Bun Vốc Nặm, lễ hội cầu cho mưa thuận, gió hòa của người Lào ở Lai Châu

Ngày 23/3, Lễ hội Bun Vốc Nặm (Lễ hội té nước) lần thứ 5 năm 2024 của dân tộc Lào được tổ chức tại bản Nà Vàn (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu) thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Lễ hội Bun Vốc Nặm gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trong phần lễ sẽ tái hiện Lễ cúng cầu mùa, Lễ cúng cầu mưa, múa xòe và té nước.

vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285606.jpg
Thầy cúng làm lễ xin thần linh một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Mở đầu phần lễ là nghi lễ cúng thần linh với các lễ vật gồm: Lợn, gà, bánh chưng, rượu, chè, xôi, mía, chuối, hoa quả, bánh kẹo. Sau khi dâng lễ xong, thầy cúng bắt đầu làm các nghi lễ cúng thần linh. Kết thúc nghi lễ này, thầy cúng bước lên phát lệnh cho đoàn lễ đi xin nước mưa để cúng tượng phật trong chùa.

Đoàn lễ đi xin nước mưa của các gia đình đã được bản lựa chọn. Những gia đình này năm vừa qua mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, gia đình ấm no, hạnh phúc. Các gia đình trong bản mang nước mưa đứng 2 bên đường té nước vào đoàn rước với mong muốn được góp nước dâng lên cúng tượng Phật và cầu mong năm mới may mắn, sức khỏe, làm ăn phát đạt.

vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285613.jpg
Sau nghi thức cùng thần linh, đoàn lễ sẽ đi xin nước mưa ở một nhà dân bản để cúng tượng Phật trong chùa. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285604.jpg
Trên đường đi các gia đình trong bản mang nước mưa ra đứng 2 bên đường để té nước vào đoàn lễ. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285597.jpg
Chủ nhà trao nước mưa vào ống tre cho đoàn lễ để ra về. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Khi đoàn rước nước và hoa về đến chùa. Thầy cúng cầm 2 nén hương tiến vào chùa làm các nghi lễ dâng hương; sau đó nhận lễ vật từ tay của các già làng để dâng vào chùa. Khi đặt lễ xong, thầy cúng cho phép đoàn rước tiến vào trong chùa để dâng hoa, dâng nước. Hai lần dâng hoa sẽ là một lần tưới nước nối tiếp nhau cho đến khi dâng hết hoa.

Tiếp theo là lễ rửa tượng Phật với mong muốn tẩy uế, rửa đi hết những bụi bặm của trần gian trong một năm qua và cầu mong những điều mới mẻ, sạch sẽ nhất cho năm mới. Thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa; sau đó cho cả đoàn lễ đi vòng quanh chùa 3 vòng rồi cho phép mọi người được ca hát, nhảy múa phía trước chùa.

Cuối cùng, các đại biểu, du khách và nhân dân cùng ra dòng suối Nậm Mu hòa mình vào lễ hội té nước của dân tộc Lào; cầu mong cho một năm mới sức khỏe, bình an, mùa màng bội thu, may mắn ngập tràn.

vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285600.jpg
Thầy cúng làm lễ rửa tượng Phật với mong muốn tẩy uế, rửa đi hết những bụi bặm của trần gian trong một năm qua và cầu mong những điều mới mẻ, sạch sẽ nhất cho năm mới. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Dân tộc Lào ở huyện Tam Đường là cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở ven các con suối, những nơi có nhiều nước, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Mặc dù dân số không đông nhưng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây có nhiều nét đặc sắc, phong phú và đa dạng mang đặc trưng của dân tộc Lào ở Tây Bắc.

vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285601.jpg
Người dân và du khách cùng hòa vào suối Nậm Mu tham gia Lễ hội té nước. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Từ đời xa xưa, người Lào rất coi trọng nước, nước là nhu cầu sống thiết yếu của con người và vạn vật. Từ ý nguyện ấy, dân tộc Lào đã nương tựa vào “phà”, “đin” (nghĩa là trời - đất) để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, vạn vật tốt tươi. Đây là nguồn gốc hình thành, lưu truyền tục cầu mưa của dân tộc Lào và được gọi là Lễ hội Bun Vốc Nặm hay Lễ hội té nước.

vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285599.jpg
Người dân và du khách cùng hòa vào suối Nậm Mu tham gia Lễ hội té nước. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Phần hội diễn ra nhiều hoạt động thu hút người dân và du khách như: Giao lưu văn nghệ, thi bắt cá suối, thi đua bè, thi ẩm thực, thi đan giỏ tre, tổ chức các trò chơi dân gian (tung còn, bắt đầu bắt chân, bịt mắt đập chiêng, đi cầu thăng bằng...) mang đậm bản sắc của dân tộc Lào.

vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285605.jpg
Cùng hòa vào vòng xòe đoàn kết của dân tộc Lào. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Đến từ Vĩnh Phúc, du khách Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, được biết lễ hội của người Lào rất hay qua bạn bè, chị và người thân đã quyết định tham gia vào năm nay. Không khí lễ hội rất nhộn nhịp và vui tươi. Chị ấn tượng với trang phục của người dân nơi đây. Nó rất đẹp và cầu kỳ. Những người già ở đây còn nhuộm răng đen. Ở đây có nhiều nét văn hóa độc đáo đáng để trải nghiệm.

vna_potal_ve_lai_chau_cung_dan_toc_lao_vui_le_hoi_bun_voc_nam_7285612.jpg
Người già lớn tuổi dân tộc Lào ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu thường nhuộm răng đen. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Ông Vàng Văn Kẻo, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tăm cho biết, Nà Tăm là xã có gần 100% đồng bào dân tộc Lào sinh sống. Đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây có nhiều nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ cho đến ngày nay, trong đó có lễ hội Bun Vốc Nặm - một nghi lễ truyền thống của dân tộc Lào. Lễ hội này được duy trì tổ chức hàng năm nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người khỏe mạnh.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)
Dân tộc Lào Dân tộc Lào

Tên tự gọi: Thay, Thay Duồn, Thay Nhuồn.

Tên gọi khác: Phu Thay, Phu Lào.

Nhóm địa phương: Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ).

Dân số: 14.928 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai).

Lịch sử: Người Lào có nguồn gốc di cư từ Lào sang.

Hoạt động sản xuất: Người Lào làm ruộng nước với kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền hợp lý. Ngoài ra họ còn làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiểu thủ công nghiệp gia đình của dân tộc đặc biệt phát triển. Họ làm gốm bằng bàn xoay với các sản phẩm như chum vại, vò, ché, nồi với chất lượng tốt. Nghề dệt thổ cẩm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, thể hiện thẩm mỹ tinh tế. Nghề rèn, nghề chạm bạc... cũng góp phần thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Hái lượm còn có vai trò nhất định đối với đời sống kinh tế của người Lào.

Ăn: Người Lào ăn nếp là chính. Về thực phẩm họ ưa ăn các món chế biến từ cá; đặc biệt có món Pàđẹc (cá ướp) rất nổi tiếng.

Mặc: Phụ nữ Lào mặc váy thắt ngang ngực, buông ngang tầm bắp chân. Gấu váy thêu hoa văn màu tươi sáng rực rỡ. áo nữ ngắn, để hở phần ngực trên. Chiếc trâm bạc cài tóc hay khăn piêu đội đầu của phụ nữ Lào cũng được chạm khắc hoặc thêu thùa khéo léo. Nam phục Lào có nhiều nét tương đồng với người Thái.

: Người Lào cư trú xen kẽ với người Thái, người Lự, người Khơ Mú ở các huyện Ðiện Biên, Phong Thổ (Lai Châu) và Sông Mã (Sơn La). Họ ở nhà sàn, lòng rộng, thoáng đãng, cột kèo được chạm khắc tinh vi. Mái nhà thường kéo dài tạo nên hiên để đặt khung cửi và các công cụ làm vải.

Phương tiện vận chuyển: Người Lào quen gùi, gánh đôi dậu, đặc biệt giỏi đi thuyền trên sông, ở một số nơi họ còn sử dụng ngựa thồ.

Quan hệ xã hội: Trước kia xã hội người Lào tuy phụ thuộc hệ thống tổ chức hành chính của phong kiến Thái nhưng được tự quản ở cấp bản. Mỗi bản có một người đứng đầu gọi là chẩu bản đại diện cho lợi ích cộng đồng. Thiết chế tự quản chi phối nhiều tới hoạt động kinh tế, đời sống tâm linh và đạo đức truyền thống.

Cũng như người Thái, người Lào quan niệm mỗi người có ba quan hệ họ hàng chính: ải Noọng - Lung Ta - Dinh Xao. Các dòng họ đều có tục kiêng cấm liên quan đến tô tem giáo.

Cưới xin: Theo nguyên tắc hôn nhân thuận chiều. Con trai phía họ Dinh Xao được phép và khuyến khích lấy con gái phía họ Lung Ta, nhưng nghiêm cấm lấy ngược lại. Không có tục hôn nhân anh em chồng hoặc hôn nhân chị em vợ. Gia đình của người Lào dù lớn hay nhỏ mang tính phụ quyền rõ rệt mặc dầu người phụ nữ vẫn được đề cao. Sau hôn nhân, cô dâu cư trú bên nhà chồng. Gia đình của họ thường bền vững, ít có trường hợp đa thê, ngoại tình hay ly dị. Quan hệ trong mỗi nhà thường hoà hiếu, con cái được chăm sóc như nhau không phân biệt trai gái.

Sinh đẻ: Phụ nữ mang thai và sinh đẻ được chăm sóc và quan tâm chu đáo. Họ cũng phải tuân theo nhiều kiêng cấm trong ăn uống cũng như hành vi ứng xử. Trẻ sơ sinh được đặt tên sau một tháng.

Ma chay: Tục thiêu xác chỉ thực hiện đối với người đứng đầu bản (chầu bản). Các trường hợp khác đều thổ táng. Lễ thiêu xác chầu bản do chẩu hua (ông sư) chủ trì với các nghi thức Phật giáo đã được hoà nhập và cải biến hợp với truyền thống tộc người. Người Lào không khóc trong các đám tang bởi họ quan niệm sự chết chỉ là quá trình thay đổi thế giới.

Lễ tết: Người Lào theo Phật lịch và ăn tết vào tháng 4 âm lịch hàng năm (Bun Pi May). Hàng tháng, vào ngày rằm và ba mươi có tục dâng lễ lên tháp theo nghi thức Phật giáo, lễ vật chỉ có hoa quả. Họ cũng có nhiều nghi thức tín ngưỡng khác liên quan đến nông nghiệp như lễ cầu mưa (Xo Nặm Phôn) hay có tục ăn cơm mới.

Thờ cúng: Mỗi gia đình đều có nơi thờ tổ tiên. Mỗi bản làng có một ông thầy cúng (món) chuyên việc cúng khi có người đau ốm. Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa và xã hội người Lào.

Học: Người Lào có chữ theo mẫu tự Sanscrit. Hiện nay vẫn còn nhiều sách viết trên lá cọ do các thầy cúng (mo lắm) giữ. Xưa, con trai đều phải kinh qua học sách Phật từ 3 đến 7 năm. Học xong thầy đặt cho học trò là Siêng nghĩa là người đã giỏi chữ.

Văn nghệ: Người Lào có vốn văn học dân gian phong phú với nhiều huyền thoại, cổ tích, dân ca... Phụ nữ Lào không chỉ hát hay mà còn rất giỏi các điệu dân vũ. Do sống xen kẽ lâu đời với người Thái, văn nghệ dân gian Lào ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hoá Thái. Chính điều đó đã làm cho văn nghệ của họ thêm phong phú.

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm