Trong khuôn khổ các hoạt động nhân "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam", tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Hoa đến từ tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức lễ hội Đấu đèn đặc sắc.
Theo phong tục, hằng năm sau các hoạt động của Tết Nguyên Tiêu, đồng bào dân tộc Hoa ở tỉnh Sóc Trăng lại đến chùa ông Bổn để dâng hương và xem đấu đèn, đây là một phong tục tốt đẹp được nhiều thế hệ người Hoa kế thừa.
Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, việc đấu được đèn lộc không chỉ là vinh dự cho mỗi người và gia đình mà còn giúp rước về tài lộc, bình an, làm ăn phát đạt.
Việc tổ chức lễ Đấu đèn đối với người Hoa còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn, đó là để tích công đức qua việc làm thiện nguyện, gây quỹ cho "Hội Tương tế người Hoa" để tương trợ cho đồng bào nghèo, ủng hộ cho quỹ khuyến học và các hoạt động văn hóa, xã hội khác.
Các loại đèn dự đấu giá đã được Ban tổ chức trình trên bệ thờ chánh điện. Dưới mỗi cây đèn đều có ghi các câu chúc trên tấm liểng nhỏ được nhà chùa chọn lọc theo ý nghĩa khác nhau.
Ngoài những cây đèn được ban tổ chức chuẩn bị, cá nhân cũng có thể đưa đèn đến để đấu giá, người mang đèn đến dự đấu giá cũng muốn thông qua cây đèn của mình để tăng giá trị đóng góp cho việc thiện nguyện.
Tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào buổi đấu đèn sẽ đăng ký trước với ban tổ chức. Buổi đấu đèn diễn ra theo trình tự đấu giá từng cây đèn một cho đến hết số lượng đèn chuẩn bị cho năm đó.
Trước khi vào phần hội đấu đèn là nghi thức cúng tế và dâng hương.
Kết thúc phần lễ là phần hội với các cây đèn được đấu giá với các ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như cây đèn “Thiên Địa phụ mẫu” ban cho, có ý nghĩa là “Hiệp gia bình an”; Cây đèn “Cẩm thiên đại đế” ban cho có ý nghĩa là "Mua may bán đắt"; Cây đèn “Thiên Hậu Thánh mẫu" ban cho có ý nghĩa là “Tài Nguyên Quảng Tấn”...
Đèn được đấu giá thành công sẽ được ban tổ chức gửi tới nhà gia chủ vào ngày hôm sau.
Lễ hội đấu đèn không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt với người Hoa, mà còn là một nét văn hóa truyền thống cần được gìn giữ, lưu truyền.
Hải Ly
Tên gọi khác: Khách, Hán, Tàu.
Nhóm địa phương: Quảng Ðông, Quảng Tây, Hải Nam, Triều Châu, Phúc Kiến, Sang Phang, Xìa Phống, Thoòng Nhằn, Minh Hương, Hẹ...
Dân số: 823.071 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (Ngữ hệ Hán - Tạng).
Lịch sử: Người Hoa di cư đến Việt Nam vào những thời điểm khác nhau từ thế kỷ XVI, và sau này vào cuối thời Minh, đầu thời Thanh, kéo dài cho đến nửa đầu thế kỷ XX.
Hoạt động sản xuất: Người Hoa ở vùng nông thôn chủ yếu sống bằng nghề nông, coi lúa nước là đối tượng canh tác chính. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn họ làm nghề dịch vụ, buôn bán... Tiểu thủ công nghiệp khá phát triển như nghề gốm (Quảng Ninh, Sông Bé, Ðồng Nai), làm giấy súc, làm nhang (Thành phố Hồ Chí Minh)... Một bộ phận người Hoa cư trú ở ven biển sống chủ yếu bằng nghề làm muối và đánh cá. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, người Hoa luôn coi trọng chữ "tín".
Ăn: Lương thực chính là gạo, nhưng trong bữa ăn thường có các loại như mì sào, hủ tiếu... Ở các gia đình bình dân, buổi sáng điểm tâm bằng cháo trắng với trứng vịt muối, còn những nhà khá giả hơn là hủ tiếu, bánh bao, xíu mại... Người Hoa có kỹ thuật nấu ăn giỏi, thích các món ăn xào mỡ với gia vị.
Thức uống của người Hoa ngoài tác dụng giải khát còn là loại thuốc mát, bồi dưỡng "lục phủ, ngũ tạng". Các loại trà sâm, hoa cúc... là những thứ thông dụng trong mọi gia đình. Những dịp hội hè, lễ, tết nam giới cũng quen dùng rượu. Thuốc lá được nhiều người hút, kể cả phụ nữ, nhất kà những người phụ nữ có tuổi.
Mặc: Những trang phục gọi là truyền thống của người Hoa hiện chỉ còn thấy ở một số người có tuổi hay trong các nghi lễ cưới xin, tang ma. Phụ nữ thường mặc áo cổ viền cao, cài khuy một bên, xẻ tà cao hoặc một chiếc áo "sườn xám" may dài, ôm ngang hông, xẻ tà dưới phần đùi. Màu sắc trang phục của họ, nhất là các thiếu nữ thích màu hồng hoặc màu đỏ, cùng với các sắc màu đậm. Ðàn ông mặc áo màu đen hay xanh đậm, cài khuy vải một bên, vai liền cổ đứng, xẻ tà hoặc kiểu áo tứ thân, xẻ giữa, cổ đứng, vai liền, có túi. Phụ nữ thích dùng đồ trang sức, đặc biệt là vòng tay (bằng đồng, vàng, đá, ngọc...), bông tai, dây chuyền... Ðàn ông thích bịt răng vàng và xem như một lối trang sức.
Ở: Những người làm nghề nông thường sống thành thôn xóm. Làng thường ở ven chân núi, trong cánh đồng, trải dài trên bờ biển, gần nguồn nước, giao thông thuận tiện. Trong làng, nhà ở bố trí sát nhau theo dòng họ. Ở thành thị họ thường sống tập trung trong các khu phố riêng.
Nhà cửa thường có 3 loại: nhà 3 gian hai chái, nhà chữ Môn và chữ Khẩu. Nhà thường xây bằng đá, gạch mộc hay trình đất, lợp ngói máng hay là quế, lá tre, phên lứa...
Nổi bật trong nhà ở là các bàn thờ tổ tiên, dòng họ, thờ Phật và các vị thần cùng các câu đối, liễn, các giấy hồng chữ Hán với nội dung cầu phúc, cầu lợi, cầu bình yên.
Quan hệ xã hội: Xã hội phân hoá giai cấp sâu sắc và mang tính phụ quyền cao.
Mối quan hệ với những người cùng họ được hết sức coi trọng. Mỗi một dòng họ có một từ đường để thờ cúng. Hàng năm vào một ngày nhất định, những người cùng họ tụ tập tại từ đường để làm lễ giỗ tộc họ. Những hoạt động kinh doanh, sản xuất thường có các hội nghề nghiệp tương ứng. Những hội này đều có một vị tổ và một ngày giỗ tổ trong năm.
Gia đình được xây dựng theo chế độ một vợ một chồng khá bền vững và mang tính phụ hệ. Người Hoa thường dựng vợ gả chồng cho con trong cùng một nhóm địa phương. Trưởng họ, ông mối, các chức dịch đóng vai trò khá quan trọng trong hôn nhân. Hiện nay, phụ nữ xây dựng gia đình khá muộn (tuổi cưới trung bình là 28, 30) và số con ít nhất (trung bình một phụ nữ sinh 2 hoặc 3 con).
Lễ tết: Trong một năm có nhiều ngày lễ tết: Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh minh, Ðoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu.
Tết Nguyên đán vào những năm cũ chuyển sang năm mới theo âm lịch và kéo dài tới ngày rằm tháng giêng (tết Nguyên tiêu). Lễ Nguyên tiêu là đặc trưng lễ tết của người Hoa, mọi hoạt động tập trung nhất của tín ngưỡng và văn hoá truyền thống đều được biểu hiện trong dịp này.
Thờ cúng: Nổi bật trong các tín ngưỡng dân gian là thờ cúng tổ tiên, gia tộc, dòng họ, thờ cúng các vị thần phù hộ (thần bếp, thổ địa, thần tài...) và một số vị thánh và bồ tát (Quan Công, bà Thiên Hậu, ông Bổn, Nam Hải Quan Âm...)
Hệ thống chùa miếu khá phát triển. Chùa miếu của người Hoa thường gắn liền với các hội quán, trường học. Ðó cũng là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, nơi diễn ra các hội lễ.
Học: Chữ Hán được dạy và học trong các trường phổ thông.
Văn nghệ: Sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Hoa có nhiều thể loại như hát, múa, hài kịch... với nhiều loại nhạc cụ: tiêu, sáo, các loại đàn (tỳ bà, nhị, nguyệt...), chập choã... Hát "sơn ca" (sán cố) là hình thức được nhiều người ưa chuộng, nhất là tầng lớp thanh niên. Tổ chức văn nghệ dân gian truyền thống mang tính nghiệp dư đã có từ lâu là các "nhạc xã".
Múa lân, sư tử, rồng... là những loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng sâu rộng được trình diễn hàng năm, vào những ngày lễ lớn, ngày lễ tết.
Theo cema.gov.vn