Ngày 19/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng thọ của người M’nông”.
Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk là một trong hai di sản của tỉnh Đắk Lắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022. Lễ mừng thọ của người M’nông thường tổ chức vào tháng 1 - 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương rẫy.
Theo phong tục truyền thống của người M’nông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức Lễ mừng thọ nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Theo thời gian, tuổi càng cao, lễ mừng càng lớn. Lớn nhất là lễ mừng thọ khi cha mẹ được 70 tuổi. Qua lễ mừng thọ, các thế hệ người M’nông muốn truyền dạy cho con cháu biết yêu thương, giúp đỡ nhau, sinh sống và làm ăn lương thiện.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết, tỉnh có 49 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên nét đẹp văn hóa đa màu sắc. Tuy nhiên, không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, trong đó lễ hội truyền thống nói chung và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông nói riêng còn đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Những người am hiểu về di sản văn hóa dân tộc ngày càng ít dần, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa dân tộc, không gian canh tác nương rẫy bị thu hẹp, một số bến nước không còn sử dụng... Hội thảo “Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng thọ của người M’nông” nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả di sản Lễ mừng thọ của người M’nông, gắn với phát triển du lịch địa phương. Nội dung, giải pháp trong tham luận tại Hội thảo được sử dụng, tham khảo trong quá trình xây dựng các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản này trong thời gian tới.
Hội thảo nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của hơn 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ nhân... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, địa phương. Theo các đại biểu, việc nghiên cứu, phát triển Lễ mừng thọ thành một sản phẩm du lịch cộng đồng là điều cần được quan tâm. Trong chương trình tour du lịch cộng đồng cần có nội dung trải nghiệm văn hóa truyền thống người M’nông. Phần đầu phục dựng trình diễn giới thiệu nguyên bản của lễ mừng thọ, phần sau có thể phát triển thêm nghi thức cầu chức sức khỏe cho du khách. Đưa Lễ mừng thọ thành một sản phẩm du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ mừng thọ mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa khác của người M’nông như ẩm thực, cồng chiêng, cải thiện cuộc sống của người dân.
Theo Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk Niê Thanh Mai, bản sắc văn hóa của người M’nông rất độc đáo, sinh động như: văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà dài, văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa sử thi, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực, đặc biệt là văn hóa lễ hội hay còn gọi là văn hóa nghi lễ. Việc nghiên cứu, phục dựng Lễ mừng thọ của người M’nông cần được thực hiện trong bối cảnh gắn liền với cộng đồng và do cộng đồng làm chủ thể. Chủ thể là dân làng và cộng đồng dân tộc M’nông - những người thực hiện các nghi thức của Lễ, cũng như tự nguyện cùng gia đình, cộng đồng buôn làng tổ chức dưới sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.
Hoài Thu