Phát triển chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận

Phát triển chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận

Sáng 7/10, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị phát triển chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận. Tham dự có đại diện các sở, ngành, địa phương cùng các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh.

Phát triển chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ảnh 1Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Nguyễn Thanh - TTXVN

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thanh long, được xem là "chìa khóa" giúp thanh long tiêu thụ vững chắc không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn trên thế giới, nhất là những thị trường khó tính, điển hình như: EU, Nhật Bản, Mỹ…

Với gần 30.000 ha, Bình Thuận là địa phương có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất cả nước. Năm 2006, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) cho sản phẩm thanh long Bình Thuận. Không chỉ được bảo hộ trong nước, thanh long Bình Thuận còn được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại các nước trong khối Liên minh châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ngoài ra, nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình” đã được 14 nước bảo hộ.

Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương. Đồng thời, việc phát triển chỉ dẫn địa lý thúc đẩy việc chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận…

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long. Cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng quả thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cũng như kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quả thanh long mang chỉ dẫn địa lý cũng được các địa phương, đơn vị triển khai lồng ghép với các nhiệm vụ như: cấp chứng chỉ VietGAP; công tác kiểm dịch nội địa và an toàn thực phẩm…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên một số nhìn nhận, hạn chế trong công tác kiểm soát quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến nay, toàn tỉnh đã thẩm định và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long cho 103 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quả thanh long. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 25 Giấy chứng nhận còn hiệu lực. Một số đơn vị có giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đã hết hạn hoặc quá thời hạn đăng ký gia hạn nhưng không có nhu cầu đăng ký gia hạn sử dụng.

Nguyên nhân việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý còn quá ít so với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh là do một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể, tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp có năng lực mua bán, xuất khẩu chính ngạch thanh long trên địa bàn tỉnh còn hạn chế nên việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long chưa nhiều…

Để đảm bảo cho chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận phát triển trong thời gian tới, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị ngành nghề truyền thống của địa phương, hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long thực hiện các thủ tục gia hạn hoặc tái cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long; tăng cường hỗ trợ các đơn vị kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long; việc cấp phát, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý nhằm tránh các trường hợp giả mạo sản phẩm, gây mất uy tín cho thương hiệu “Thanh long Bình Thuận” cần được chú trọng thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Vinh, Phó Chi cục trưởng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian tới, phát triển sản xuất, kinh doanh thanh long cần hướng đi vào chất lượng, không lấy số lượng làm nền tảng. Việc cấp, sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận dùng cho quả thanh long phải thiết thực, hiệu quả, có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và lồng ghép vào nhiều chương trình, đề án để kích cầu phát triển nông nghiệp, trong đó có thanh long.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm