Những nếp nhà dài ở buôn Êga

Những nếp nhà dài ở buôn Êga
Trong ngôi nhà dài đã ngả màu thời gian với từng thớ gỗ đen bóng, bà H’Nốc Byă ở buôn Êga , xã Ea Kmút, huyện Ea Ka (Đắk Lắk) kể rằng ngôi nhà này có số tuổi lớn hơn tuổi 80 của bà rất nhiều. Từ khi lấy chồng bà đã theo chồng về sống trong ngôi nhà này. Đây là nơi chứa nhiều kỷ niệm với gia đình, với từng thành viên qua các thế hệ, từng góc nhà đều có những câu chuyện riêng của nó. Trước khi mất, mẹ chồng nói với bà, phải cố mà giữ nếp nhà, đừng bao giờ bán hay phá đi mà phải giữ gìn cho con cháu sau này. Nghe lời bố mẹ và luôn tâm niệm phải lưu giữ truyền thống của dân tộc mình, nên bây giờ dù gia đình đã đủ ăn, đủ mặc, 3 người con đã lớn, có điều kiện xây cho bà một ngôi nhà mới khang trang nhưng bà không ở, chỉ thỉnh thoảng ra chơi, còn lại vẫn sinh hoạt trong ngôi nhà cũ này.
 
Bà H’Nốc Byă (bên trái) chia sẻ về ngôi nhà dài bà đã gắn bó.
Bà H’Nốc Byă (bên trái) chia sẻ về ngôi nhà dài bà đã gắn bó.

Vào những ngày lễ, ngày hội họp của gia đình và dòng họ, tất cả đều tập trung về đây. Nhìn thấy đàn con cháu nô đùa chơi quanh ngôi nhà dài, bà H’Nốc lại dâng lên những nỗi niềm khó tả. Sự cố gắng gìn giữ ngôi nhà dài của bố mẹ chồng, của bà đã được đền đáp, bà hy vọng những thế hệ sau của dòng họ, của buôn làng cũng sẽ giữ mãi nếp nhà dài như bà.

Ông Y Kham Niê, Trưởng buôn Êga chia sẻ: “Hiện nay trong buôn còn 43 ngôi nhà dài, 15 bộ chiêng cổ cùng nhiều vật dụng quý của người Ê-đê; những người già như bà H’Ri, H’Nốc chính là biểu tượng “nhà dài” của buôn làng, các bà đóng góp rất nhiều cho công cuộc bảo tồn văn hóa cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, để những nét đẹp văn hóa truyền thống còn mãi với thời gian".

Bà H’Ri cho hay: “Ngay từ nhỏ những vật dụng như chiêng, ché, nồi đồng, ghế kpan… rất quen thuộc với tôi và những người cùng trang lứa. Nó là vật dụng hằng ngày, mọi người ai cũng quý trọng. Thế nhưng, càng có tuổi, tôi lại càng thấy những vật dụng này ít đi, thay vào đó là những đồ hiện đại, tiện lợi. Nhưng thật tiếc khi dùng nó lại không đong đầy tình cảm. Ngày xưa đồ đạc dùng mấy chục năm, qua 2 - 3 thế hệ vẫn còn đó. Bây giờ chỉ dùng vài năm, có khi chưa hư cũng bỏ đi để thay đồ mới…”. Bà bỏ lửng câu nói với ánh nhìn xa xăm, nuối tiếc...

Ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm của gia đình bà H’Ri Niê.
Ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm của gia đình bà H’Ri Niê.

Không chỉ lưu giữ được ngôi nhà dài với nhiều vật dụng truyền thống như bộ chiêng quý, nồi đồng, những người già như bà H’Ri, H’Nốc còn có thể hát những bài Ayray cổ, chơi nhạc cụ dân tộc… Thế nhưng các bà vẫn buồn vì con cháu bây giờ ít chịu học đánh chiêng, đánh trống, hay ngân nga những bài ca cổ. Bà H’Nốc lý giải, lúc đầu các cháu cũng tập chơi nhạc cụ dân tộc, nhưng lớn lên một chút lại đi làm, đi học hết không có thời gian mà tập luyện; rồi ngày nay có nhiều nhạc mới, những bài Ayray cổ có nhiều tiếng khó (tiếng Ê-đê cổ - PV) không dịch ra, không biết, không hiểu nên thôi luôn… Thế nên, còn giữ được ngày nào thì các bà sẽ vẫn giữ, chỉ mong con cháu cũng sẽ tiếp nối truyền thống, cố gắng giữ được những nếp nhà dài, các vật dụng cổ và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Ê-đê.

Theo baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm