Sử thi - Kho tri thức đồ sộ của người Ba Na

Sử thi - Kho tri thức đồ sộ của người Ba Na

Dân tộc Ba Na sở hữu một kho tàng sử thi đồ sộ, to lớn. Sử thi được coi là cuốn bách khoa thư, ghi lại toàn bộ lịch sử, văn hóa, tri thức của cộng đồng.

Câu chuyện về tuổi thơ nghèo khổ, bất hạnh của người anh hùng Đăm Giông được tái hiện qua lời hát kể của nghệ nhân A Lưu ở làng Kon Klor 2, xã Đắc Rơ Va, thành phố Kon Tum: Đăm Giông và em là Giớ, mồ côi từ nhỏ, sống cùng với bà. Số phận bất hạnh, nhưng Giông lại là người đẹp trai, tài giỏi không ai bằng. Người già nào cũng muốn Giông là con mình. Cô gái nào cũng ước ao có một người chồng, người yêu như Giông. Còn các chàng trai thì ghen ghét, đố kị với Giông...

Trích đoạn "Giông Giớ mồ côi" là một phần trong bộ sử thi liên hoàn "Đăm Giông" của người Ba Na ở tỉnh Kon Tum. Tác phẩm kể về người anh hùng Đăm Giông tài giỏi, vượt qua tuổi thơ và số phận bất hạnh, anh dũng chiến đấu với kẻ thù, đánh tan bọn người xấu để cứu dân làng. Bộ sử thi này do nghệ nhân A Lưu và một số người Ba Na khác kể lại. Theo Tiến sĩ Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người trực tiếp sưu tầm và chỉ đạo biên dịch bộ sử thi này (thuộc dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên) thì bộ sử thi Đăm Giông có tới gần 100 tác phẩm, xoay quanh nhân vật chính là Đăm Giông.
Sử thi - Kho tri thức đồ sộ của người Ba Na ảnh 1Nghệ nhân A Lưu lo lắng sử thi Ba Na sau này không có người hát. Ảnh: thanhnien.com.vn
Đăm Giông là bộ sử thi đồ sộ trong kho tàng sử thi Ba Na nói riêng và sử thi Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, sử thi Ba Na không chỉ có Đăm Giông, mà còn rất nhiều tác phẩm khác, như: Đăm Noi, Xing Chi Ôn..., chưa kể nhiều tác phẩm còn được lưu truyền trong dân gian, chưa được khai thác, sưu tầm.
Đến nay, theo tiến sĩ Trọng, số lượng sử thi Ba Na được sưu tầm có đến dăm sáu chục tác phẩm, hàng chục tác phẩm được xuất bản. Hàng nghìn băng ghi âm hiện nay được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu văn hóa. Ngoài A Lưu thì còn một số nghệ nhân khác nữa ở Kom Tum cũng kể, do điều kiện dự án kết thúc trong 5 năm, nên còn có những tác phẩm khác chưa được khai thác từ các nghệ nhân. Hy họng có dịp nào đó để có thể khai thác tiếp, bởi đây là di sản rất quý của quốc gia, mà hiếm có dân tộc nào trên thế giới có sử thi quý giá như thế này.
Sử thi - Kho tri thức đồ sộ của người Ba Na ảnh 2Hơmon hơri khi mọi người quây quần bên nhà rông. Ảnh:baodaknong.org.vn

Người Ba Na gọi sử thi là hơmon, hoặc hơmon hơri, tức là vừa hát vừa kể. Cái tên đã phản ánh hình thức sinh hoạt độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Nghệ nhân A Jar ở làng Plây Đôn (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) kể khi xưa, trong nhà rông, bên ánh lửa bập bùng, tiếng hát kể của người già khi thì hảo sảng, vang dội như tiếng suối từ thượng nguồn đổ về, khi thì thầm như tiếng gió, khiến dân làng đắm chìm, như sống cùng các nhân vật trong câu chuyện.

Sử thi họ thường biểu diễn trước hết ở trong nhà rông. Khi mọi người rất đông, người ta mới yêu cầu nghệ nhân hát cho thoải mái tinh thần. Hát như vậy mà 1 đêm chưa hết thì qua đêm sau, qua đêm sau nữa. Thường thường là bắt đầu sau khi ăn cơm tối xong, có khi tới gà gáy đầu, khoảng 1, 2h, khi nghệ nhân hỏi: có ai còn thức ko?”, có 1, 2 người thức thôi thì ông nghỉ. Còn nhiều người yêu cầu thì ông lại hát tiếp. Nhưng không phải chỉ nhà rông thôi đâu, thường sau đám tang, những người độc thân ngủ trong nhà tang gia tới 1 tháng. Trong 1 tháng đó, người ta muốn an ủi gia đình để họ vơi bớt nỗi buồn, mới yêu cầu nghệ nhân đến hát, để nghe, vui buồn và cùng chia sẻ với nhau - ông A Jar nói.

Nghe kể sử thi, người ta có thể hình dung ra quá khứ, lịch sử của dân tộc mình, hiểu về văn hóa dân tộc và hiểu thêm về những tri thức mà ông cha mình đã dày công đúc rút và ghi nhớ lại. Sử thi là kho tri thức khổng lồ, là cuốn bách khoa toàn thư của người Ba Na và bà con Tây Nguyên. Sử thi Ba Na là bức tranh thu nhỏ, sinh động về xã hội Ba Na khi xưa. Các tác phẩm sử thi đều phản ánh cuộc sống từ thửa ban sơ của bà con với những cuộc đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, cuộc đấu tranh giữa những tộc người. Trong các tác phẩm ấy, bao giờ tác giả dân gian cũng xây dựng 2 tuyến nhân vật thiện và ác, để rồi cuối cùng, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác.

Sử thi - Kho tri thức đồ sộ của người Ba Na ảnh 3Nghệ nhân A Jar miệt mài dịch sử thi, ca dao, tục ngữ của dân tộc mình. Ảnh: baodaknong.org.vn

Nghệ nhân A Jar bảo rằng, người ta thích nghe sử thi một phần cũng vì người ta thấy được ông cha mình ngày xưa sống ra sao. Bà con Ba Na có thể soi vào những cuốn sử thi để thấy lịch sử, các phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc mình:

- Những phong tục tập quán khi cưới hỏi như thế nào cũng hiện ra qua sử thi. Chính vì vậy mà chúng tôi rất thích thú. Ví dụ cưới hỏi thì ngày xưa thường thường các cô gái mạnh dạn hơn, tỏ tình trước. Rồi là những phong tục khác, ví dụ như là trước khi lấy nhau, người ta có những phong tục khác, không phải là đi hỏi, gặp nhau, mà phải dùng đàn ting ning hoặc đàn gì đó, gảy cho thật hay. Khi nghe đàn hay, người ta tưởng tượng người đó là có tài, đẹp trai… 

Ngày nay, bà con người Ba Na có thể tìm thấy trong sử thi những tri thức dân gian, những kinh nghiệm trong mọi mặt của đời sống, từ trồng trọt, săn bắn, đến làm nhà rông, dựng nhà mồ... của ông cha mình ngày trước. Nhiều tri thức, kinh nghiệm ấy, ngoài sử thi ra, không được ghi chép ở bất kì nơi đâu. Ông Võ Quang Trọng lấy ví dụ từ một đoạn trích trong bộ sử thi Đăm Giông:

- Ví dụ như thế này, làm một nhà rông chẳng hạn, thì già làng rắc một ít hạt thóc vào một số vị trí. Buổi chiều họ rắc, sáng mai họ xem các hạt thóc có còn vị trí đó không. Nếu còn thì là đất lành, không có mối có kiến. Hay là muốn mở một làng phải xem là nguồn nước ở đâu, nguồn nước có quanh năm hay không thì mới dựng làng được...
  
Sử thi Ba Na vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 4 vừa qua.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm