Yên Bái xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp theo vùng miền

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhận thức rõ tầm quan trọng và những cơ hội, thách thức đối với sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ toàn diện. Đồng thời, bố trí nguồn lực thỏa đáng nhằm tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tự lực, tự cường bứt phá vươn lên.

vna_potal_xanh_lai_mot_vung_che_trong_diem_cua_yen_bai_6784071.jpg
Người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thu hái chè Bát Tiên. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tỉnh Yên Bái có 141/150 xã có ít nhất 1 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đạt 94% tổng số xã. Đồng thời, hợp tác xã là chủ thể chính tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, với tỉ lệ sản phẩm chiếm trên 63% tổng số sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc cho biết: Với đặc thù phát triển nông nghiệp tỉnh Yên Bái, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã nông nghiệp được xây dựng dựa trên từng vùng miền, cho từng cây, con chủ lực của tỉnh; trong đó, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ chế liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển vùng nguyên liêu tập trung quy mô lớn.

Cùng với đó, tỉnh Yên Bái bố trí nguồn lực thỏa đáng, huy động, lồng ghép nhiều nguồn vay ưu đãi từ các quỹ để hỗ trợ cho các hợp tác xã vay vốn; hỗ trợ nâng cao khả năng quản trị và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã; hỗ trợ các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã nông nghiệp, trong 2 năm qua, tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều lớp đào tạo sơ cấp giám đốc, tập huấn chuyên đề, tọa đàm định kỳ cho khoảng hơn 2.000 lượt lãnh đạo quản lý hợp tác xã tham gia. Đặc biệt, hỗ trợ đào tạo nhân sự làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật cho gần 200 hợp tác xã, với mức hỗ trợ 100% kinh phí trả học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo; kinh phí ăn, ở cho học viên bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/người/tháng.

vna_potal_xanh_lai_mot_vung_che_trong_diem_cua_yen_bai_6784072.jpg
Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có 3 sản phẩm OCOP từ cây chè, trong đó có 2 sản phẩm từ chè Bát Tiên. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Là địa phương khó khăn nhất tỉnh Yên Bái, nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, đến nay, huyện Trạm Tấu đã có 31 hợp tác xã nông nghiệp với gần 300 thành viên tham gia. Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, hiện, trên địa bàn đang được hỗ trợ hàng chục dự án nông nghiệp của các hợp tác xã trồng và chế biến chè Shan đặc sản, dược liệu và gỗ rừng trồng. Các dự án được hình thành từ các hộ có quỹ đất tích tụ lại thành lập hợp tác xã, tạo vùng nguyên liệu có quy mô từ 50 ha trở lên, được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Việc hỗ trợ khá toàn diện, công khai minh bạch, từ hỗ trợ đào tạo, tập huấn người lao động, mua cây giống, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng bảo quản, chế biến đến hỗ trợ thiết kế mẫu tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại... Hiện, mỗi dự án trên địa bàn huyện Trạm Tấu được tỉnh Yên Bái hỗ trợ tới 3 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Tuấn Lương, Giám đốc Hợp tác xã Trà Shan tuyết Phình Hồ (huyện Trạm Tấu), mức hỗ trợ của tỉnh Yên Bái so với tổng mức đầu tư của dự án chưa lớn nhưng thực sự đã tạo động lực ban đầu cho các thành viên, thay đổi nhận thức của người dân. Cũng nhờ sự hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch chè theo hướng hữu cơ, năng suất chè tăng lên gần 1,5 lần; giá chè được hợp tác xã thu mua cao hơn gấp 2 lần so với thị trường.

Từ đó, vùng nguyên liệu chè Shan tuyết được hình thành từ hiệu quả kinh tế vượt trội so với cây trồng khác, tạo điều kiện cho hợp tác xã yên tâm đầu tư công nghệ chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, hợp tác đã chế biến được 8 sản phẩm trà có giá trị cao, như: Bạch trà, Hồng trà, Lục trà... Phần lớn được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Nhật, Mỹ, Anh quốc, châu Âu, Trung Đông...

Khác với huyện vùng cao Trạm Tấu, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị, huyện vùng thấp Trấn Yên đã phát triển vùng nguyên liệu được hơn 1.000 ha với hơn 1.550 hộ nuôi tằm, cho tổng sản lượng kén tằm đạt 1.450 tấn, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.

Bà Đinh Thị Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã dâu tằm Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên) chia sẻ, hợp tác xã mới đi vào hoạt động nhưng quyền lợi các thành viên đã thấy rõ, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời từ phía Công ty dâu tằm tơ Yên Bái. Công ty cam kết cung ứng giống tằm, giống dâu tốt, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật và thu mua kén tằm ổn định với giá thị trường; ngược lại các thành viên của hợp tác xã chuyên canh trồng, chăm sóc và sản xuất kén tằm theo tiêu chuẩn của Công ty.

Không chỉ nhận được sự hỗ trợ của tỉnh mà các hợp tác xã còn là chủ thể góp vốn bằng quỹ đất vào doanh nghiệp, tạo vùng nguyên liệu ổn định. Tiêu biểu cho mô hình này là các hợp tác xã trồng măng Bát độ tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên và Yên Bình. Hiện nay, vùng nguyên liệu tre măng Bát độ của tỉnh Yên Bái gần 6.000 ha, cho sản lượng trên 4.000 tấn măng thương phẩm mỗi năm.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình) cho biết, Công ty đã đồng hành cùng người dân thông qua liên kết với 17 hợp tác xã, ngoài việc bao tiêu sản phẩm măng tươi, các thành viên của hợp tác xã còn hưởng lợi nhuận từ việc góp vốn bằng quỹ đất trồng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, Công ty hỗ trợ cán bộ kỹ thuật giám sát, hướng dẫn ứng dụng kỹ thuật tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ canh tác của người dân.

Để hợp tác xã tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái Đỗ Nhân Đạo, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện trọng tâm chính sách hỗ trợ, như: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ quản lý; xây dựng cơ chế liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ; chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và khuyến khích đổi mới công nghệ chế biến cho các hợp tác xã. Với quan điểm, coi sự đổi mới, bứt phá của hợp tác xã nông nghiệp là giải pháp quan trọng để phát triển mạnh mẽ, bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm