Nằm trong các hoạt động tháng 3 với chủ đề “Ngày hội hoa ban”, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La đã tái hiện lại lễ hội Xên bản (Xên mường) vô cùng độc đáo.
Lễ Xên bản (Xên mường) tỉnh Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung thường diễn ra vào mùa xuân (cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch hàng năm, lúc này hoa ban bắt đầu nở) với ý nghĩa xướng báo các vị thần linh, thần nước, thần núi, thần rừng, thổ địa…về hưởng thụ đồ lễ, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra bản mường.
Đồng thời, cũng là dịp để cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống bình yên.
Lễ vật dâng cúng trong lễ Xên bản (Xên mường) phải có thủ lợn, gà, vịt, rượu nếp nương, rượu cần, cơm lam, gạo nếp, hương cúng, giấy bản, nước trắng, muối ớt…
Trong phần lễ, chủ lễ (ông mo) gọi mời các vị thần linh như thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương, vùng miền, linh hồn người có công dựng bản mường, đất nước về dự, nhận các lễ vật do nhân dân trong bản, trong mường dâng lễ. Đồng thời, ông mo đọc lời khấn cầu mong tổ tiên thần linh ban phúc, phù trợ cho bản bình yên, làm ăn suôn sẻ, con người khỏe mạnh, ngô lúa sinh sôi, gia súc, gia cầm phát triển.
Lễ cúng kéo dài khoảng 30 phút, sau đó phần hội diễn ra sôi nổi với các điệu múa dân gian như múa xoè, múa khăn, khua luống (quánh lóng) và trò chơi dân gian như cù quay, ném còn, tó má lẹ, thi đối đáp, kéo co, đẩy gậy, thi bắn nỏ...
Lễ Xên bản (Xên mường) là một nghi lễ dân gian mang đậm yếu tố tâm linh, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Đây cũng là ngày hội văn hóa cộng đồng góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết trong dòng họ, bản làng, dân tộc, đồng thời lễ hội cũng là dịp để ôn lại truyền thống, giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc.
Lệ Giang