơn vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho thành viên; nâng cao vai trò kiểm tra, củng cố số lượng, chất lượng của hợp tác xã; hoàn thiện điều kiện lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa kinh tế tập thể, hợp tác xã, ký kết tuyên truyền với các cơ quan truyền thông. Đối với hợp tác xã cần rà soát, củng cố hoạt động, hoàn thiện bộ máy quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh; hoạt động sản xuất lớn phải gắn với thị trường; doanh nghiệp quan tâm đầu tư liên kết, ký kết hợp tác với hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Trung Hiếu