Bình Thuận: Tìm giải pháp sản xuất và tiêu thụ trái thanh long bền vững

Bình Thuận: Tìm giải pháp sản xuất và tiêu thụ trái thanh long bền vững

Chiều 26/6, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp thí điểm “Xây dựng hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long Bình Thuận”.

Bình Thuận: Tìm giải pháp sản xuất và tiêu thụ trái thanh long bền vững ảnh 1Sản phẩm trái thanh long tươi được trưng bày tại Triển lãm, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bình Thuận. Hồng Hiếu- TTXVN

Với diện tích cây thanh long khoảng 27.000 ha cùng sản lượng đạt hơn 600.000 tấn mỗi năm, Bình Thuận được xem là “thủ phủ” thanh long của cả nước. Nếu như trước đây, cây thanh long được tiêu thụ ổn định, là cây kinh tế giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu thì những năm gần đây việc sản xuất và tiêu thụ thanh long gặp rất nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng dịch COVID-19. Ngoài những nguyên nhân khách quan, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long còn đối mặt với nhiều thách thức từ bên trong như: phát triển cây thanh long còn tự phát, tràn lan; nhận thức của hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp về tổ chức sản xuất và tiêu thụ bền vững còn hạn chế; liên kết sản xuất tiêu thụ chưa nhiều…

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long Bình Thuận ra đời mở ra một hướng đi mới nhằm nâng cao hình ảnh trái thanh long sạch đến với khách hàng. Cụ thể, đối với thị trường quốc tế, hệ sinh thái hướng tới tăng tỷ trọng xuất khẩu chính ngạch trên các sản phẩm trái thanh long tươi, các sản phẩm chế biến từ thanh long như: Thanh long sấy dẻo, nước thanh long, rượu thanh long... Còn đối với thị trường trong nước, hệ sinh thái chú trọng phân phối tới hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Trong giai đoạn đầu, 2023- 2024, hệ sinh thái triển khai quy mô 100 ha trên sản lượng 2.000 tấn tại huyện Hàm Thuận Bắc với phương thức canh tác hữu cơ, VietGAP và GlobalGAP. Giai đoạn 2025- 2027, hệ sinh thái sẽ triển khai diện tích 1.000 ha với sản lượng 20.000 tấn. Tuy mới triển khai nhưng đến nay đã có 47 hộ đăng ký tham gia dự án hệ sinh thái với diện tích 202 ha; trong đó, có 7 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác với gần 185 ha sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Bình Thuận: Tìm giải pháp sản xuất và tiêu thụ trái thanh long bền vững ảnh 2Phân loại Thanh Long Bình Thuận trước khi đi tiêu thụ. Ảnh: TTXVN phát

Theo bà Nguyễn Hoàng Thư Hương, đại diện Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long là một mô hình mới, không chỉ góp phần giúp nông dân có thêm đầu ra cho trái thanh long mà còn thay đổi thói quen, tập tục canh tác từ truyền thống đến sản xuất thanh long “sạch”, theo tiêu chuẩn yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ trong hệ sinh thái đòi hỏi người nông dân tuân thủ chặt chẽ quy định, quy trình canh tác và có đầy đủ các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP từ đó chi phí sản xuất tăng cao. Vì vậy người dân mong muốn giá thành tiêu thụ phải đi đôi với chất lượng sản phẩm; đồng thời có cam kết bao tiêu hết sản phẩm cho người dân và ngược lại người dân cũng cam kết cung cấp đủ sản phẩm cho phía tiêu thụ.

Bà Nguyễn Hoàng Vân, Tổng giám đốc Dự án hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long Bình Thuận cho rằng, từ trước đến nay, bà con nông dân chủ yếu quan tâm đến sản lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, liên kết tiêu thụ. Với hệ sinh thái này, bà con sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn cần thiết để trái thanh long không chỉ đạt chuẩn xuất khẩu ở các thị trường khó tính mà còn có thể đáp ứng được nhiều thị trường trong nước đang rất tiềm năng.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề về giải pháp marketing quảng bá hình ảnh trái thanh long; quy trình sản xuất thanh long sạch…

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm