Nhạc cụ của người Vân Kiều: Sáng tạo và độc đáo

Nhạc cụ của người Vân Kiều: Sáng tạo và độc đáo
Bên cạnh phong tục thờ cúng tổ tiên, người Vân Kiều còn thờ tín ngưỡng đa thần (thần mặt trời, thần bản mệnh, thần lúa, thần sông, thần cây, thần núi...) cùng với đó là hệ thống lễ hội (lễ hội đập trống, phát rẫy, được mùa, mừng lúa mới, rước hồn lúa...) liên quan đến chu kỳ canh tác.
Từ trong các hình thái tín ngưỡng dân gian mang tính phổ quát đó, đồng bào Vân Kiều đã chế tác ra nhiều nhạc cụ (sáo, đàn Ta-lư, khèn A-mam, khèn bè, đàn Pơ-lựa, thanh la, cồng chiêng...) bằng nguyên liệu gỗ, tre, nứa, hợp kim tạo nên những âm thanh đặc sắc làm say đắm lòng người.

Sáo là nhạc cụ phổ biến nhất của người Vân Kiều. Sáo Vân Kiều có nhiều loại và mỗi loại được trình diễn ở những nghi lễ khác nhau. Sáo Pi là nhạc cụ gắn bó bền chặt nhất với đồng bào, là nhạc cụ duy nhất được cất lên khi vui cũng như lúc buồn, các dịp ma chay, khi thực hiện nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần…

Khi hát Xà-nớt, làn điệu dân ca trĩu nặng tình cảm và lý trí về quan hệ xã hội, dòng tộc, làng bản thì đồng bào thổi sáo Khui. Còn sáo Teril được thổi khi hát làn điệu Oát, khúc ca hò hẹn của gái trai Vân Kiều. Tuy từng loại sáo có kích thước và cấu tạo khác nhau nhưng điểm chung giữa chúng là khâu lựa chọn cây nứa như ý để chế tác ra loại nhạc cụ này. Đó là những cây nứa già cứng cáp, mọc ở đằng đông và ngọn của nó cũng hướng thẳng về phía đông, hơi ngả màu vàng óng, chiều dài của mỗi đốt phải tầm 70 cm.
 
Đàn ông Vân Kiều với chiếc đàn Ta-lư.
Đàn ông Vân Kiều với chiếc đàn Ta-lư.

Đàn Ta-lư cũng là loại nhạc cụ được trình diễn phổ biến trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều. Là loại nhạc cụ dây, dành riêng cho nam giới, đàn Ta-lư có tiết tấu vừa da diết phù hợp với các làn điệu dân ca tộc người lại vừa sôi nổi có thể kết hợp hài hòa với các bài hát đương đại. Đàn ông Vân Kiều gẩy Ta-lư trong không khí nhộn nhịp, vui tươi của lễ hội hay những lúc nông nhàn thảnh thơi, không bao giờ đánh đàn Ta-lư trong dịp ma chay, đám giỗ…

Đàn Ta-lư có hình dáng giống như cây đàn guitar thu nhỏ, loại nhạc cụ này không tuân theo quy chuẩn một kích thước nào mà tùy theo độ to nhỏ của khúc gỗ đặc để đục đẽo thành thùng đàn. Thông thường toàn bộ chiều dài của đàn khoảng 70 cm, riêng phần cần đàn nối với thùng đàn khoảng 40 cm. Cuối cần đàn là bộ phận tăng âm luôn được vát lõm xuống tựa hình bàn tay đang khép lại kín kẽ để hứng lấy những giọt nước chuẩn bị rơi xuống. Nhạc cụ này có 2 dây, chia thành 5 quãng nhạc, tùy từng bản nhạc mà người chơi đàn sẽ lần theo dây đàn và thay đổi từng quãng đàn tạo thành những nốt nhạc cao thấp khác nhau. Đàn Ta-lư đã trở thành đề tài và cảm hứng sáng tác để nhạc sĩ Huy Thục viết nên giai điệu tự hào “Tiếng đàn Ta lư” nổi tiếng năm 1968.

Được sử dụng phổ biến trong các lễ hội vui tươi còn có kèn A-mam. Thoạt nhìn, kèn A-mam có vẻ ngoài rất đơn giản, chỉ dài chừng 40 cm, nhỏ như chiếc đũa, cả nam và nữ đều có thể sử dụng nhưng để có thể chế tác nên một chiếc kèn hoàn chỉnh thì phải có “bí kíp” gia truyền. Kèn A-mam được làm bằng nhánh cây đương (theo cách gọi của người Vân Kiều), có thân và nhánh giống cây tre trúc, vừa chắc chắn lại vừa dẻo dai. Nhánh được chọn làm kèn phải già, thẳng, dài khoảng 30 – 40 cm, không dùng những nhánh còn non dễ bị xốp và héo hai đầu…

Công đoạn đục hai lỗ nhỏ ở hai đầu đoạn đương để khi thổi chiếc kèn phát ra được nhiều loại thanh âm là bí quyết của người nghệ nhân. Họ sẽ dùng loại đục nhỏ và nhọn khéo léo đục hai lỗ sao cho vị trí phải thật phù hợp và cân xứng ở hai đầu khúc đương. Vì nhánh cây rất nhỏ nên khi đục lỗ phải rất cẩn thận, lỗ không được quá nhỏ, cũng không quá to thì tiếng kèn mới có được những âm thanh chuẩn xác và tinh tế. Kèn A-mam có thể dùng để độc tấu hoặc cả hai người cùng thổi, thông thường là một nam và một nữ trong hát đối đáp, giao duyên.

Trong đời sống sinh hoạt và ở các nghi lễ, đồng bào Vân Kiều còn trình diễn các loại nhạc cụ cồng chiêng, khèn bè… Bộ cồng chiêng Vân Kiều thường có 3 chiếc, chiếc lớn nhất là cồng mẹ, 2 chiếc nhỏ hơn là cồng con. Cồng mẹ phát ra âm thanh cao độ, tròn đầy và vang vọng; cồng con làm nhiệm vụ giữ nhịp cho bản hòa tấu. Cồng chiêng thường được đồng bào tấu lên trong lễ cúng hồn lúa, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ vào nhà mới…

Đâu đó trong các bản làng tiếng khèn bè xao xuyến còn được thổi bởi các chàng trai Vân Kiều đến tuổi cập kê. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Người chơi khèn bè phải nắm vững kỹ thuật lấy hơi, độ chính xác và điêu luyện của đôi tay khi bấm nốt. Tiếng khèn bè là công cụ để đàn ông Vân Kiều thể hiện tài năng, là giai điệu hẹn hò, bắc cầu cho trai, gái Vân Kiều tìm được cho mình một người bạn đời thích hợp.  

Cuộc sống ngày càng hiện đại với sự xuất hiện của nhiều loại nhạc cụ điện tử nơi bản làng Vân Kiều nhưng lớp nghệ nhân cao tuổi vẫn đang gìn giữ và truyền dạy những tiếng đàn, điệu sáo cho thế hệ mai sau. Giai điệu trầm hùng và khoáng đạt, trữ tình và nồng nàn nỗi niềm từ các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Vân Kiều vẫn chuyển tải ước mong cho mùa màng được tươi tốt, cho bản làng thêm yên vui, cho tình yêu đôi lứa nhân đôi niềm hạnh phúc.
Theo baodaklak.vn
Dân tộc Bru-Vân Kiều Dân tộc Bru-Vân Kiều

Tên tự gọi: Có người cho Bru là tên tự gọi

Tên gọi khác: Bru, Vân Kiều.

Nhóm địa phương: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong.

Dân số: 74.506 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn- Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng Tà Ôi, Cơ Tu. Chữ viết mới hình thành theo cách phiên âm bằng chữ cái Latinh. Giữa các nhóm có một số từ vựng không giống nhau.

Lịch sử: Họ thuộc số dân cư được coi là có nguồn gốc lâu đời nhất ở vùng Trường Sơn.

Hoạt động sản xuất: Canh tác rẫy, trồng lúa là chính; nông cụ đơn giản: rìu, dao quắm, gậy trỉa, cái nạo cỏ có lưỡi cong. Cách thức sản xuất: phát rừng, đốt, rồi chọc lỗ gieo hạt giống, làm cỏ, tuốt lúa bằng tay; đa canh - xen canh trên từng đám rẫy kéo dài hàng năm từ tháng 3 đến tháng 10. Ngoài trồng các giống lúa tẻ, nếp, còn trồng sắn, bầu, chuối, cà, dứa, khoai mía v.v... Rừng và sông suối cung cấp nhiều thức ăn cùng nguồn lợi khác. Chăn nuôi trâu (về sau có cả bò), lợn, gà, chó là phổ biến.

Nghề thủ công không phát triển. Quan hệ trao đổi hàng hoá chủ yếu với người Việtngười Lào.

Ăn: Người Bru-Vân Kiều thích các món nướng. Canh thường nấu lẫn rau với gạo và cá hoặc ếch nhái. Họ ăn cơm tẻ thường ngày; khi lễ hội, cơm nếp nấu trong ống tre tươi; quen ăn bốc, uống nước lã, rượu cần (nay rượu cất là thông dụng). Nam nữ đều hút thuốc lá, tẩu bằng đất nung hoặc làm từ cây le.

Mặc: Theo phong tục, nam đóng khố, nữ mặc váy, còn áo không có tay, mặc chui đầu. Vải chủ yếu mua ở Lào. Y phục kiểu người Việt thời nay đã trở thành phổ biến, tập quán mặc váy vẫn được bảo lưu. Trước kia thường dùng vỏ cây rừng đập dập lấy xơ để che thân. Ðồ trang sức thường đeo là các loại vòng ở cổ, tay, khuyên tai. Xưa đàn ông, đàn bà đều búi tóc, riêng thanh nữ búi lệch tóc về phía bên trái, khi đã có chồng tóc được búi trên đỉnh đầu.

: Người Bru-Vân Kiều sống ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thuộc miền tây các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình. Mỗi làng là một điểm cư trú quần tụ. Mỗi gia đình có nhà riêng, ở nhà sàn, bếp lửa bố trí ngay trên sàn nhà, kiêng nằm ngang sàn. Nhóm Trì, Khùa, Ma Coong nhà thường ngăn thành buồng làm chỗ ngủ riêng cho vợ chồng gia chủ, cho bố mẹ già (nếu có), cho con đã lớn.

Phương tiện vận chuyển: Người Bru-Vân Kiều dùng các loại gùi, đeo gùi sau lưng, 2 quai gùi quàng vào đôi vai. Chiếc gùi gắn bó khăng khít với mỗi người như hình với bóng, là vật dụng vận tải đa năng.

Quan hệ xã hội: Dân làng thuộc các dòng họ khác nhau, cùng sinh sống trên một địa vực, trong đó đất trồng trọt thuộc về từng gia đình, kể cả khi bỏ hoá. Người "già làng" có vai trò quan trọng đối với đời sống của làng. Sự giàu-nghèo hình thành, nhưng hầu hết các hộ trong làng tương đối khác biệt nhau. Tài sản được xác định bằng chiêng, cồng, ché, nồi đồng, trâu v.v...

Hiện tượng người bóc lột người không phổ biến.

Cưới xin: Cô dâu về ở đằng nhà chồng, nhà trai tổ chức cưới vợ cho con và phải biếu đồ sính lễ cho nhà gái, trong đó có thanh kiếm và thường cả chiếc nồi đồng nữa. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng còn phải làm "lễ cưới" lần thứ 2 khi có điều kiện về kinh tế, gọi là lễ Khơi, để người vợ chính thức được coi là thành viên dòng họ nhà chồng.

Theo tục lệ, việc con trai cô lấy con gái cậu được khuyến khích, việc kết hôn giữa vợ goá với anh hoặc em chồng cũng như giữa chồng goá với chị hoặc em vợ đều được chấp thuận và khi dòng họ A đã gả con gái cho dòng họ B thì dòng họ B không gả con gái cho dòng họ A nữa.

Sinh đẻ: Phụ nữ khi mang thai kiêng ăn thịt các con vật sa bẫy, không bước qua cây nằm ngang đường v.v... Họ đẻ con tại nhà, có bà mụ vườn đỡ đẻ. Trẻ sơ sinh được đặt tên sau vai ba tháng, phải tránh trùng với tên của người đã khuất trong dòng họ, nhưng thường các tên trong nhà được đặt cùng vần nhau.

Ma chay: Tử thi ở nhóm Vân Kiều được đặt năm ngang sàn nhà, chân hướng về phía cửa sổ, ở các nhóm Khùa và Ma Coong thì tử thi được đặt dọc sàn, chân hướng về phía cửa chính. Sau 2-3 ngày mới đưa ma, chôn người chết vào bãi mộ chung của làng.

Quan tài gỗ đẽo độc mộc, gồm hòm và nắp; xưa kia có nơi người chết được bó trong vỏ cây hoặc tấm đan bằng giang, nứa. Chọn đất đào huyệt theo cách dùng trứng gà thả rơi, vỡ trứng là được. Tang gia trước khi mai táng mỗi ngày cúng cơm đặt thức ăn vào miệng tử thi 3 lần (sáng, trưa, tối), khi chôn cất phải dành phần cho người chết nhiều thứ từ đồ mặc đến vật dụng thông thường và cả giống mía, ngô, khoai môn, v.v...

Thờ cúng: Người Bru-Vân Kiều chú trọng thờ cúng tổ tiên. Theo họ, hiện thân của "linh hồn" các thân nhân quá cố là những mảnh nồi, mảnh bát v.v... đặt trong chòi nhỏ dựng riêng. Có nơi thờ cúng cả thần bản mệnh: mỗi người trong gia đình có một chiếc bát đặt chung trên bàn thờ tại nhà. Người ta rất tin và các "thần linh" (Yang): thần lúa, thần bếp lửa, thần núi, thần đất, thần sông nước v.v... Ma gia đình đằng vợ (Yang cu gia) cũng được con rể thờ cúng.

Lễ tết: Người Bru-Vân Kiều có nhiều lễ cúng khác nhau trong quá trình canh tác lúa rẫy nhằm cầu mùa, gắn với các khâu, phát, trỉa và thu hoạch. Ðặc biệt lễ thức trước dịp trỉa lúa diễn ra như một ngày hội của dân làng. Trong một đời người, mỗi người cũng có hàng loạt nghi lễ cúng quải về bản thân mình: khi ra đời, lúc đau ốm, khi qua đời, lúc thành hôn v.v... Lễ cúng có đâm trâu là lễ trọng nhất. Tết đến từng làng sớm muộn khác nhau, nhưng đều vào thời gian sau kỳ tuốt lúa.

Lịch: Họ căn cứ vào mặt trăng để định ra các ngày và tên ngày trong tháng. Quan niệm có những ngày tốt (nhất là mùng 4, 7, 9) và những ngày xấu (nhất là 30 và mùng 1). Mỗi năm, lịch nông nghiệp Bru-Vân Kiều gồm 10 tháng, tiếp đến thời kỳ nghỉ ngơi, chơi bời trước khi bước vào mùa rẫy mới.

Văn nghệ: Người Bru-Vân Kiều có nhiều truyện cổ được truyền miệng, kể về sự tích các dòng họ, nguồn gốc dân tộc, về đề tài người mồ côi v.v... Có các điệu hát như: Oát là loại hát đối đáp giao duyên. Prdoak là hát chúc vui, chúc tụng khi có việc mừng. Xươt là hát vui trong các sinh hoạt vui đùa đông người. Roai tol, Roai trong là loại hát kể lể nặng nề, oán trách. Adâng kon là hát ru trẻ con. Trong đám ma và lễ hội đâm trâu thường có múa kết hợp với hát. Nhạc cụ phổ biến là: cồng, chiêng, đàn Achung, Plư, Ta-lư, kèn Amam, Ta-ral, khèn Pi, nhị, đàn môi, trống, sáo...

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm