Bình Thuận kết nối doanh nghiệp và hợp tác xã trong chuỗi giá trị thanh long xanh

Bình Thuận kết nối doanh nghiệp và hợp tác xã trong chuỗi giá trị thanh long xanh

Sáng 30/6, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo Kết nối các doanh nghiệp và Hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị thanh long xanh. Đây là hoạt động nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận thực hiện dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) của Việt Nam” tại tỉnh Bình Thuận.

Hội thảo nhằm mục tiêu thúc đẩy quảng bá thương hiệu thanh long xanh và xúc tiến tiêu thụ sản giữa các bên liên quan. Tại đây, các hợp tác xã, các doanh nghiệp thuộc dự án trình bày kế hoạch kinh doanh thanh long xanh có ứng dụng các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm phát thải các bon. Đồng thời, làm rõ “sự xanh hóa” được minh bạch, tích hợp trong sản phẩm thông qua việc sử dụng APP theo dõi dấu chân các bon và tích hợp từ nhật ký điện tử; nhận dạng thương hiệu thanh long xanh…

Các đại biểu cũng thảo luận về mẫu mã, hình thức nhận dạng thương hiệu thanh long xanh; đánh giá tổng sản lượng sản phẩm xanh dự kiến trong cuối năm 2023; đồng hành cùng thương hiệu thanh long xanh…

Thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Đến nay, tỉnh có khoảng 27.000 ha với sản lượng khoảng 600.000 tấn. Hiện nay, thanh long được trồng tại 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Những năm gần đây, Bình Thuận chú trọng đến nâng cao chất lượng trái thanh long bằng việc tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp học hỏi, cập nhật những thông tin mới từ các rào cản kỹ thuật; hướng tới hình thành các chuỗi giá trị sản xuất thanh long sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường tiêu thụ; trong đó, chuỗi giá trị thanh long xanh là một điển hình.

Thông qua các giải pháp can thiệp xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất thanh long sẽ thay thế đèn compact bằng đèn led và sử dụng năng lượng mặt trời trong quá trình chong đèn; sử dụng hệ thống nước tiết kiệm; giảm lượng phân bón… Cùng đó, các đơn vị tham gia dự án còn được hỗ trợ chuyển đổi số như: truy xuất nguồn gốc điện tử, theo dõi lượng phát thải dọc theo các tác nhân trong chuỗi…

Bà Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Hợp tác xã VCCV Bình Thuận cho biết, các hoạt động bổ trợ trong dự án thực sự thiết thực cho hoạt động trồng trọt và chế biến như giảm 2/3 chi phí tiền điện; hệ thống tưới nước tiết kiệm giảm chi phí nhân công, cây trồng dễ hấp thu, giảm lượng phân bón…

Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thanh long xanh giữa Hợp tác xã VCCV Bình Thuận và Công ty Trách nhiệm hữu hạ nước ép Phúc Hà rất thuận lợi từ khâu sản xuất trái tươi theo đúng tiêu chuẩn đến các quy trình chế biến.

Theo đại diện Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ, ngoài các hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, hợp tác xã đã được hướng dẫn lập các website, livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, thông qua ghi chép nhật ký số, các doanh nghiệp, công ty xuất nhập khẩu truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời Ban điều hành Hợp tác xã kiểm soát sản lượng và chất lượng sản phẩm, thời gian thu hoạch…

Dự án tăng cường tham gia của khối tư nhân vào việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, các hợp tác xã, doanh nghiệp vào quá trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam do UNDP hỗ trợ Việt Nam trong 3 năm (2020- 2023) với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Là một phần của dự án trình diễn để xanh hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp, dự án cần đo lường và đánh giá mức độ trung hòa các bon của chuỗi cung ứng trên con tôm và thanh long. Bình Thuận là tỉnh được chọn thí điểm của dự án đối với sản phẩm thanh long. Đánh giá sẽ cung cấp thông tin cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng thanh long tại Bình Thuận về vai trò trong việc tiếp tục xanh hóa các lộ trình chuỗi cung ứng trong tương lai và đề xuất các hành động phù hợp để giám sát và theo dõi phát thải khí nhà kính xuyên suốt các khâu của chuỗi cung ứng giữa các bên, từ mua nguyên vật liệu đến sản xuất, chế biến, vận chuyển và thương mại.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm