Sắc Xuân trên xã nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 35% dân số toàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai kịp thời các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh không ngừng nâng lên. Năm nay, đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết Nguyên đán trong niềm vui ấm áp, tràn đầy hạnh phúc.

vna_potal_sac_xuan_trong_vung_dan_toc_thieu_so_tai_soc_trang_7219892.jpg
Nông dân vùng dân tộc thiểu số Sóc Trăng chăm sóc rau. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), địa phương có gần 92% dân số là đồng bào Khmer sinh sống. Bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Người dân địa phương chia sẻ, hơn 20 năm trước, đây là địa phương đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh, nay xã Phú Mỹ đã "khoác chiếc áo mới" mang tên nông thôn mới.

Ông Triệu Suôl, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỹ cho biết: “20 năm trước, đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn. Hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30% dân số. Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tuyến đường trong xã đều được nhựa, bê tông hóa. Từ sản xuất theo phương thức truyền thống, mô hình nông nghiệp cũng không đa dạng, nay nông dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên thấy rõ. Nhờ vậy, nhiều hộ khá giả, xây nhà khang trang”.

Ông Triệu Suôl cho rằng, người dân nơi đây biết làm ăn kinh tế, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, như mô hình trồng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh màu, màu dưới chân ruộng, nuôi bò thịt, bò sữa,… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người được nâng cao, đạt gần 57 triệu đồng/người/năm. Đến nay, hộ nghèo của xã giảm còn 0,14%, hộ cận nghèo 3,52%.

Ông Đồ Văn Cang, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho biết, đồng bào Khmer nơi đây rất phấn khởi, vui mừng trước sự phát triển khởi sắc của địa phương trên tất cả các lĩnh vực từ đường xá, trường học, điện cho tới trạm y tế… đều được đầu tư khang trang.

Ông Cang cho biết thêm, với sự quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng, giao thông nông thôn đã giúp cho con em dân tộc Khmer đi học dễ dàng, tiêu thụ nông sản và giao thương hàng hóa thuận lợi. Đặc biệt, đón Xuân Giáp Thìn 2024, xã Phú Mỹ vinh dự được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa sinh sống đoàn kết, có sự giao thoa của nhiều nét văn hóa, tạo sự đa dạng, phong phú trong bản sắc văn hóa ở địa phương. Nổi bật là các lễ hội của người Khmer như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, các lễ Sen Dolta, Oóc om bóc... Đón Xuân mới Giáp Thìn 2024, người dân Đại Tâm phấn khởi khi xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

vna_potal_sac_xuan_trong_vung_dan_toc_thieu_so_tai_soc_trang_7219890.jpg
Nông dân vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng chăm sóc rau màu. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Ông Dương Châu Khánh, người dân xã Đại Tâm cho biết, ngoài vùng chuyên canh màu trọng điểm và cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, địa phương còn có điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Chùa Chén Kiểu, nhờ đó người dân xã còn trao đổi, bán mặt hàng nông sản khu vực quanh chùa cho du khách để tăng thêm thu nhập.Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để người dân vừa phát triển kinh tế, vừa làm du lịch, như các cấp chính quyền tập huấn, hướng dẫn người dân cách thức giới thiệu với du khách về lịch sử di tích, giá trị mặt hàng nông sản, ý nghĩa đặc sản ẩm thực của đồng bào Khmer (bánh cống, cốm dẹp)… Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân Đại Tâm dần được nâng lên, hiện đạt gần 76,2 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Trần Chín Tâm, Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa, đồng bào Khmer tại địa phương đã biết khơi dậy truyền thống văn hóa, bản sắc của dân tộc mình, có sự giao thoa văn hóa với dân tộc Kinh, Hoa trên địa bàn.

Đại Tâm xác định và phấn đấu xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất, tinh thần của người dân giàu có, thịnh vượng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại và kết nối chặt chẽ; xã hội dân chủ, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Sự khởi sắc trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng hôm nay đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào. Đây chính là động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số thi đua, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới đem lại sự khởi sắc cho phum sóc và địa phương.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện, nhất là cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân. Địa phương huy động các nguồn lực để giữ vững và nâng chất các tiêu chí, gắn với đẩy mạnh hoạt động văn - thể - mỹ và du lịch… nhằm giữ vững, phát huy xã nông thôn mới kiểu mẫu đặc trưng về văn hóa - du lịch, chuyển đổi số tại các xã đạt được trong năm 2023.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 87,5%). Trong đó, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và ba huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuấn Phi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm