Xanh lại vùng chè trọng điểm Yên Bái

Xanh lại vùng chè trọng điểm Yên Bái

Diện tích chè Yên Bái đã có lúc giảm mạnh, giá chè xuống thấp, cuộc sống người trồng chè bấp bênh… Thế nhưng giờ đây ngành chè Yên Bái đã bắt đầu hồi sinh với nhiều tín hiệu vui, đặc biệt là ở vùng chè trọng điểm huyện Trấn Yên.

Chè Bát Tiên phủ xanh vùng đất khó

Hơn 10 năm đưa cây chè Bát Tiên giống mới vào trồng với rất nhiều kỳ vọng, gia đình ông Vũ Ngọc Tề ở thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên giờ đây đang gặt hái thành quả lớn. Theo ông Tề, từ 2 sào chè Bát Tiên được trồng đầu tiên, đến nay gia đình ông đã nhân rộng lên tới gần 1 ha, mỗi năm doanh thu trên 200 triệu đồng, cao hơn bất kỳ loại cây nông nghiệp nào đang được trồng ở địa phương.

Đến xã Bảo Hưng, mọi người không khỏi ngỡ ngàng bởi những nương chè Bát Tiên xanh ngút tầm mắt, trùng trùng điệp điệp trải dài trên những sườn đồi. Toàn xã có trên 300 hộ dân sản xuất chè với diện tích hơn 100 ha, đều là chè giống mới và chủ yếu là chè Bát Tiên chất lượng cao. Năm 2023, Bảo Hưng dự kiến tiếp tục trồng mới khoảng 7 ha chè Bát Tiên.

Xanh lại vùng chè trọng điểm Yên Bái ảnh 1Cây chè Bát Tiên giống mới đưa vào trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng chè ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Để bao tiêu sản phẩm cho bà con trồng chè, xã đã thành lập được 9 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ chè. Các tổ hợp tác và hợp tác xã đều lựa chọn quy trình sản xuất chè theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP, từ việc cải tạo giống, khâu chăm sóc, thu hái, chế biến… đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, xã Bảo Hưng cũng tiên phong xây dựng được 3 sản phẩm OCOP từ cây chè; trong đó có 2 sản phẩm từ chè Bát Tiên là trà Bát Tiên Bảo Hưng và trà túi lọc Bát Tiên Bảo Hưng.

Xác định rõ uy tín, chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng là quan trọng nhất, chính quyền địa phương đã tuyên truyền các hợp tác xã và tổ hợp tác cùng các nhóm hộ sản xuất chè liên kết chặt chẽ để cùng xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, sản xuất chè theo phương thức hữu cơ, giám sát chéo lẫn nhau, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và hỗ trợ nhau trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Từ thành công ở xã Bảo Hưng, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho huyện Trấn Yên mở rộng diện tích ở nhiều xã khác trên địa bàn và đang đem lại những giá trị kinh tế to lớn cho người dân.

Gia đình ông Trần Đức Mạc là một trong những hộ đầu tiên của xã Nga Quán quyết tâm đưa cây chè Bát Tiên vào trồng thay thế cho giống chè cũ. Dù diện tích trồng chè không quá lớn nhưng nhờ chú trọng về chất lượng và mẫu mã nên mỗi năm gia đình ông Mạc xuất bán hơn 1 tấn chè khô, thu về trên 200 triệu đồng. Cây chè Bát Tiên trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính, giúp cuộc sống của gia đình ông Mạc trở nên sung túc hơn.

Xanh lại vùng chè trọng điểm Yên Bái ảnh 2Người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thu hái chè Bát Tiên. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Nhận thấy mô hình trồng chè của gia đình ông Mạc đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong xã đã đến tham quan và được ông Mạc tận tình chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè; đồng thời hỗ trợ nhiều hộ trong việc nhân giống cây chè. Nhờ tích cực mở rộng diện tích trồng chè, đến nay những nương chè Bát Tiên đã phủ màu xanh ngút ngàn tầm mắt, trải rộng khắp các thôn xóm ở Nga Quán.

Với diện tích đất nông nghiệp có hạn nên việc trồng chè ở Nga Quán phát triển theo hướng đi vào chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, để cây chè phát triển bền vững, tiêu thụ ổn định, lãnh đạo xã đã thường xuyên xuống động viên các hộ trồng chè, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khâu tiêu thụ để giúp người dân yên tâm phát triển giống chè chất lượng cao này.

Ông Phạm Thăng Long, Chủ tịch UBND xã Nga Quán cho biết, nhờ những nỗ lực trong việc chăm sóc và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chè Bát Tiên Nga Quán đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp an toàn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái với thành phần 100% là chè búp khô nguyên chất. Trung bình mỗi năm, chè Bát Tiên đã mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho người dân trong xã, cao nhất trong các loại cây trồng hiện có của địa phương, góp phần đắc lực để người dân làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Động lực cho người trồng chè

Nghị quyết 69/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh như một "cú huých" mạnh với sự phát triển cây chè ở huyện Trấn Yên. Theo đó, khi trồng mới cây chè Bát Tiên, người dân được hỗ trợ 70% tiền giống và phân bón.... Nhờ động lực này, diện tích chè của huyện Trấn Yên tăng mạnh theo từng năm, riêng năm 2023 diện tích đăng ký trồng mới lên tới gần 50 ha.

Xanh lại vùng chè trọng điểm Yên Bái ảnh 3Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có 3 sản phẩm OCOP từ cây chè, trong đó có 2 sản phẩm từ chè Bát Tiên. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Đã có những thời điểm người dân lao đao vì chè, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến chè phải đóng cửa. Thế nhưng giờ đây, vùng chè trọng điểm của Yên Bái đã hồi sinh mạnh mẽ, cây chè Bát Tiên đã thực sự giúp đổi thay cuộc sống của người trồng chè khi mức thu nhập bình quân đầu người ở các vùng trồng chè Bát Tiên đã đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với mức bình quân chung toàn huyện Trấn Yên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên Nguyễn Đức Mầu cho biết, giá trị kinh tế mà chè giống mới Bát Tiên mang lại cho người dân là rất lớn. Chính vì thế, huyện đặt mục tiêu sẽ xây dựng hình thành vùng chè chất lượng cao với diện tích trên 500 ha; trong đó, chủ yếu là chè Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LDP1… đưa sản lượng chè búp tươi lên trên 4.000 tấn/năm.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Trấn Yên cũng đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả khác để không chỉ mở rộng diện tích mà còn đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Ngoài huyện Trấn Yên thì hiện nay nhiều địa phương khác ở Yên Bái cũng đã mở rộng diện tích trồng chè Bát Tiên như các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái…

Theo ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, tỉnh xác định cây chè là 1 trong 4 cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho ngành sản xuất chè phát triển.

Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh luôn đồng hành cùng người trồng chè để họ không phải đứng một mình trong khâu tiêu thụ sản phẩm, bởi các mối đầu ra đã được liên kết với nhiều đơn vị doanh nghiệp kinh doanh chè có tiếng trong và ngoài nước.

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, Yên Bái đang có rất nhiều lợi thế để phát triển vùng chè đặc sản. Với khát khao cháy bỏng thay đổi diện mạo một vùng chè, nên khi trồng chè Bát Tiên, người dân Yên Bái đã trang bị cho mình những kiến thức chuyên sâu trong chăm sóc chè, các cách lựa chọn mẫu bao bì, quảng bá sản phẩm, thâm nhập thị trường.... Đó là cơ sở để chè Bát Tiên Yên Bái trở thành một thương hiệu chè nổi tiếng trong tương lai gần.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm