Quà mừng cưới của người Ba Na

Đám cưới của người Ba Na không phải nấu nướng cầu kỳ, chỉ có cháo đặc và rượu, thịt nhưng bà con gần xa đến chung vui rất đông. Khi đến dự cưới và chúc phúc cho cô dâu, chú rể, mọi người thường mang theo những món quà tặng cho cô dâu, chú rể rất ấn tượng…
 
Thường thì từ cuối năm cũ đến hết mùa khô của năm sau, nhiều gia đình người Ba Na ở thành phố Kon Tum lại rộn ràng tổ chức đám cưới cho con trai, con gái của mình. Đám cưới của người Ba Na không phải nấu nướng cầu kỳ, chỉ có cháo đặc và rượu, thịt nhưng bà con gần xa đến chung vui rất đông. Khi đến dự cưới và chúc phúc cho cô dâu, chú rể, mọi người thường mang theo những món quà tặng cho cô dâu, chú rể rất ấn tượng…
Qua mung cuoi cua nguoi Ba Na hinh anh 1
Cô dâu, chú rể cùng các phụ dâu, phụ rể uống ghè rượu do họ hàng mời.
Theo những người lớn tuổi ở làng Kon Tum Kơ Nâm thì đám cưới của người Ba Na ở thành phố Kon Tum nói chung và ở làng Kon Tum Kơ Nâm nói riêng bây giờ cũng có nhiều đổi khác: thời gian diễn ra lễ cưới cũng rút ngắn lại còn 1 ngày để tiết kiệm thời gian (trước đây kéo dài đến 3 ngày); đám cưới cũng không còn mổ bò, mổ trâu mà thay vào đó là thịt heo, gà để giảm chi phí. Tuy nhiên, cách thức tổ chức đám cưới thì cơ bản vẫn còn giữ được nét truyền thống.

Chú rể A Klăn ( làng Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho biết, để chuẩn bị cho đám cưới của mình, trước đó cả tháng, bố mẹ anh đã phải làm hàng chục ghè rượu để sẵn trong nhà. Trước lễ cưới 1 ngày, gia đình cũng đã nhờ các thanh niên trong làng lên rừng chặt ống le để làm ống hút rượu cần, còn các thiếu nữ thì lên rừng hái rau, chặt thân cây chuối. Chuẩn bị nguyên vật liệu đâu vào đấy, họ tập trung tại nhà chú rể để phụ giúp. Người được chọn đứng ra làm mai mối thì trực tiếp mổ heo (gia đình có điều kiện thì thịt trâu, thịt bò), hướng dẫn đàn ông chế biến các món ăn. Đàn bà thì xắt thân chuối, làm sạch rau rừng. Các cô gái trẻ trong làng cùng nhóm bếp để nấu món cháo đặc – món ăn yêu thích và là món truyền thống trong các dịp lễ hội, cưới hỏi của người Ba Na. Các chàng trai trẻ trong làng thì lấy nước đổ vào ghè rượu, mang ghè ra sắp xếp trước sân nhà.

Trước khi nhập tiệc, người làm mai mối thay mặt gia đình hai bên trao cho cô dâu, chú rể 2 chiếc đùi gà để họ cùng trao đổi cho nhau, vừa ăn vừa uống rượu “giao bôi” dưới sự chứng kiến của bà con dân làng. Xong nghi lễ, tiệc cưới được bắt đầu với những ghè rượu, những xiên thịt gà, heo đã được nấu nướng sẵn. Cô dâu, chú rể chia nhau đi vòng quanh bà con họ hàng để nhận những lời chúc mừng, những món quà cưới thể hiện tấm lòng, tình cảm của mọi người đến chia vui niềm hạnh phúc.

Độc đáo ở đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Ba Na ở làng Kon Tum Kơ Nâm nói riêng, quà cưới mừng cô dâu, chú rể thật đơn giản nhưng luôn được trân trọng như chính tình cảm của họ dành cho nhau.

Đối với con gái về nhà chồng, những bà mẹ thường dệt tặng cho cô dâu chiếc khăn để làm kỷ niệm. Đối với bà con họ hàng thì trong nhà có gì họ mang tặng cái nấy, không cầu kỳ. Có người mang hẳn những ghè rượu, có người chiết rượu cần ra chai mang đến đám cưới để mời cô dâu, chú rể; có người mang theo cặp gà, cặp heo, mấy chục quả trứng gà… Nếu không mang rượu, có người mang nước ngọt hay kẹo để tặng, có khi tặng tiền (vài chục ngàn đồng).

Những món quà cưới được bà con họ hàng trao tận tay cô dâu, chú rể sau khi cô dâu, chú rể uống xong những ly rượu hoặc những ly nước ngọt do mỗi người họ hàng mời.

Theo sau cô dâu, chú rể còn có 6 phụ dâu, phụ rể - họ mang những chiếc gùi rất xinh xắn để phụ cô dâu, chú rể đựng những quà cưới bà con họ hàng tặng hoặc uống đỡ những ly rượu mời cho cô dâu, chú rể.

Ông Chưt (58 tuổi) ở làng Kon Tum Kơ Nâm kể lại, cách đây 27 năm khi ông tổ chức cưới vợ cũng được bà con họ hàng tặng hơn chục cặp gà, hàng chục ghè rượu. Những con vật như heo, gà có người đến tặng trước đám cưới một ngày để giúp cô dâu, chú rể giết thịt đãi khách nhằm giảm bớt chi phí; có người đúng ngày cưới mới mang tặng để giúp cho vợ chồng mới tạo vốn liếng làm ăn. Mới đây, con gái lớn của ông Chưt lấy chồng, đám cưới cũng diễn ra theo phong tục truyền thống, được bà con họ hàng trong làng đến mừng cưới đến cả 2 gùi trứng gà. Với bà con, những món quà tuy đơn giản nhưng đấy là tất cả tấm lòng của họ.
 
Theo Báo Điện tử Kon Tum

Tin liên quan

Độc đáo nhà sàn Ba Na

Người Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời, có dân số đông thứ hai trong số các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ (sau người Xê Đăng) ở tỉnh, địa bàn cư trú tập trung ở quanh thành phố Kon Tum và một phần ở các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy... Cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, người Ba Na ở Kon Tum có những phong tục tập quán, văn hóa phong phú và giàu bản sắc, trong đó nhà sàn là một di sản văn hóa độc đáo.


Dân tộc Ba Na

Dân tộc Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo ở đây. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các cao nguyên miền Trung nước ta.


Thần Rừng của người Ba Na

Dân tộc Ba Na có địa bàn cư trú tập trung ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, còn ở tỉnh Đắk Lắk có một làng người Ba Na ở xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp. Cũng như các tộc người khác, người Ba Na tin mọi thứ xung quanh họ đều có sự hiện hữu của thần linh (Yang) và Yang chi phối, quy định những suy nghĩ, hành động của họ.


Lễ thổi tai của dân tộc Ba Na

Người Ba Na quan niệm rằng trong những giai đoạn nhất định của đời người hay vòng cây cối, cá nhân, cộng đồng, vật nuôi sẽ chịu tác động của những vị thần linh khác nhau. Từ khi sinh ra đến lúc về thế giới ông bà, người Ba Na phải trải qua ít nhất hai, ba lễ cúng sức khoẻ. Trong đó, Lễ thổi tai được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ vòng đời của người Ba Na.


Tục cưới hỏi của người Ba - na

Trải qua những giai đoạn dài phát triển, người Ba - na tồn tại chế độ hôn nhân một vợ, một chồng bền vững, phong tục cưới xin tuy còn nhiều nét nguyên sơ nhưng giàu tinh thần nhân văn và mang đậm sắc thái tộc người.


Vũ điệu độc đáo của đồng bào Ba Na

Mỗi tộc người đều có những điệu múa dân gian đặc trưng của mình. Người Việt có múa rồng, trống, sênh, mõ, sư tử...; người Mường có múa sạp, chàm đuống, chàm thau...Và với người Ba Na những vũ điệu là món ăn tinh thần không thể thiếu.


Tục kết nghĩa của người Ba Na

Kết nghĩa làm cha (mẹ) con, hay anh (chị) em giữa những người có cùng tên, hoặc kết nghĩa chỉ để trả ơn một ai đó đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn, kết nghĩa vì đơn giản thấy quý mến nhau... là một trong những phong tục độc đáo của người Ba Na.


Người Ba Na

Dân tộc Ba Na là một trong những cư dân sinh tụ lâu đời ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá độc đáo ở đây. Họ là tộc người có dân số đông nhất, chiếm vị trí rất quan trọng trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội ở các cao nguyên miền Trung nước ta.


Ting Ning - cây đàn tình của người Ba Na

Đàn Ting Ning hay còn gọi là đàn goong, nhạc cụ truyền thống của người Ba Na, là cây đàn mà các chàng trai Bahnar mượn để gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình đến người bạn gái.



Đề xuất