Bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào H’rê tỉnh Quảng Ngãi

Đan lát thủ công là nghề truyền thống bao đời nay của đồng bào H’rê, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Mặc dù xã hội phát triển, đời sống người dân nâng cao nhưng nhiều gia đình vẫn giữ nghề này và sử dụng vật dụng như giỏ, gùi, rổ, nia hay chiếu trong đời sống, sinh hoạt và sản xuất.

Nghề đát.jpg
Đồng bào Hre xã Thanh An luôn lưu giữ nghề đan lát mây, tre. Ảnh: minhlong.quangngai.gov.vn

Tại Quảng Ngãi, dân tộc H’rê sinh sống tập trung chủ yếu ở ba huyện miền núi: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà với hơn 130.000 người. Từ lâu đời, đồng bào chủ yếu trồng lúa trên rẫy và canh tác lúa nước. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống của bà con H’rê trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc.

Cuộc sống của đồng bào H’rê ở huyện Minh Long gắn liền với ruộng nương. Vì thế, những sản phẩm họ làm ra để phục vụ chính nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Nghề đan lát thủ công có từ lâu đời, cả phụ nữ và đàn ông đều biết đan. Trước kia, ngoài đan lát phục vụ cuộc sống gia đình, người dân còn đem bán. Những năm gần đây, nghề đan lát đang có nguy cơ bị mai một, lớp trẻ không mặn mà, chỉ còn người lớn tuổi duy trì được nghề truyền thống.

Ông Đinh Văn Nghiêu (72 tuổi, ở làng Thượng Đố, xã Thanh An, huyện Minh Long) là một trong những nghệ nhân giỏi đan lát. Ông Nghiêu chia sẻ, ông biết đan lát từ nhỏ. Những năm trước, do mải làm kinh tế, ông không dành nhiều thời gian cho việc này. Gần đây, khi tuổi cao, ông tập trung vào việc đan lát nhiều hơn. Điều khiến ông lo lắng là lớp trẻ bây giờ không mặn mà với nghề truyền thống.

qn1.jpg
Ông Nghiêu cần mẫn mỗi ngày đan lát, tạo ra những vật dụng mây, tre truyền thống tinh xảo. Ảnh: baovanhoa.vn

Tận mắt chứng kiến quy trình làm ra một sản phẩm đan lát mới thấy được sự độc đáo và đầy công phu. Để hoàn thành một sản phẩm, người dân phải mất 2-5 ngày. Một sản phẩm hoàn thiện thường trải qua nhiều bước như: Chọn nguyên liệu, chẻ nan, chuốt nan, đan, trong đó khâu chuốt nan được xem là quan trọng nhất. Trong các sản phẩm đan lát của người H’rê, giỏ đựng cơm, nước uống khi đi rẫy, giỏ xách tay đựng sản vật thu hái từ rừng, giỏ đeo bên hông để đựng khi bắt cá... được bà con sử dựng nhiều nhất. Hiện nay, bà con đan hàng ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

“Để các vật dụng đẹp, tinh xảo, người thợ cần phải khéo léo chẻ nan, chuốt nan làm sao cho mềm, nhẵn, đều. Quá trình đan cần tỉ mỉ, kiên nhẫn. Sản phẩm mây, tre đan sở dĩ bền, không bị mối mọt là do khi đan xong, bà con gác trên bếp lửa, khói bếp giúp mây, tre bền chắc hơn”, ông Nghiêu chia sẻ.

Bà Đinh Thị Rôm (ở làng Thượng Đố, xã Thanh An) học đan từ năm 15 tuổi, đến nay, dù đã 61 tuổi nhưng bà vẫn gắn bó với nghề. Những chiếc gùi được bà đan khéo léo, vừa chắc chắn, vừa bền đẹp với đường nan tỉ mỉ, cầu kỳ, tạo nên hoa văn tinh xảo. Theo bà Rôm, để đan, trang trí hoa văn trên sản phẩm thường mất nhiều công sức và giá tiền cao hơn nên ít người đặt mua. Vì vậy, bà thường đan những chiếc gùi đi rẫy, đi chơi bình thường hay rổ, rá theo yêu cầu của người dân trong làng. Giá bán bình quân 100 - 300 nghìn đồng tùy loại. Mỗi tháng, bà kiếm thêm được khoảng 1 triệu đồng từ các sản phẩm đan lát.

Sản phẩm mây, tre đan tinh xảo, bền đẹp, sử dụng liệu thân thiện môi trường nhưng khâu tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Minh Long Đinh Văn Ý cho biết, thực hiện Đề án Phát triển tổng thể dịch vụ - du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, huyện bố trí 2,5 tỷ đồng để xây dựng không gian văn hóa Hrê ở làng Thượng Đố, xã Thanh An và phục hồi một số nhà sàn, ruộng bậc thang, xây dựng làng nghề truyền thống mây, tre đan... Qua đó, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào H’rê, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng.

Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện vận động những người già biết nghề truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Thế hệ trẻ là người H’rê cần chịu khó học hỏi nghề đan, góp phần lưu giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Đinh Văn Ý nhấn mạnh.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm