Trong mâm cơm ngày Tết dâng lên tổ tiên, ông bà của người Tày ở các tỉnh miền núi phía Bắc không thể thiếu món bánh chưng đen.Món bánh này được gói bằng tay, dài khoảng 30 cm, đường kính 6 cm - 7 cm, dùng lạt dài cuốn chặt, hình trụ dài hoặc hình chiếc bánh chưng gù.

Muốn có chiếc bánh chưng ngon, người Tày chuẩn bị gạo nếp cái hoa vàng, hạt to, tròn. Để bánh màu đen, họ lấy rơm nếp phơi khô hoặc thân, vỏ cây núc nác đốt thành tro rồi làm mịn trước khi trộn với gạo nếp, làm cho gạo ngấm đều màu xám đen. Nhân bánh có đỗ xanh, thịt lợn bản, hạt tiêu và một loại gia vị đặc biệt là thảo quả khô. Chính thảo quả làm cho nhân bánh mang hương vị khác lạ. Bánh chưng đen sau khi gói được luộc kỹ từ 7 - 8 tiếng. Khi bánh chín, hạt gạo chuyển sang màu xám đen, quyện vào nhân đỗ vàng ươm, tạo nên vị ngọt, bùi của đậu, béo ngậy của thịt lợn bản, vị thơm của thảo quả và vị thanh mát của tro trộn gạo.



Khi thưởng thức bánh chưng đen, người Tày lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Bánh có thể để được lâu, đến hết tháng Giêng mà vẫn thơm ngon.
Hải Cường