Huyền tích văn hóa kỳ bí của người Vân Kiều

Huyền tích văn hóa kỳ bí của người Vân Kiều
Kỳ bí lễ cúng hồn người sống

Khác với người Kinh chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên, những người quá cố, người Vân Kiều có một phong tục rất kỳ lạ là thờ linh hồn người sống ngay khi họ mới sinh ra. Đến thăm bất cứ ngôi nhà sàn nào của người Vân Kiều, chúng tôi đều nhìn thấy những chiếc bát sứ đặt trong những chiếc kiềng tre đan thủ công đặt trên bàn thờ treo sát mái nhà. Người Vân Kiều giải thích rằng, đó là nơi thờ linh hồn của các thành viên trong gia đình họ.
 
Thanh kiếm và vòng bạc, 2 thứ sính lễ không thể thiếu trong một đám cưới của người Vân Kiều, (trong ảnh, đại diện nhà trai trao thanh kiếm, vòng bạc cho cô dâu trong một đám cưới của người Vân Kiều).
Thanh kiếm và vòng bạc, 2 thứ sính lễ không thể thiếu trong một đám cưới của người Vân Kiều, (trong ảnh, đại diện nhà trai trao thanh kiếm, vòng bạc cho cô dâu trong một đám cưới của người Vân Kiều).

Mỗi chiếc bát đặt trong một kiềng tre là nơi thờ linh hồn của một người, trong nhà có mấy thành viên thì bàn thờ sẽ có mấy chiếc bát. Người Vân Kiều quan niệm, bản thân mỗi con người khi sinh ra đều có một linh hồn và một vị thần bổn mạng che chở. Để con người đó được sống một cách khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn, người Vân Kiều phải thực hiện nghi thức cúng vị thần bổn mạng đó, hay còn gọi là cúng hồn cho người sống...

Theo già làng người Vân Kiều, khi một đứa trẻ Vân Kiều  sinh ra 3 ngày thì sẽ được lễ “giỗ sống” đầu tiên và được làm lễ buộc chỉ cỏ máu, sợi chỉ nhuộm từ cây cỏ máu trong rừng, với mong muốn hồn đứa trẻ không bỏ nó mà ở lại trần thế với thể xác. Từ đó, gia đình lập bàn thờ là chiếc bát bỏ trong giỏ tre rừng, đặt sát cột nhà và hàng năm làm lễ “giỗ sống” vào ngày 18-8, gọi là lễ “xana chiết”.

Lên 8 tuổi, thiếu niên Vân Kiều được tổ chức lễ mừng hồn, đó là lúc họ tin hồn của đứa bé đã gắn chặt với nó, không đột ngột về Trời. Và chiếc bát trong giỏ tre sẽ được đưa lên cao hơn một bậc. Đến 18 tuổi, cánh tay chàng trai Vân Kiều đủ rộng như đôi cánh đại bàng lớn, anh ta được gia đình làm lễ “rặp chăm pa rơ” mừng hồn trưởng thành. Cái bát thờ mạng sống chàng trai lại được đưa lên sát mái nhà sàn, bắt đầu một cuộc sống vững vàng với những kỹ năng sinh tồn giữa núi rừng... Tục lệ truyền thống này cũng được áp dụng với cả con gái.

Để làm lễ cúng, người Vân Kiều có một con dao A Châu Cor truyền đời còn gọi là dao gọi hồn và chiếc sáo pi mà khi thổi lên âm thanh của nó lúc trầm lúc bổng, huyền hoặc như liêu trai. Lễ vật để cúng bắt buộc là một con lợn khoảng 40kg, nhà nào nghèo thì cũng phải mua được cái thủ, 4 cái chân và cái đuôi, coi như là tượng trưng cho một con lợn. Lễ còn có một bát gạo, 4 miếng trầu cắm xung quanh và giữa bát đặt 1 quả trứng gà. Ngoài ra, lễ vật còn có 3 chai rượu, những miếng sáp ong rừng nặn thành những hình thù kỳ bí...

Phóng viên Báo Quảng Bình đã may mắn được chứng kiến lễ cúng hồn đứa cháu 4 tuổi của gia đình ông Hồ Thao ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Phụ trách lễ cúng là già làng Hồ Xoan, cũng là một thầy cúng của bản. “Mỗi năm đều phải giỗ sống chúng, dù chúng đã có vợ rồi cũng phải về đây chịu lễ gà, heo để mời bản giỗ sống, làm thế để chúng biết hồn chúng đang còn và biết điều với tổ tiên đã cho chúng cái hồn để làm người” - Hồ Thoan nói.

Tại lễ cúng, khi già làng Hồ Xoan cúng khấn với những câu chú râm ran và người phụ lễ thổi sáo pi réo rắt, lần đầu tiên chúng tôi được thấy con dao A Châu Cor xâu 4 cái đùi, đầu, cổ và gan lợn rồi cho đứng trong bát gạo, vậy mà con dao với các thớ thịt nặng như vậy vẫn không nhúc nhích hơn 30 phút. Già làng Hồ Xoan cho biết, như thế là linh hồn của đứa trẻ đã chấp nhận lễ vật, đã trở về để bảo hộ cho thể xác của đứa trẻ Vân Kiều lớn lên khỏe mạnh, thông minh.

Hai lần cưới trong đời của người Vân Kiều

Sau thời gian “đi sim”, khi cái bụng của chàng trai cô gái Vân Kiều đã thấu hiểu và ưng nhau thì họ sẽ nói với bố mẹ hai bên tiến hành làm lễ cưới. Ngày nay nhiều bản làng của người Vân Kiều đã tổ chức đám cưới cho con em họ theo phong cách mới như người Kinh, thế nhưng trong đám cưới của trai gái Vân Kiều vẫn giữ nguyên một phong tục, một phong cách văn hóa riêng có.

Già làng Hồ Xoan ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đang làm lễ cúng gọi hồn cho cháu gái ông Hồ Thao.
Già làng Hồ Xoan ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đang làm lễ cúng gọi hồn cho cháu gái ông Hồ Thao.

Trong lễ cưới của của người Vân Kiều lễ vật nhất định phải có 1 thanh kiếm, 1 nồi đồng, 1 vòng cườm đeo cổ, 1 vòng bạc trắng. Thanh kiếm tượng trưng cho tinh thần chàng trai Vân Kiều bảo vệ gia đình, bản quán, chuôi kiếm và lưỡi kiếm thể hiện nghĩa vợ chồng thủy chung. Nó còn là vật “dẫn chuyện” như buồng cau, lá trầu của người miền xuôi. Nồi đồng biểu trưng sự thịnh vượng của quê hương, vòng cườm và vòng bạc trắng là 2 món trang sức làm cho phụ nữ Vân Kiều đẹp thêm trong mắt dân bản.

Ông Hồ Văn Ba, bản Đá Còi, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vừa mới tổ chức lễ cưới chồng cho cô con gái. Ông Ba kể, trong lễ cưới, một lễ cúng ma nhà và tổ tiên nhà gái được cử hành bài bản, trang trọng để xin cho chàng rể nhập tục họ hàng, chính thức được nhận là con cháu. Sau đó nhà trai nhất thiết phải ở lại nhà gái một đêm cùng ăn uống, chuyện  trò với nhau vui vẻ, hôm sau mới làm lễ rước dâu. Khi con dâu về chạm nhà sàn, mẹ chồng đón vào đường sàn cầu thang bếp và làm một cái lễ quan trọng gọi là tục rửa chân cho con, xem con là con của mẹ, không phân biệt con dâu hay con gái trong nhà...

Theo ông Ba, người Vân Kiều không chỉ có duy nhất một đám cưới đó, họ còn có một lần cưới thứ hai trong đời với người vợ của họ. "Đó là lễ koil, người Kinh gọi là "khơi" nhưng không phải, đó là lễ cưới lần hai để công nhận vợ là thành viên của họ nhà trai. Đám cưới lần 2 này cũng rất tốn kém, nên nhiều người phải đến già mới làm lễ này được. Nhưng phải làm được lễ này thì cuộc sống của vợ chồng người Vân Kiều mới được gọi là hạnh phúc viên mãn..."

Theo baoquangbinh.vn

Có thể bạn quan tâm