Phòng chống hạn mặn: Bảo vệ an toàn cho diện tích thanh long

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa khô 2023-2024, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực để bảo vệ các vùng trồng cây chuyên canh cây ăn trái; trong đó, có hơn 8.000 ha thanh long ở các huyện, thị phía Đông của địa phương.

vna_potal_dung_nen_co_nghiep_tren_dat_nhiem_man_ven_bien_nho_cay_thanh_long_6666051.jpg
Khách thăm vườn thanh long của ông Trịnh Văn Phúc ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước (Gò Công Đông). Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang, các hộ nông dân đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo có nguồn nước tưới cho vườn thanh long, đặc biệt đối với những vườn thanh long vừa xử lý ra hoa mùa nghịch hoặc đang có trái chuẩn bị thu hoạch.

Vào những ngày này, giá mua thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang được duy trì ở mức cao. Nông dân huyện Chợ Gạo hiện đang thu hoạch vụ thanh long nghịch mùa với khoảng 4.000 ha, ước sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn, chiếm 50% trên tổng diện tích thanh long của toàn tỉnh. Thương lái hiện thu mua tại vựa với giá 30.000/kg đối với loại I, 25.000 đồng/kg đối với loại II và loại III có giá 20.000 đồng/kg.

Huyện Chợ Gạo hiện có 6.870 ha thanh long với diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm. Đối với các xã thuộc dự án sông Bảo Định, Tây kênh Chợ Gạo như Qươn Long, Tân Thuận Bình… thì nguồn nước tưới tiêu đến thời điểm này được đảm bảo, lượng nước ở các kênh, mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu vườn thanh long còn tương đối dồi dào.

Tại xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, vùng chuyên canh thanh long của huyện với 1.042 ha thanh long đang cho trái; trong đó có khoảng 20% diện tích đang được xử lý ra hoa mùa nghịch. Phó Chủ tịch UBND xã Qươn Long Đỗ Tuấn Kiệt cho biết: đến thời điểm này, nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu ở hệ thống kênh, mương trên địa bàn xã tương đối được đảm bảo.

Tuy nhiên, UBND xã tuyên truyền người dân không được chủ quan, vận động người dân nạo vét các tuyến kinh nội đồng, đảm bào thông thoáng để dẫn nước ngọt về tưới tiêu vườn cây ăn trái. Đồng thời, cán bộ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp tưới nước tiên tiến, tiết kiệm để đảm bảo nước ngọt sản xuất trong mùa khô.

Còn những xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan, Bình Ninh… của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thuộc dự án ngọt hóa Gò Công thì đang đối mặt với nguy cơ bị thiếu nước phục vụ tưới tiêu nếu như cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) không thể lấy nước ngọt do độ mặn trên sông Tiền tăng cao vì gió chướng trong những ngày qua thổi mạnh. Hiện nay, mực nước tại các kênh, mương nội đồng trong vùng ngọt hóa Gò Công đã xuống rất nhanh và dần cạn kiệt.

Ở xã Bình Phục Nhứt, chính quyền cùng người dân trong xã đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp cấp bách để chống mặn xâm nhập và chống hạn cho diện tích trồng thanh long cũng như các loại hoa màu khác. Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt Võ Thành Hiệp cho biết: để bảo vệ an toàn cho 475 ha thanh long đang cho trái cũng như trên 300 ha rau màu các loại cùng các cây ăn trái khác trong điều kiện mực nước ở các kênh, mương nội đồng xuống thấp, cán bộ xã, ấp tổ chức cho người dân bơm gạn nước từ các kênh chính vào kênh nội đồng để tưới tiêu. Ngoài ra, xã cũng khuyến cáo nông dân nên tiết kiệm nước, áp dụng các biện pháp phủ gốc thanh long bằng rơm, lục bình để giữ độ ẩm, hạn chế xông đèn xử lý ra hoa nghịch vụ vào thời điểm này... Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân xã đã tăng cường gia cố các cống đập ngăn mặn nhằm phòng tránh nước mặn từ kênh Chợ Gạo xâm nhập vào các tuyến kênh nội đồng.

Tại xã Bình Phan, Chủ tịch UBND xã Bình Phan Nguyễn Quốc Việt cho biết, xã đã vận động xã hội hóa xây dựng các điểm bơm chuyền nước từ kênh Bình Phan vào các tuyến kênh sườn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, xã Bình Phan đã đắp 7 điểm bơm chuyền nước từ kênh cấp I, cấp II vào kênh nội đồng. Các điểm bơm chuyền hoạt động cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, chủ yếu là thanh long, bưởi, dừa, bắp.

Trước đó, vào những tháng cuối năm 2023, dự báo năm 2024 sẽ là năm hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra phức tạp do tác động của hiện tượng El Nino, nên huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nạo vét bằng cơ giới các tuyến kênh trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo thông thoáng dòng chảy, phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu tích trữ nước trong mùa khô hiện nay. Huyện Chợ Gạo đã thực hiện 8 công trình nạo vét bằng cơ giới các tuyến kinh từ nguồn vốn của tỉnh với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng cùng nạo vét 4 tuyến kinh bằng nguồn vốn của huyện với tổng kinh phí 864 triệu đồng.

Ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện, các xã thuộc dự án ngọt hóa Gò Công quan tâm theo dõi sát sao và thông báo cho nhân dân nắm rõ lịch vận hành cống Xuân Hòa để chủ động nguồn nước tưới cho vườn thanh long cùng các cây trồng khác. Đồng thời, người dân cần chủ động duy trì thông thoáng lòng kênh, mương nội đồng tạo thông thoáng dòng chảy tại các tuyến kinh do xã quản lý, phục vụ tốt nhu cầu bơm tích trữ nước ngọt tưới cho cây trồng của nhân dân.

Trước tình hình hạn, mặn còn diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh mương nội đồng để có biện pháp ứng phó hữu hiệu. Đồng thời, rà soát, củng cố hệ thống đê bao phòng, chống hạn hán và triều cường, chống xâm nhập mặn, quyết tâm bảo vệ an toàn vùng chuyên canh thanh long cũng như các loại trái cây đặc sản đang là nguồn lợi kinh tế quan trọng của tỉnh.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm