Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ truyền thống quan trọng và mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc của đồng bào dân tộc Mường. Đây là dịp để tạ ơn thần linh, tổ tiên đã ban cho một vụ mùa bội thu, đồng thời cũng là cơ hội để cộng đồng gắn kết, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Ở xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, nơi có những thửa ruộng bậc thang như những dải lụa trời vàng óng, bà con đồng bào dân tộc Mường sẽ làm lễ sau vụ thu hoạch lúa tầm tháng 10 âm lịch để bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần, như thần đất, thần núi, thần sông, và đặc biệt là thần lúa. Với người Mường, hạt lúa không chỉ là nguồn sống mà còn tượng trưng cho sức mạnh và sự phồn thịnh của cộng đồng. Mỗi hạt gạo đều chứa đựng mồ hôi, công sức của con người cùng sự phù trợ của thiên nhiên và thần linh.
Để tổ chức lễ mừng cơm mới, người Mường thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu chọn ngày, chuẩn bị lễ vật cho đến việc sắp xếp các nghi thức.
Trước tiên, người đứng đầu bản, thường là các bậc cao niên hoặc thầy cúng, sẽ chọn ngày lành để tổ chức lễ. Sau khi ngày tổ chức được ấn định, các gia đình trong làng bắt đầu chuẩn bị lễ vật, chủ yếu là những sản phẩm do chính họ làm ra như gạo mới, thịt gà, thịt lợn, và rượu cần.
Đặc biệt, gạo mới là lễ vật không thể thiếu. Người Mường quan niệm rằng, gạo mới chính là kết tinh của một năm lao động miệt mài, do đó, gạo mới phải là loại gạo vừa thu hoạch từ mùa vụ, thơm ngon và sạch sẽ. Ngoài ra, các món ăn truyền thống như thịt gà, thịt lợn, xôi và bánh cũng được chế biến công phu, không chỉ để dâng lên các vị thần mà còn để cùng nhau thưởng thức sau lễ cúng. Rượu cần là một yếu tố quan trọng trong lễ mừng cơm mới của người Mường, vì đây là thức uống truyền thống, tượng trưng cho sự gắn bó và đoàn kết của cộng đồng.
Lễ mừng cơm mới thường được tổ chức tại nhà sàn của thầy cúng hoặc nơi công cộng trong bản làng. Mở đầu buổi lễ là nghi thức dâng lễ vật lên thần linh và tổ tiên. Thầy cúng, trong trang phục truyền thống, sẽ cầm bó lúa và bát cơm mới, đọc lời cầu nguyện, xin phép các vị thần phù hộ cho dân làng sức khỏe, bình an và mùa màng bội thu.
Sau khi dâng lễ vật, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi thức gọi hồn lúa, cầu thần lúa quay trở lại đồng ruộng, đảm bảo cho một mùa vụ mới tốt đẹp. Các nghi thức này không chỉ để kết nối với thần linh mà còn mang tính chất giáo dục, truyền tải giá trị của lao động và sự biết ơn đến thiên nhiên cho thế hệ trẻ trong cộng đồng.
Khi nghi lễ kết thúc, người dân sẽ cùng nhau thưởng thức các món ăn từ gạo mới, thịt lợn, thịt gà và uống rượu cần. Những điệu múa xòe, hát đối, các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co cũng được tổ chức, tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm và gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.
Với những nghi thức truyền thống và giá trị tinh thần, lễ mừng cơm mới không chỉ giúp người Mường duy trì mối quan hệ tốt đẹp với thiên nhiên, tổ tiên và cộng đồng, mà còn là cách để người dân thể hiện niềm tự hào và gìn giữ bản sắc văn hóa của mình. Việc bảo tồn và phát huy lễ hội này là cần thiết để góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, giúp cho di sản này mãi trường tồn với thời gian và đặc biệt thu hút nhiều du khách biết đến vùng đất của những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ Miền Đồi.
Hoàng Tâm – Thanh Hải