Đến năm 2030, trên 70% diện tích thanh long tại Bình Thuận trồng theo tiêu chuẩn VietGAP

Đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận sẽ có từ 70 - 75% diện tích cây thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.

vna_potal_thanh_long_binh_thuan_duoc_nhat_ban_chinh_thuc_cap_bang_bao_ho_chi_dan_dia_ly__5706124.jpeg
Chăm sóc Thanh long Bình Thuận. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, đến năm 2030, Bình Thuận phấn đấu phát triển ổn định khoảng 25.000 ha cây thanh long với năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch tăng bình quân khoảng 5%/năm.

Thanh long được xác định là một trong những cây trồng có lợi thế của Bình Thuận. Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong giai đoạn 2016- 2022, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch đạt gần 53 triệu USD, tương đương với 43.700 tấn. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu biên mậu đã đóng góp cho tỉnh bình quân khoảng 376 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có những thời điểm xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn. Giá thanh long luôn biến động ở mức thấp đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con nông dân. Từ năm 2021 đến nay người trồng đã phá bỏ và không chăm sóc một số diện tích thanh long. Giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước.

Mặt khác, hiện nay việc sản xuất thanh long tồn tại một số hạn chế như: quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; khâu bảo quản chế biến còn yếu; thị trường tiêu thụ không ổn định…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 ra đời sẽ góp phần ổn định diện tích thanh long, thay thế vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng thấp. Cùng đó, phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước góp phần tạo việc làm, thu nhập cao, tăng giá trị xuất khẩu, phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận. Từ đó, góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải.

Để đề án mang lại hiệu quả, Bình Thuận tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) hoặc theo yêu cầu của từng thị trường; số hóa vùng trồng, nhà đóng gói để làm cơ sở cho việc cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở nhà đóng gói theo đúng quy định. Dựa vào các vùng chuyên canh quy mô lớn để phát triển chuỗi giá trị, giảm dần khâu trung gian, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến, tiêu thụ để hình thành chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ.

Bình Thuận ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu sản xuất thanh long tập trung quy mô lớn tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân và Trung tâm logistics thanh long nhằm tạo kết nối không gian phát triển để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển ngành hàng thanh long, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Đây chính là đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận. Bên cạnh phát triển thị trường thanh long trong nước, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tỉnh quan tâm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Tính đến cuối năm 2023, Bình Thuận còn khoảng 26.500 ha thanh long, sản lượng hằng năm khoảng 570.000 tấn/năm.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm