Sóc Trăng: Nhiều diện tích lúa nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn xâm nhập

Tại Sóc Trăng, mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân trong vùng hạn, mặn xâm nhập không sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn (lúa vụ 3). Nhưng nhiều nông dân vì giá lúa mức cao nên chủ quan xuống giống làm nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do thiếu nước tưới.

vna_potal_tinh_hinh_xam_nhap_man_tai_soc_trang_dien_bien_phuc_tap_7235376.jpg
Một số diện tích lúa xuống giống Đông Xuân muộn tại Sóc Trăng bị thiếu nước sản xuất do mặn xâm nhập. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Ghi nhận tại huyện Long Phú, địa phương có diện tích lúa Đông Xuân muộn lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú (Sóc Trăng), toàn huyện xuống giống gần 6.000 ha lúa vụ Đông Xuân muộn; trong đó, dự án thủy lợi kép khín Long Phú - Kế Sách hơn 571 ha, Long Phú –Tiếp Nhựt trên 5.411 ha, giống gieo sạ chủ yếu OM34, OM18, Đài Thơm 8, OM5451,... Hiện lúa trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh và trổ, hiện có 334 ha bị ngộ độc phèn (thiếu nước cộng với nắng nóng) tỷ lệ 10-30% và gần 74 ha lúa bị thiếu nước có nguy cơ bị thiệt hại hoàn toàn.

Ông Danh Ngọc Triệu (xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình ông xuống giống 10 ha lúa vụ 3, với giống OM5451, hiện lúa đã được hơn 1 tháng tuổi, trong những ngày qua do độ mặn các sông tăng cao, ngành chức năng đóng cống ngăn mặn, nguồn nước nội đồng cạn kiệt nên nguy cơ diện tích lúa sản xuất bị thiệt hại trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Theo ông Lâm Đông (xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), năm trước tình hình mặn không gay gắt như năm nay, cộng với giá lúa năm ở mức cao nên nhiều nông dân mới xuống giống. Ông Lâm Đông chia sẻ, gia đình có gần 5.000 m2 xuống giống, chi phí đầu tư ban đầu phân thuốc, lúa giống hơn 5 triệu đồng; hiện tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập gay gắt nên diện tích lúa xuống giống bị thiệt hại trên 50%.

Còn tại huyện Trần Đề, Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hiện toàn huyện có 514 ha diện tích lúa Đông Xuân muộn (lúa vụ 3) nông dân xuống giống không theo khuyến cáo của ngành chức năng. Chính quyền địa phương cùng ngành chức năng đang tích cực phối hợp để thông tin về tình hình độ mặn và vận hành các cống để chia sẻ nguồn nước ngọt giúp nông dân bơm tưới.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết thêm, hiện chính quyền địa phương đang vận động nông dân cùng đắp đập để bơm nước trữ nước vào các ao, mương để sản xuất, khuyến cáo người dân kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước sản xuất.

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, diện tích xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hơn 41.000 ha; trong đó có khoảng 10.500 ha nằm ngoài kế hoạch (vùng không khuyến cáo không sản xuất do hạn mặn xâm nhập) hiện có hơn 3.000 ha đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại do thiếu nước sản xuất.

Ông Trần Vĩnh Nghi, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng thông tin, ngành chức năng khuyến cáo nông dân, theo dõi độ mặn dưới 1‰ thì tiến hành lấy nước (đối với lúa giai đoạn mạ), độ mặn dưới 2‰ ( lúa giai đoạn đẻ nhánh), giai đoạn lúa đòng trổ lấy nước với độ mặn ở mức dưới 1‰. Tuy nhiên, nông dân không nên giữ nước lâu trong ruộng, sau khi bơm cần xả ra ngay để giữ ẩm cho đất, tránh đất khô hạn ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa.

Theo ông Trần Vĩnh Nghi, để tăng cường tính chống chịu của cây lúa trong điều kiện hạn, mặn thì nông dân nên bón bổ sung một số loại phân bón lá chứa nhiều canxi, silic, các hoạt chất từ sản phẩm như comcat, nirô…

Tuấn Phi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm