Phong tục đón Tết của người Tày, Nùng ở Cao Bằng

Phong tục đón Tết của người Tày, Nùng ở Cao Bằng
Tung còn ngày xuân.
Tung còn ngày xuân.

Theo quan niệm của dân tộc Tày, Nùng, năm hết Tết đến có ý nghĩa rất quan trọng là tổng kết, đánh giá kết quả trong một năm về thành quả lao động, sản xuất và dự định những kế hoạch mới. Chính vì vậy, chào đón một năm mới đến, mọi gia đình dồn sức lực chăm lo Tết thật đầy đủ. Để chuẩn bị đón năm mới, cứ đến ngày 25 tháng Chạp hằng năm, mọi người làm bất cứ thứ gì trong nhà đều không vi phạm đến tâm linh, hay tín ngưỡng trong gia đình, dòng họ. Do vậy các gia đình đều chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp các đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, quét dọn nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới vui vẻ.

Để chuẩn bị đón Tết, mỗi gia đình chuẩn bị một cây nêu. Đúng chiều 30 Tết, cây nêu được dựng ngay sàn nhà. Bàn thờ được trang trí lại và dọn dẹp sạch sẽ, các chân hương cũ trong năm bỏ đi. Mỗi lọ hương của bàn thờ chính, các cửa nhà, cửa chuồng trâu, bò đều được cắm  kèm theo cành mận non, cành lá cây báng rừng... với quan niệm có nhiều tài lộc và sự bình an đối với gia đình. Khi thắp nén hương đầu tiên, các gia đình đều xông lên bàn thờ chậu nước đun sôi từ lá bưởi, nhằm xua đi những luồng sinh khí bẩn trong nhà, làm cho mọi thứ đều sạch sẽ. 

Chiều 30 Tết, mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đồ ăn phục vụ cho ngày Tết như: bánh chưng, bánh khảo, chè lam... theo phong tục; ngoài các món ăn truyền thống không thể thiếu con gà thiến để cúng. Gà cúng cần chọn con to, béo nhất đàn. Khi đã hoàn thành các món ăn, mâm cúng được bày lên bàn thờ chính. Nhiều gia đình còn lập thêm mâm cúng được đặt bên ngoài nhà vì quan niệm để dành cho những linh hồn tha phương. Mọi thủ tục cúng xong, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm tất niên - bữa cơm sum họp gia đình và là điều kiện để họ hàng, anh em tụ tập với nhau tâm sự và đúc kết kinh nghiệm trong một năm lao động sản xuất. 

Thời khắc giao thừa đến, khi con gà trống cất tiếng gáy đầu tiên, mỗi gia đình cử một thành viên mang dụng cụ là ống tre đến mỏ nước hoặc giếng nước để lấy nước mang về nhà đặt lên bàn thờ. Người đến mỏ nước sớm nhất sẽ được ban phát nhiều tài lộc, gặp nhiều may mắn trong năm. Theo quan niệm, ống nước được đặt lên bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. 

Năm mới đến, các gia đình tổ chức thành từng nhóm đến xông nhà nhau. Khi đến nhà của hàng xóm, mọi người chúc gia chủ những điều tốt đẹp nhất về sức khỏe và gia đình gặp nhiều may mắn. Khi đoàn chúc tết đến gia đình nào cũng được chủ nhà đặt lên mâm cơm hay uống một chút rượu. Tuy nhiên, do quan niệm, người đến nhà đầu tiên trong năm mới là đàn ông thì gia đình họ sẽ gặp nhiều may mắn và nhiều tài lộc nên đoàn chúc tết thường để đàn ông xông nhà. Đồng thời, ngày mùng Một, đa phần phụ nữ ở nhà lo cơm nước và tiếp khách.

Mùng Hai, mọi thành viên trong gia đình đều háo hức đi chúc Tết bên ngoại, tiếng địa phương gọi là “pây tái”, có nghĩa đến cảm ơn đối với người đã sinh thành, dạy dỗ vợ của mình được như ngày hôm nay. Sang thăm ngoại, từ sáng sớm mọi người chuẩn bị gà, bánh chưng, bánh khảo, bỏng (khẩu sli)... để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Nhà ngoại đón tiếp con rể chu đáo và làm cơm mời anh em trong dòng họ đến cùng tham dự, tạo không khí ấm cúng trong gia đình. Khi con cháu về, bên ngoại sẽ mừng tuổi cho các cháu bằng những đồng tiền được gói trong tờ giấy đỏ, mang ý nghĩa ban phát tài lộc cho con cháu... Đồ lễ đem sang ngoại để cúng tổ tiên trước khi về được chia phần, thể hiện tình cảm chân thành giữa hai bên thông gia.

Những ngày trong dịp Tết, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như đánh quay, đánh yến, tung còn... diễn ra sôi nổi tạo không khí vui tươi. 
Theo baocaobang.vn

Có thể bạn quan tâm