Nằm trong vùng núi cao của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, xã Hang Kia và Pà Cò là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Mông, một dân tộc có nền văn hóa lâu đời với những giá trị truyền thống đặc sắc. Trong đó, nghề dệt, thêu thổ cẩm là một phần quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây.
Nghề dệt thổ cẩm đã có mặt từ lâu đời và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nghề này không chỉ thể hiện sự khéo léo, tinh xảo trong thủ công mỹ nghệ mà còn phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Mông.
Người Mông ở Hang Kia - Pà Cò dệt thổ cẩm chủ yếu từ các nguyên liệu tự nhiên như cây bông, cây lanh... Quy trình dệt bắt đầu từ việc trồng và thu hoạch nguyên liệu, sau đó kéo sợi, nhuộm màu và dệt thành những tấm vải thổ cẩm.
Bước đầu tiên trong quy trình là trồng nguyên liệu. Các loại cây như bông, lanh, được trồng ngay trong khu vực xung quanh làng. Sau khi thu hoạch, sợi được kéo mịn và chuẩn bị cho công đoạn nhuộm màu. Người Mông Hang Kia thường sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như vỏ cây, lá cây để tạo ra các màu sắc xanh, đỏ, vàng, đen… Các màu sắc này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn thể hiện sự gắn bó của người Mông với thiên nhiên và môi trường sống của họ.
Sau khi có sợi và màu nhuộm, người thợ tiến hành dệt thổ cẩm. Thổ cẩm của người Mông ở Hang Kia - Pà Cò nổi bật với các họa tiết hình học đa dạng và phong phú, phản ánh sự sáng tạo và tình yêu thiên nhiên của cộng đồng. Mỗi họa tiết trên tấm vải không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn mang đậm ý nghĩa văn hóa.
Các hoa văn này có thể mô phỏng hình ảnh của cây cối, động vật, hay những hình ảnh liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của người Mông. Đặc biệt, những bộ trang phục thổ cẩm của người Mông Hang Kia - Pà Cò thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, và các sự kiện quan trọng trong đời sống cộng đồng.
Ngoài giá trị thẩm mỹ, thổ cẩm của đồng bào Mông còn mang trong mình những giá trị tâm linh. Các họa tiết thêu, in trên thổ cẩm có thể là biểu tượng của sự bình an, may mắn, hoặc sự bảo vệ khỏi những điều xui xẻo. Người Mông tin rằng những hình vẽ này có thể giúp họ kết nối với thế giới tâm linh và các vị thần linh, mang lại sự phồn thịnh cho gia đình và cộng đồng.
Theo lời kể của bà Sùng Y Mái ở xóm Chà Đáy, xã Pà Cò chia sẻ về quá trình làm nên được một chiếc váy của đồng bào Mông rất cầu kỳ và thú vị. Một chiếc váy Mông được làm từ 6 -7 m vải lanh. Để làm ra một tấm vải lanh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Lanh được cắt từ rừng về phơi khô, giã cho mềm rồi mới nối. Trước khi dệt vải, sợi lanh được đem ngâm tro bếp trắng, tro càng trắng bao nhiêu đem ngâm vải lanh càng trắng bấy nhiêu. Lúc đó mới bắt đầu dệt vải. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp chàm bám chắc hơn khi nhuộm thì phải giặt, phơi, sau đó mang đi lu cho mặt vải bóng mịn.
Tiếp đến là đến công đoạn vẽ sáp ong trên vải, người vẽ đặt vải lên một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu quấn đến đấy để không bị bẩn. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay sao cho lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau khi luộc, vải được mang đi nhuộm chàm và phơi nắng cho khô.
Chị Sùng Y Múa ở xã Hang Kia cho biết, nghề nghề dệt thổ cẩm của bà con đồng bào dân tộc Mông còn là một phương thức truyền tải tri thức và kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các bà, các mẹ dạy con cháu từng chi tiết nhỏ trong quá trình làm thổ cẩm, từ cách dệt, thêu cho đến việc chọn nguyên liệu sao cho phù hợp. Chính vì vậy, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một phương tiện giáo dục, gắn kết tình cảm gia đình và cộng đồng.
Nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống của người Mông ở xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông. Dù đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hiện đại, nhưng những nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm vẫn đang được triển khai mạnh mẽ. Chính nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm của người Mông ở Hang Kia - Pà Cò đã phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch như một mục tiêu trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hướng đến, mở ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
Hoàng Tâm