Đặc sắc nghi lễ Trỉa lúa của đồng bào Bru - Vân Kiều

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa của ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2024, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều đến từ tỉnh Quảng Bình đã tái hiện lễ Trỉa lúa đặc sắc của dân tộc mình.

Lễ hội Trỉa lúa được xem là sự kiện quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Bru – Vân Kiều. Người dân cầu mong các vị thần giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở của hạt giống để có vụ mùa chắc hạt nặng bông.

z5188941483242_bfa0ca1f51529f51783612d5a50cd36c.jpg
Lễ Trỉa lúa với các lễ vật hiến sinh là nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Ảnh: Hoàng Tâm

Nghi lễ Trỉa lúa được bắt đầu với nghi thức hiến sinh (có thể bằng bò, dê, lợn,… nhưng chủ yếu dân bản hằng năm đều hiến sinh bằng lợn)… Khi bắt đầu nghi lễ, hai thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn đặt xuống cạnh khe nước chảy. Già làng bắt đầu làm lễ tế sống (hiến sinh).

Khi già làng báo lệnh khai lễ, dân bản đứng khép vòng quanh con lợn, già làng bước vào giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải cầm chiếc ly thủy tinh nâng lên rót đầy rượu và cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe. Lời khấn với đại ý là: Hôm nay, dân bản ta làm lễ Trỉa lúa, dân bản xin được dâng một con lợn cho thần lúa, thần trời, thần mước, thần đất, thần núi… mong các vị thần nhận lễ cho, để dân bản cùng về đây vui hội xuống rẫy.

z5188957753515_83e5c9bccd0062867c21577060e24953.jpg
Bà con thành tâm khấn lễ với các nông cụ để cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ảnh: Hoàng Tâm

Khấn xong, già làng tưới rượu từ chiếc ly đang cầm trên tay lên đầu lợn, lên thân lợn. Vẫn chiếc ly ấy, già làng lại rót rượu trong chai ra ly và chuyền vòng từ trái sang phải đến từng người dân bản, để ai cũng được uống rượu và hưởng lễ. Người được đón ly uống xong, lại chấp tay hướng về con lợn vái, với ý nghĩa cảm ơn con lợn đã thay họ làm vật hiến sinh cho các vị Thần.

z5188977913199_84f28f8e7ebb276e26203c9cac0932b1.jpg
Già làng thực hiện nghi thức xin keo để mong các vị thần linh chứng giám và phù hộ cho dân làng. Ảnh: Phương Nam

Khi rượu đã uống hết vòng thì con lợn hiến sinh sẽ được đem đi chế biến thành các món chín và được xếp vào mâm đặt lên hai tầng của khám thờ.

Tầng cao của khám thờ là nơi thờ thần lúa, thần trời, thần nước; tầng thấp thờ thần đất, thần núi. Trên hai khám thờ không có lư hương, chỉ thắp 2 ngọn nến bằng sáp ong dát mỏng cuộn vào giấy bản. Hai thanh gươm được đẽo bằng gỗ, một dài, một ngắn cắm hai bên khám thờ tạo nên vẻ oai linh. Một vò rượu cần màu da lươn đặt ở dưới đất trước khám thờ, 5 chiếc cần chọc vào và vươn lên, hướng về 5 phía như biểu tượng của các vía vũ trụ (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Cách khám thờ không xa là các dùi chọc lỗ, được vạt một đầu nhọn và một số gùi, được đan bằng nứa, có quai, bên trong đựng các hạt giống lúa, để khi các vị Thần cho phép, dân làng sẽ thực hiện nghi thức trỉa lúa.

z5188945995189_16463aa9ad3c0c682b96318366ccde63.jpg
Già làng xin thần linh với giỏ thóc giống để cầu mong được phù hồ cho mùa màng thuận lợi, bà con ấm no. Ảnh: Phương Nam

Khi các lễ vật, vật dụng đã được sắp đặt xong, già làng bắt đầu tổ chức nghi thức cầu khấn các vị Thần. Lúc này, dân bản đều tập trung về phía sau già làng, hướng về khám thờ. Bốn bậc cao niên khác cùng với già làng nghiêm cẩn trước khám thờ và cất lời khấn.

Sau khi khấn xong, Già làng thực hiện nghi thức xin keo để xin các Thần phù hộ cho dân bản sức khỏe tốt, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu.

z5188978806991_88dc74cd0e290deecc6ec12658fd57e7.jpg
Bà con đồng bào Bru - Vân Kiều thực hiện nghi thức chọc lỗ, tra hạt. Ảnh: Hoàng Tâm

Sau đó, mọi người vai đeo gùi (aria), tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm một nia (a doong), trong đó đựng ít thóc giống, vừa nhún nhẩy như người sẩy thóc, vừa tiếp tục lẩm bẩm khấn, gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt. Dân bản theo sau, vừa khấn, vừa thực hiện nghi thức chọc lỗ, gieo hạt. Nghi thức này được thực hiện nhiều lần,

Sau phần lễ, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ để thụ lộc và trò chuyện vui vẻ.

z5188952329780_b63a9fd3d7c4259fba746a72d3f33a1f.jpg
Đồng bào Bru - Vân Kiều vui hội với những điệu múa, trò chơi dân gian tưng bừng, náo nhiệt. Ảnh: Hoàng Tâm

Tiếp sau là phần hội với nhiều điệu múa truyền thống, trò chơi dân gian của đồng bào Bru – Vân Kiều như: chơi xà hùa, chơi chi cà dạ, chơi bóng má, chơi cháy xà rì,… thu hút đông đảo mọi người tham gia.

Hoàng Tâm

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm