Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Nghệ An sẽ có 1.148.476 ha đất lâm nghiệp (gồm: 171.062 ha rừng đặc dụng; 370.405 ha rừng phòng hộ; 607.009 ha rừng sản xuất). Qua đó, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
![Hơn 938 ha rừng lùng do 212 nhóm hộ dân tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) quản lý và khai thác đón nhận chứng chỉ FSC. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN potal-212-ho-dan-dau-tien-tai-nghe-an-don-nhan-chung-chi-fsc-trong-va-khai-thac-rung-lung-6200842.jpg](https://media.dantocmiennui.vn/images/71db2c24f08203bd7bb8270edceea74e36ce30da71bbd52831d8ed146901598837e2a78e01e907726d7dd6585fbbfae197837c5c40ababba44bb1496a2b4b1b12cf5bbd13d9dcddd188d3c9c070392659f7937d4c33efb000bdca003018896b590419f0618be3de145dd2ece2a4326469cee10b98a93f934197399283bfb2f21f92cda94a38d81eb28fff1b1733effbf/potal-212-ho-dan-dau-tien-tai-nghe-an-don-nhan-chung-chi-fsc-trong-va-khai-thac-rung-lung-6200842.jpg)
Việc xây dựng quy hoạch đất lâm nghiệp cũng tạo hành lang pháp lý để các địa phương xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển, từ đó tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp theo đúng định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, đảm bảo mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng tỉnh Nghệ An ổn định ở mức 58%.
Tại huyện Con Cuông, nhờ làm tốt việc trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ rừng nên đến nay độ che phủ rừng Con Cuông đạt gần 85%, cao nhất tỉnh. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện Con Cuông có gần 164.600 ha, trong đó: Rừng phòng hộ 17.961,16 ha; rừng đặc dụng 73.882,07 ha; rừng sản xuất 57.761,02 ha.
Những năm gần đây, huyện cũng xem phát triển kinh tế rừng là hướng đi bền vững, nên đã chú trọng bảo vệ và phát triển ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) đạt hiệu quả, nhất là rừng sản xuất và rừng trồng cây gỗ lớn bản địa đang được tập thể và nhiều hộ gia đình đầu tư mở rộng diện tích. Tại các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Bồng Khê… rừng nguyên liệu, rừng lấy gỗ được phát triển mạnh; những khu rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ cũng được bảo vệ chặt chẽ. Nhiều hộ tham gia trồng rừng từ dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững.
Gia đình anh Hà Văn Quyết ở thôn Thanh Đào, xã Bồng Khê là một trong những hộ điển hình làm giàu từ kinh tế đồi rừng của huyện Con Cuông. Trước đây, kinh tế gia đình anh Quyết thuần túy dựa vào phát triển nông nghiệp, vậy nên cuộc sống có nhiều khó khăn. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành địa phương, gia đình anh Quyết đã nhận thấy trồng rừng là hướng phát triển kinh tế bền vững, lâu dài.
Anh Quyết cho biết: "Gia đình tôi đã đầu tư vào trồng hơn trên 1ha cây mét. Trên diện tích đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả, gia đình tôi cũng cải tạo, đầu tư vào trồng hơn 18 ha keo lai tại 5 quả đồi, thu hoạch xoay vòng. Đến thời điểm này, mỗi 1 ha mét và keo lai của gia đình cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/mỗi năm. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn trồng xen canh thêm cây sắn, mỗi năm sắn cũng cho thu hoạch trên 70 triệu đồng".
Không chỉ ở huyện Con Cuông, mà các địa phương khác như Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương, Quế Phong... cũng rất chú trọng trong việc quy hoạch, phát triển rừng bền vững. Các huyện kể trên cùng các địa phương khác trên địa bàn tỉnh sẽ phấn đấu trồng bình quân 18.000 ha rừng/năm và đến năm 2030 có 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững; đảm bảo cung cấp bình quân 41,5 triệu cây/năm và khoảng 1,5 - 2 triệu cây giống lâm sản ngoài gỗ; tỷ lệ nguồn cây giống cho trồng rừng được kiểm soát đạt tối thiểu 95% vào năm 2030.
Nghệ An cũng nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đồng thời, đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin ngành lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa ngành lâm nghiệp…
Qua đó, đưa ngành lâm nghiệp của Nghệ An trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan. Cùng đó, để phát triển rừng trồng chất lượng cao cần tập trung vào các giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến sâu; thực hiện việc phục hồi rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, với hơn 1 triệu ha, trong đó có 790.000 ha là rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Độ che phủ rừng đạt 58,33%. Hàng năm Nghệ An bố trí gần 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và trong năm 2025, tỉnh Nghệ An phấn đấu có ít nhất 50.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng.
Trịnh Duy Hưng