Lạ lẫm "nhà rông kiểu mới" ở Kông Chro

Lạ lẫm "nhà rông kiểu mới" ở Kông Chro
“Văn hóa lạ” ở làng

Chiều hắt nắng lên những mái tôn xanh đỏ của một ngôi nhà bề thế mang hơi hướng kiến trúc nhà sàn người Jrai vùng phía Tây, thoạt nhìn khá bắt mắt. Đó là mái nhà kiểu Thái với nhiều nóc nhọn pha lẫn kiến trúc truyền thống Jrai. Đáng nói, nơi chúng tôi có mặt không phải là một làng Jrai, mà là làng thuần Bahnar -làng Bla của xã Đak Song, huyện Krông Chro (Gia Lai). Người dân xác nhận đây là nhà rông mới của làng, khởi công từ đầu năm, hiện đã hoàn thiện đến 95%.
 
Nhà rông mới ở làng Bla, xã Đak Song, huyện Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nhà rông mới ở làng Bla, xã Đak Song, huyện Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc 

Nhà rông mới nằm ngay cạnh nhà rông truyền thống dáng vẻ khiêm cung, cũ càng, thấp, dài nhưng thật vững chãi, như một chỉ dấu làng Bahnar ở Đông Trường Sơn, không thể nhầm lẫn. Do gặp khó trong việc tìm nguyên vật liệu tự nhiên từ rừng để lợp mái, người làng Bla đã thay thế bằng mái tôn, nhưng nhà rông vẫn giữ nguyên dáng vẻ và đường nét kiến trúc truyền thống, phên vách đan bằng tre, nứa với nhiều hoa văn thật sinh động.

Hai thực thể văn hóa ấy nằm cạnh nhau đặt ra vô vàn thắc mắc.

Già Đinh Đi nói với chúng tôi rằng, làng họp đến lần thứ 3 mới quyết định làm ngôi nhà rông kiểu mới, nhưng không phải để thay thế nhà rông cũ. Làng vẫn sử dụng nhà rông cũ để họp làng, cúng Yàng, tổ chức lễ hội, thực thi luật tục, trao truyền các giá trị văn hóa… Còn nhà rông mới là nơi để họp hành, học tập, tiếp xúc cử tri và các hoạt động do chính quyền tổ chức chứ không có các hoạt động mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng. “Vì sao làng không làm nhà rông truyền thống Bahnar mà lại làm theo kiểu Jrai?”. Trước câu hỏi này, già Đinh Đi trầm ngâm: “Lúc chuẩn bị làm nhà mới, làng tổ chức họp 2-3 lần để lấy ý kiến. Đa số người dân muốn làm nhà kiểu mới nên phải theo. Mọi người cho rằng nhà rông truyền thống thấp, lại chật chội và mùa hè thì nóng. Hơn nữa, một số làng cũng làm nhà rông kiểu mới nên làng Bla cũng làm theo. Làm nhà này cao hơn, thoáng hơn, lại phù hợp với các tiêu chí nông thôn mới”. Để làm nhà rông kiểu Jrai này, người Bahnar không trực tiếp tham gia như khi làm nhà rông truyền thống. Làng có 70 hộ với 380 khẩu thì mỗi khẩu phải đóng 500 ngàn đồng, không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ để thuê thợ từ vùng khác tới làm và mua nguyên vật liệu.

Bla không phải là ngôi làng Bahnar duy nhất làm nhà rông theo kiểu nhà sàn Jrai kết hợp mái Thái. Làng Kuc Rờng (xã Đak Pơ Pho), làng Măng (xã Ya Ma)… cũng vừa khánh thành nhà rông kiểu mới. Chị Đinh Thị Nguyên (làng Măng) cho biết, làng có 86 hộ với 420 khẩu, mỗi khẩu phải góp đến 800 ngàn đồng mới hoàn thành được ngôi nhà rông kiểu mới này, tốn kém hơn rất nhiều so với làm nhà rông truyền thống vì không tận dụng được sức người.

Đừng để phải thương nhớ nhà rông

Anh Đinh Văn Xúy-Bí thư Huyện đoàn Kông Chro-cho biết: Hiện nay, hầu hết các làng đều làm nhà rông kiểu mới này. Không chỉ có nhà rông, nhiều gia đình cũng làm nhà sàn Jrai mái Thái để ở thay thế cho nhà sàn Bahnar truyền thống. “Nhà rông là biểu tượng cho sự đoàn kết, thống nhất của làng. Trước đây, làng nào làm nhà rông thì cả cộng đồng đều phải góp công sức, phân công nhiệm vụ từng người, từ việc cắt tranh, khiêng cây, lợp mái, điêu khắc, vẽ hoa văn… cho đến khi hoàn thành. Cả làng đồng sức đồng lòng, ai cũng thấy có công sức mình ở trong đó nên họ gắn bó với nhà rông. Nhưng làm nhà kiểu mới này thì khác hẳn. Người dân chỉ việc góp tiền và tham gia những việc phụ, còn việc chính do thợ từ nơi khác đến, xong thì bàn giao lại cho làng”.

Anh Xúy kể thêm, đàn ông Bahnar trước khi lấy vợ phải biết đẽo cái cây, dựng cái nhà để ở, đan cái gùi để đựng, nắm được những kỹ thuật cơ bản trong việc dựng nhà rông… Thế nhưng, những giá trị ấy đang dần bị lãng quên. Nhà rông truyền thống cũng vì thế ngày càng bị mai một, lấn át.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-nói : “Làm nhà rông là việc của làng, ngành Văn hóa không thể can thiệp. Nhiều làng hiện nay thích làm nhà theo kiến trúc nhà sàn Jrai còn bởi đội ngũ thi công chủ yếu đến từ các huyện phía Tây, nhất là ở huyện Ia Pa. Người dân các làng thường có tâm lý bắt chước nhau nên thấy làng này làm thì làng khác cũng làm theo”. Mặc dù không can thiệp được nhưng ông Hiếu cho biết, ngành Văn hóa huyện đang có kế hoạch tuyên truyền đến các làng, khuyến khích người dân gìn giữ, bảo tồn kiến trúc nhà rông truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Người Bahnar vốn coi trọng giá trị văn hóa truyền thống, vì nó là sợi dây bền chặt gắn bó, đoàn kết các cá nhân trong một cộng đồng, một dân tộc. Có câu “Nói phải củ cải cũng nghe”, việc khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy truyền thống, tự hào với những giá trị có từ ngàn đời phụ thuộc rất nhiều vào lời nói phải, nói khéo của những người công tác trong ngành Văn hóa. Đừng để đến một lúc nào đó phải đỏ mắt đi tìm hình bóng nhà rông, thương nhớ những dáng hình đã trở nên thân thuộc với bao thế hệ người Bahnar ở vùng Đông Trường Sơn này.
Theo baogialai.com.vn

Có thể bạn quan tâm