Trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Bởi đây là phương thức tổ chức cho người nông dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; hướng tới đưa sản xuất nhỏ lẻ, nông hộ sang sản xuất hàng hóa, chế biến sâu theo chuỗi giá trị. Những năm qua, Lào Cai đã nỗ lực triển khai các giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn thực hiện tốt tiêu chí này.
Nền tảng để đạt các tiêu chí về thu nhập
Với lợi thế phát triển nông nghiệp ôn đới và cận nhiệt đới, Lào Cai đã chú trọng tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") và nông thôn mới hiệu quả.
Cùng với Lâm Đồng, Lào Cai đã trở thành vùng phát triển sản xuất cá nước lạnh nhanh và tập trung nhiều cơ sở sản xuất có quy mô lớn nhất cả nước. Từ những hộ sản xuất nhỏ lẻ ban đầu, trên địa bàn đã hình thành những chuỗi liên kết khép kín từ nuôi đến bàn ăn, nhà hàng, khách sạn. Các mô hình sản xuất cá nước lạnh theo chuỗi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giúp các cơ sở chủ động quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tiên phong phát triển các sản phẩm được chế biến từ cá hồi và cá tầm theo chuỗi giá trị, Hợp tác xã Nuôi và chế biến thủy sản Thức Mai (xã Ngũ Chỉ Sơ, thị xã Sa Pa) ngoài tự sản xuất giống, cung ứng thức ăn cho cá còn liên kết thu mua cá của trên 50 hộ nuôi cá nhỏ lẻ và đầu tư khoa học công nghệ, dây chuyền sản xuất thực hiện chế biến sâu; tạo việc làm thêm cho trên 200 lao động; trong đó có khoảng 20 lao động thường xuyên có mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Công việc của chị Giàng Thị Mào, thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn tại Hợp tác xã là đóng gói bao bì sản phẩm. Chị chia sẻ; bản thân không phải đi làm xa, được ở gần nhà nên yên tâm kiếm thêm thu nhập về giúp đỡ gia đình.
Chị Phạm Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, cơ sở đã có hơn 50 sản phẩm được chế biến sâu từ cá tầm, cá hồi Sa Pa. Lượng cá nước lạnh được nuôi trồng và chế biến hàng năm và cung cấp ra thị trường là 650 đến 670 tấn. Đầu ra sản phẩm tại các hệ thống siêu thị iện chiếm khoảng 50% số lượng cá mà trang trại của hợp tác xã nuôi được, còn lại là tiêu thụ qua các kênh bán lẻ.
Hiện cơ sở có 16 sản phẩm chế biến sâu từ cá hồi, cá tầm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh như ruốc cá hồi, cá hồi, cá tầm hun khói, tinh dầu cá... . Bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết, việc luôn tìm tòi, sáng tạo ra các sản phẩm mới từ chế biến sâu cá nước lạnh Sa Pa đã giúp cho các sản phẩm của cơ sở được nâng tầm, đông đảo khách hàng biết đến.
Lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng tâm, huyện Bảo Thắng xác định thực hiện tiêu chí Tổ chức sản xuất là nền tảng để đạt các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Là vùng chăn nuôi lớn nhất của tỉnh Lào Cai, huyện hiện có 140 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô vừa và nhỏ. Bình quân mỗi năm xuất ra thị trường hơn 10.000 tấn thịt gia cầm hơi, trị giá khoảng 60 tỷ đồng. Trong số đó, Trì Quang là một trong những địa phương có số lượng hộ chăn nuôi gà lớn nhất của huyện Bảo Thắng.
Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Trì Quang Nguyễn Thị Luyến, xã hiện có hơn 300 hộ dân nuôi gà, với số lượng gần 200 nghìn con. Trong số đó, Tổ hợp tác chế biến thực phẩm sạch xã Trì Quang là điển hình trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn xã.
Ấn tượng đầu tiên là khi bước chân vào xưởng chế biến gà ủ muối thảo mộc của Tổ hợp tác là hương thơm từ bếp hấp gà tỏa ra khắp nhà. Hương thơm của quế, gừng, thảo mộc hòa lẫn cùng mùi thịt gà tươi khi hấp chín. Chị Phạm Thị Xuân, đại diện Tổ hợp tác cho biết, trước đây, gia đình chị chủ yếu làm quy mô nhỏ lẻ, sau khi đã có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm, năm 2022, gia đình chị đã làm thêm sản phẩm gà muối hương quế cung cấp ra thị trường.
"Ý tưởng này xuất phát từ thực tiễn nhiều hộ dân chăn nuôi gà ở các thôn trên địa bàn xã Trì Quang có quy mô trang trại lớn, đây chính là nguồn tài nguyên dồi dào. Bản thân tôi luôn nghĩ phải làm sao để chế biến được thành sản phẩm khác tiêu thụ giúp cho bà con, giúp tăng giá trị sản phẩm sạch của địa phương", chị Phạm Thị Xuân nói
Sản phẩm gà ủ muối của gia đình chị Xuân hiện đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Mỗi tháng cơ sở bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 1.300 - 1.500 con gà thành phẩm, số lượng được tăng lên vào những dịp lễ Tết, tạo được việc làm bền vững cho từ 6 - 10 lao động ở địa phương. Ngoài sản phẩm gà ủ muối, Hợp tác xã còn sản xuất lạp xưởng tươi hương quế, thịt trâu, lợn sấy... đều sử dụng nguyên liệu địa phương. Các sản phẩm này được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Lào Cai ưa thích và đều đạt chứng chỉ OCOP 3 sao.
Xây dựng và phát triển các hợp tác xã kiểu mới
Năm 2025, Lào Cai phấn đấu có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Bảo Yên, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lên 3 địa phương. Trong số đó, huyện Bảo Thắng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để góp phần hoàn thành mục tiêu này, Lào Cai xác định tiếp tục đổi mới và và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.
Hiện toàn tỉnh có 214 hợp tác xã nông nghiệp, 336 tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động; 150 trang trại chăn nuôi, trồng trọt; 36 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, hộ nông dân và 26 hợp tác xã tham gia liên kết với các hộ nông dân... Quy mô liên kết ước đạt 11.575 ha, với 12.328 hộ tham gia; tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 1.283 tỷ đồng.
Tỉnh đã hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã; mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ các hợp tác xã chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh; hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất.
Năm 2025, địa phương đặt mục tiêu tư vấn và thành lập mới từ 10 - 15 hợp tác xã nông nghiệp, từ 40 - 50 tổ hợp tác nông nghiệp và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ quản lý hợp tác xã, tập huấn cho các sáng lập viên chuẩn bị thành lập hợp tác xã cho khoảng 160 người.
Tỉnh sẽ xây dựng và phát triển các hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 thì tiêu chí Tổ chức sản xuất có nhiều chỉ tiêu mới so với giai đoạn trước. Không chỉ khó khăn trong thực hiện mà việc duy trì các chỉ tiêu sao cho hiệu quả, có chiều sâu cũng là "bài toán" không đơn giản.
Do đó, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng tiêu chí, chú trọng tiêu chí số 13; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, đề ra những giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Lào Cai khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; khuyến khích liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã.
Về đất đai, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tất cả các huyện, thị xã, thành phố, trong đó cập nhật đầy đủ công trình, dự án liên quan đến việc sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khi làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện hồ sơ pháp lý của dự án, hồ sơ về đất đai./.
Hương Thu