Giữ gìn, phát huy giá trị nghi lễ mừng thọ của người M’nông

Lễ mừng thọ của người M’nông (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1841/QĐ-BVHTTDL ngày 4/8/2022. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều giải pháp nhằm duy trì, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

vna_potal_dak_lak_phuc_dung_le_mung_tho_cua_nguoi_m’nong_nam_2023_6829656.jpg
Tiết mục thổi kèn Đing năm và kể khan trong Lễ mừng thọ của người M’nông. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Kết nối cộng đồng

Lễ mừng thọ thuộc hệ thống nghi lễ vòng đời của đồng bào M’nông. Theo phong tục truyền thống của người M’nông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức Lễ mừng thọ, thể hiện sự biết ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng. Lễ mừng thọ thường tổ chức vào tháng 1 - 2 hằng năm, sau khi kết thúc mùa nương rẫy. Trong nghi Lễ mừng thọ của người M’nông thường có các lễ vật như: một con heo, ba chén cơm, một ché rượu cần lớn, một quả bầu khô đựng đầy nước…

Ngay từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình tất bật mỗi người một công việc, bà con trong buôn làng đến chung vui với gia đình. Khi lễ vật được chuẩn bị đầy đủ thì các thủ tục của nghi Lễ cúng mừng thọ bắt đầu. Thầy cúng ngồi trước các lễ vật, ngồi cạnh là người được mừng thọ. Thầy cúng gọi Yàng gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức Lễ mừng thọ; cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Sau đó, thầy cúng mời người được mừng thọ cầm rượu cần uống và tiếp tục cầu khấn, trao chiếc vòng thể hiện sự gắn kết giữa con người với thần linh, mong thần linh luôn ở cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất.

Một người đại diện cho con cháu, họ tộc tặng lễ vật như chăn đắp, khăn choàng, khăn quấn đầu hoặc khố, áo… cho người được mừng thọ. Tiếp đó, các thành viên trong gia đình thay phiên nhau mời người được mừng thọ uống rượu cần, gắp thức ăn và nói lời cầu chúc là những câu nói chân tình, kể lại những công lao của cha mẹ, ông bà đã săn sóc, nuôi dạy và cầu mong họ sống lâu với con cháu. Trước khi kết thúc buổi lễ, ông bà, cha mẹ sẽ ngồi quây quần cùng con cháu, dặn dò, khuyên bảo mọi người trong buôn cùng nhau làm ăn phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc dân tộc và nghe kể khan, thổi khèn. Sau đó, người con sẽ mời họ hàng, anh em gia đình, bà con dùng bữa cơm thân mật.

Chị H’Văl Tơr ở buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk chia sẻ, chị thấy tự hào vì đồng bào M’nông có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng và đặc sắc. Năm 2023, chị tổ chức Lễ cúng mừng thọ cho cha, cầu mong cha luôn dồi dào sức khỏe. Lễ cúng cũng là dịp để con cháu trong gia đình cảm tạ công lao sinh thành, dạy bảo lớn khôn của cha, ông nên có ý nghĩa rất đặc biệt và quan trọng với gia đình chị.

Chia sẻ về ý nghĩa của Lễ mừng thọ, già làng Ma Thuyên, buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk cho biết, với người M’nông, Lễ mừng thọ có ý nghĩa rất to lớn. Mỗi khi có nhà tổ chức Lễ mừng thọ thì con cháu, bà con trong buôn đều đến để cầu chúc cho cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi. Đây cũng là cơ hội để anh chị em trong gia đình quây quần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn và trải nghiệm cuộc sống, xây dựng kế hoạch để chăm sóc bố mẹ tốt hơn.

Lễ mừng thọ của người M’nông được tổ chức đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa. Theo Tiến sĩ Triệu Văn Thịnh, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, Lễ mừng thọ của đồng bào M’nông toát lên ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng buôn làng. Qua đó thể hiện tinh thần cố kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên trong cộng đồng, là dịp để những bậc cao niên có những lời khuyên nhủ, răn dạy con cháu về nếp ăn, lối ở sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; giáo dục người trẻ phải siêng năng, trung thực, sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng.

Hiện nay, với xu thế giao lưu hội nhập, các giá trị văn hóa nghi lễ vòng đời của người M’nông ở huyện Lắk có nguy cơ mai một. Những người am hiểu luật tục, tham gia và thực hành nghi Lễ mừng thọ truyền thống của người M’nông đa phần đã lớn tuổi. Con cháu rời buôn làng đi làm ăn xa… Đây là những thách thức trong công tác giữ gìn, phát huy Lễ mừng thọ của người M’nông tại tỉnh Đắk Lắk.

Nỗ lực giữ gìn, phát huy giá trị nghi lễ

Huyện Lắk hiện có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào M’nông có 9.528 hộ, 39.419 nhân khẩu, chiếm 51,2% dân số toàn huyện. Để giữ gìn và phát huy Lễ mừng thọ của người M’nông cùng 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Trong kế hoạch, UBND tỉnh đưa ra nhiều giải pháp như: mở các lớp truyền dạy, xây dựng và tổ chức các mô hình điểm về phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch cộng đồng; thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn di sản trong sinh hoạt động đồng, lễ hội, trong đó có các hoạt động du lịch văn hóa... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng UBND huyện Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động như: phục dựng Lễ mừng thọ của người M’nông, Hội thảo “Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông”…

Ông Y Ơn Liêng, buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk cho biết, khi Lễ mừng thọ của người M’nông được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông cảm thấy rất xúc động, tự hào và trân quý. Tuy nhiên, là một trong những người đang nắm giữ di sản Lễ mừng thọ, ông Y Ơn Liêng cảm thấy băn khoăn khi kho tàng văn hóa mà ông bà để lại dần mai một. Để Lễ mừng thọ của người M’nông được gìn giữ và phát huy, theo ông Y Ơn Liêng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân - những người nắm giữ linh hồn của nghi Lễ mừng thọ, đặc biệt là các nghệ nhân có điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có biện pháp hữu hiệu, kịp thời sưu tầm, ghi chép lại các bài cúng, trình tự cúng của các nghi lễ để phục vụ cho công tác bảo tồn…

Theo Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai, Lễ mừng thọ của người M’nông có tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, song đòi hỏi phải đảm bảo nét riêng, thu hút, ấn tượng, quảng bá được nét đẹp, nét hay của nghi lễ. Việc tổ chức, phục dựng phải do chính dân làng và cộng đồng thực hiện các nghi thức của Lễ, tự nguyện tổ chức; tránh trường hợp các cơ quan, tổ chức can thiệp sâu vào việc tổ chức Lễ, khiến người dân chỉ là những người thực hiện một cách gượng ép, máy móc…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp và tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số của địa phương; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Tỉnh xác định, Lễ mừng thọ của người M’nông là một trong những di sản văn hóa cần được quan tâm, duy trì bảo tồn, khai thác hiệu quả gắn với phát triển du lịch địa phương, nâng cao đời sống người dân. Tỉnh đang tiếp tục xây dựng các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông.

Việc giữ gìn và phát huy Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa quan trọng, không chỉ bảo tồn phong tục truyền thống của đồng bào M’nông mà còn giúp giữ gìn thiết chế tốt đẹp về gia đình, giáo dục đạo đức cho lớp trẻ về tình yêu thương và lòng hiếu thảo; do đó, cần có chiến lược, chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả, kịp thời.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm